Đến với huyện đảo Trường Sa, chắc hẳn ai cũng ngạc nhiên, thích thú, bởi “lạc” giữa màu xanh sẫm bao la của biển cả là tấm áo xanh màu lá trên các hòn đảo. Đó là những vườn rau xanh mướt, những khuôn viên, vườn hoa và con đường rợp bóng cây xanh... Sự hòa quyện của những màu xuân sắc ấy khiến người lần đầu đến đây như lạc vào miền cổ tích...
“Đẹp dịu dàng Tiên Nữ, An Bang”, câu hát trong bài hát “Bâng
khuâng Trường Sa” mà chúng tôi được nghe trên tàu trong suốt hành trình vẫn chưa
đủ để nói hết vẻ đẹp của hòn đảo nổi An Bang. Phải ví vẻ đẹp ấy như một miền cổ
tích mới đúng. Không biết đã phải tốn bao mồ hôi, công sức để đảo đá san hô cằn
cỗi trở nên xanh mướt, tuyệt đẹp như bây giờ. Trước đây, An Bang còn có tên khác
là “đảo Lò Vôi” vì khí hậu nóng bức quanh năm. Nhưng giờ đây, nhìn từ vị trí
neo tàu, hòn đảo đẹp thơ mộng với doi cát như chiếc khăn lụa trắng tinh khôi
vắt ngay chân đảo. Doi cát này được bộ đội gọi vui là đồng hồ cát vì nó di
chuyển theo mùa, cứ hết một vòng quanh đảo là tròn một năm. Những đợt sóng xô vào
chân đảo tung bọt trắng xóa, nước biển trong veo xanh màu ngọc bích. Khung cảnh
ấy giống như nơi ở của các nàng tiên cá trong truyện cổ tích. Nhưng "nàng
tiên cá" ở đây là những người lính biển, da đen bóng, rắn rỏi đang ngày đêm
canh trời, giữ đảo. Ngoài thực hiện nhiệm vụ, những giờ nghỉ, họ dành hết tâm
huyết cho những chậu cây, khóm hoa. Ươm trồng, vun xới, tưới tắm, cắt tỉa rồi
hồi hộp đón đợi từng mầm non nhú lên, từng nụ hoa hé nở. Giữa đại dương mênh mông,
xa gia đình, người thân nên cây cối cũng giống như những người bạn thân tình
của bộ đội. Ở đảo An Bang, những chậu hoa sứ có màu sắc rực rỡ hơn bất cứ nơi nào
tôi từng thấy. Dường như cây đã gom hết cái nắng, cái gió của biển cả, dồn vào
những bông hoa để đền đáp công chăm sóc của con người.
Nếu như đảo An Bang với vẻ đẹp nên thơ say lòng người thì đảo
Sinh Tồn lại mang đến cảm giác bình yên, thư thái. Đi trên con đường rợp bóng
những cây bàng gốc cổ thụ xù xì, với từng chùm quả vuông nằm e ấp trong tán lá,
lại nghe tiếng ê a của trẻ đọc bài trong lớp vọng ra... khiến nhiều thành viên đoàn
công tác thốt lên: “Bình yên quá!”. Đại tá Trần Công Thắng, Phó trưởng Phòng
Tuyên truyền đặc biệt, Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị) đã ra Trường Sa 3 lần,
nhưng vẫn mê đắm với cảnh đẹp ở đây. Anh tâm sự, mỗi lần ra đảo lại càng thấy yêu
quê hương đất nước mình hơn...
Đại úy QNCN Hoàng Như Thảo hướng dẫn chiến sĩ cách chiết cành
cây tra.
Tại các đảo chìm, việc trồng cây không thuận lợi như đảo nổi
nhưng bộ đội vẫn có cách “xanh hóa” những triền san hô, “mềm hóa” những bức tường
thô cứng bằng các chậu cây, khóm hoa rực rỡ. Hoa giấy, hoa sứ, hoa mười giờ và
cả hoa lan-loài hoa đỏng đảnh, khó tính, ưa khí hậu ẩm lạnh cũng đua sắc giữa
nắng gió khắc nghiệt đảo chìm. Mặc cho nắng thiêu, mặc cho gió táp, hoa vẫn nở
ở mọi góc, khoe sắc giữa biển cả bao la.
- Để những chậu hoa đẹp thế này, có mất nhiều công sức chăm sóc
không đồng chí?-Tôi hỏi chiến sĩ Trần Quốc Long ở đảo Tốc Tan A khi thấy anh đang
kéo tấm lưới chắn nắng cho mấy giò lan tím.
- Ở đây chăm sóc hoa như chăm em bé đó chị!
Câu ví von dí dỏm của cậu chiến sĩ đủ giúp tôi hình dung ra quá trình ươm trồng, chăm sóc hoa của bộ đội đảo xa kỳ công như thế nào. Nhiệm vụ nặng nề, huấn luyện thường xuyên, trực gác vất vả là thế, nhưng các chiến sĩ hải quân vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Họ gửi tâm hồn lãng mạn vào những mầm cây, khóm hoa; chắt chiu từng chút đất để ươm trồng rồi dày công chăm chút, nâng niu, che chắn... "Khi trời nắng rát, gió táp là sẵn sàng ôm hoa vào phòng ngủ để giữ ẩm chị ạ!", chiến sĩ Trần Quốc Long tâm sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét