Đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm
đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Người cho rằng, để xây dựng Đảng
trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức ở mọi thời kỳ, trước
bất cứ nhiệm vụ gì, đều phải gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá
nhân.
Bên
cạnh coi chủ nghĩa cá nhân là một thứ “vi trùng độc hại”, là nguy cơ làm suy
yếu Đảng, là “giặc nội xâm” - kẻ thù của những người cách mạng... Hồ Chí Minh
cũng luôn nhấn mạnh phải phân biệt rõ giữa lợi ích chính đáng của cá nhân và
chủ nghĩa cá nhân. Theo đó, Người đề cao vai trò lợi ích chính đáng của cá
nhân, coi đây là nguyên nhân quyết định chủ yếu cho sự tồn tại, phát triển của
mỗi con người, dẫn đến quá trình phát triển không ngừng của đất nước. Đồng
thời, lợi ích chính đáng của cá nhân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách
mạng Việt Nam, Vì vậy, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng là tất
yếu khách quan, rất quan trọng, song đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không
phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”.
Bản
chất chủ nghĩa cá nhân là lối sống thực dụng, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân,
“...việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích
chung của tập thể, miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy; là thứ vi trùng độc hại
sinh ra hàng trăm thói hư, tật sấu, những căn bệnh trong Đảng, nhất là khi Đảng
cầm quyền. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”,
Hồ Chí Minh chỉ ra 15 căn bệnh nguy hiểm trong Đảng đều bắt nguồn từ chủ nghĩa
cá nhân, như: tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp
hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, “hữu danh, vô thực”, “kéo bè, kéo cánh”, cận
thị, cá nhân, lười biếng, tị nạnh, “xu nịnh, a dua”. Đây là nguyên nhân làm suy
thoái, biến chất, giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, bởi vì, do cá
nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần
trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà
nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Vì
tính chất nguy hiểm - là lực cản lớn nhất của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội, nên Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chủ nghĩa cá nhân là một
kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó
Hồ Chí Minh khẳng định
thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh
trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, việc đánh bại chủ nghĩa cá nhân và trong
thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là hai vấn đề, hai nội dung, hai
mặt có quan hệ đối kháng, loại bỏ lẫn nhau, mặt này tồn tại, phát triển thì mặt
kia không tồn tại, hoặc ngược lại. Chỉ giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống
chủ nghĩa cá nhân, mới xây dựng được cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, không
thể đi lên chủ nghĩa xã hội khi chủ nghĩa cá nhân vẫn còn tồn tại và phát
triển.
Hồ
Chí Minh cũng xem chủ nghĩa cá nhân là một thứ giặc: “giặc nội xâm”, “giặc ở
trong lòng”, nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm, nó làm mất niềm tin của nhân dân
đối với Đảng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của Đảng, tới
quá trình đi lên của cách mạng. Nếu không giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh
chống “giặc nội xâm” thì sự nghiệp cách mạng vô sản ở nước ta không thể giành
được thắng lợi, suy đến cùng là cuộc cách mạng “nửa vời”, “không đến nơi”.
Đối
mặt với kẻ thù ngoài mặt trận, nơi chiến tuyến, tuy gian khổ, hy sinh, mất mát,
song vẫn có thể giành thắng lợi, còn đối mặt với chủ nghĩa cá nhân vô cùng phức
tạp trong nhận diện, khó khăn và đau đớn trong đấu tranh, vì đó là những thói
hư, tật xấu tồn tại ngay trong chính bản thân mỗi người đảng viên; trong đồng
đội, đồng chí, anh em, cấp trên - cấp dưới… ở nội bộ cơ quan, đơn vị mình. ...Việc
tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó
khăn, đau xót, song không vì khó khăn, phức tạp, gian khổ, đau đớn, lâu dài, mà
chấp nhận nản chí, buông xuôi, ngược lại càng phải dũng cảm, càng phải kiên
quyết chống chủ nghĩa cá nhân, vì khắc phục chủ nghĩa cá nhân là bước rất quan
trọng để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Và Người luôn đặt niềm tin thắng lợi vào
cuộc đấu tranh ấy: chủ nghĩa xã hội nhất định thắng, chủ nghĩa cá nhân nhất
định phải tiêu diệt.
Theo
Hồ Chí Minh, để xây dựng Đảng vững mạnh thì phải ngăn chặn, đấu tranh chống chủ
nghĩa cá nhân một cách hiệu quả. Muốn vậy, mọi đảng viên dù ở bất cứ cấp nào,
công việc gì, cũng cần nắm vững và thực hiện đúng những nguyên tắc xây dựng
Đảng kiểu mới. Tiến hành thường xuyên, nghiêm túc “tự phê bình và phê bình”,
phải tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau, “phê bình việc, chứ không
phê bình người”, không đại khái, qua loa, làm cho lấy vì. Phải luôn luôn tự phê
bình một cách thật thà, tự phê bình từ trên xuống dưới, nếu tiến hành từ dưới
lên trên sẽ dễ dẫn đến hình thức, kết quả đạt được không cao.. Tự phê bình
và phê không chỉ dừng ở phạm vi cá nhân đảng viên, mỗi tổ chức đảng cụ thể, mà
phải coi toàn Đảng là một cơ thể, một tồ chức hoàn chỉnh để tiến hành tự phê
bình và phê bình. Người nói: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một
Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái
đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi
tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh
dạn, chắc chắn, chân chính”.
Chống
chủ nghĩa cá nhân, chống “giặc nội xâm” là cuộc đấu tranh phải được tiến hành
thường xuyên, liên tục, quyết tâm cao, dũng cảm, kiên quyết, kiên trì, không bao
che, bao biện, đồng thời giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, như “giữ gìn
con ngươi của mắt mình”. Cuộc đấu tranh này phải được tiến hành một cách toàn
diện, đồng bộ đối với mọi đảng viên, trên tất cả các mặt công tác, các lĩnh vực
của đời sống xã hội, song, phải có những bước đi thích hợp, thận trọng, có
trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nơi, những lĩnh vực, những vị trí,
những cương vị dễ nẩy sinh chủ nghĩa cá nhân với những căn bệnh của nó.
Hồ
Chí Minh yêu cầu phát huy lực lượng toàn dân trong cuộc đấu tranh cam go, phức
tạp này: Nhiệm vụ của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống
tham ô, lãng phí, quan liêu. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại
xâm mà quên chống giặc nội xâm như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Thực
tiễn luôn minh chứng tính đúng đắn sáng tạo, cách mạng và khoa học quan điểm
của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa cá nhân và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân
trong Đảng. Để Đảng luôn giữ được niềm tin của nhân dân, luôn vững mạnh, ngang
tầm nhiệm vụ, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của
nhân dân; để Đảng không phải là một tổ chức làm quan phát tài, thì phải không
ngừng “chẩn đoán” và chỉ rõ những biểu hiện của “căn bệnh” chủ nghĩa cá nhân,
phải không ngừng “chữa trị” và “đặc trị” để đẩy lùi và giành thắng lợi trong
cuộc đấu tranh này.
Tình
hình thế giới và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi, nhiệm kỳ Đại hội XII
Đảng vừa qua đã tạo ra bước đột phá, đạt được những kết quả đáng khích lệ trong
cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Với phương châm nhìn thẳng vào sự thật,
Đảng ta đã “chỉ mặt đặt tên” những biểu hiện của “căn bệnh” này. Văn kiện Đại
hội XIII của Đảng nêu rõ “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã ban
hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã nhận diện
27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “”tự diễn biến”
“tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đồng thời, từng bước đấu tranh, đẩy lùi một bước
chủ nghĩa cá nhân với những căn bệnh của nó, như: cơ hội, thực dụng, quan liêu,
tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống,
tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, cục bộ, địa phương,
vô cảm; những tiêu cực trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế,
đất đai, quy hoạch, xây dựng… ở một số cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng
viên có chức, có quyền. Trong đấu tranh đã không có vùng cấm, không có ngoại
lệ; việc xây dựng Đảng về đạo đức được coi trọng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây”
và “chống”. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện
phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi
ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Để
thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phải không ngừng
kiên quyết, kiên trì, giữ vững ưu thế, đẩy lùi, giành thắng lợi trong cuộc đất
tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính
trị; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng
viên vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong
của chế độ, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh
thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi.
Giữ
vững và làm đúng các nguyên tắc xây dựng đảng, phát huy dân chủ, thường xuyên
tự phê bình và phê bình, tiến hành tự phê bình và phê bình trong Đảng phải từ
cấp trên xuống cấp dưới, từ Bộ Chính trị đến các tổ chức cơ sở đảng. Thực hiện
tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, nhưng phải cần có trọng tâm, trọng
điểm, tập trung vào những đảng viên có chức, có quyền, những lĩnh vực nhậy cảm,
liên quan nhiều đến quyền lực, lợi ích kinh tế, lĩnh vực có quan hệ trực tiếp
với người dân.
Xây
dựng cơ chế phù hợp để quần chúng, nhân dân được tham gia đấu tranh chống chủ
nghĩa cá nhân, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng, thực hiện
phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ
hưởng”. Kịp thời khen thưởng, cổ vũ những cá nhân, cơ quan báo chí đã phát
hiện, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tham nhũng, lãng phí.
Công
khai, không có vùng cấm và khách quan xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm
tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”; những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết trong
Đảng; tình trạng vì lợi ích cá nhân, phe nhóm, nể nang mà “xử lý nội bộ”,
“che dấu” cho việc tiêu cực.
Phê
phán các quan điểm sai trái về bầu cử
Bầu cử là công việc của mỗi quốc
gia và có cách tổ chức và quy định bầu cử khác nhau. Không thể lấy mô hình của
nước này áp đặt lên nước khác. Điểm chung trong bầu cử của các nước là theo
nguyên tắc “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Cũng
như các kỳ Đại hội và bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, trước thềm
cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026,
các thế lực thù địch đưa ra nhiều quan điểm chống phá, như: “Đảng lãnh đạo bầu
cử là không dân chủ”, “Bầu cử Quốc hội ở Việt Nam là hình thức”; “Đảng cử - dân
bầu”; “Bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn, chỉ là hội nghị Đảng
Cộng sản mở rộng”; “Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử”; “Không thể có
cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử”; “Cuộc bầu cử Quốc
hội chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được các “phe cánh” của Đảng
“an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”, v.v...
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng
Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã
được thực tiễn kiểm nghiệm, được nhân dân thừa nhận, được hiến định trong các
bản Hiến pháp năm 1980, 1992, 2013. Khoản 1, Điều 4, Hiếp pháp năm 2013 quy
định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng
thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu
trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân
tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng,
là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã
hội nên việc Đảng lãnh đạo cuộc bầu cử là tất yếu khách quan, là hợp hiến, hợp
pháp. Để cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp thành công
tốt đẹp, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 về lãnh
đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân
các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Hiện
nay, các nước dù theo thể chế chính trị nào đều có đảng chính trị. Các nước
theo chế độ đa đảng, các đảng chính trị đều lãnh đạo các cuộc bầu cử.
Cớ
gì lại phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bầu cử?
Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ
cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt
động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Các
nước tư bản chủ nghĩa, các đảng phái chính trị đều cử người của đảng mình tham
gia tranh cử vào thượng viện, hạ viện, tham gia tranh cử bầu tổng thống, thủ
tướng, v.v...
Tại
sao lại cho rằng ở Việt Nam lại “Đảng cử - dân bầu”? Trên thế giới đều “đảng cử
- dân bầu”. Vấn đề quan trọng nhất là “cử” ai. Những người có đủ phẩm chất,
năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Ngay
trong bản Hiến pháp năm 1946, Điều 18 quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, từ
18 tuổi, không phân biệt gái, trai, đều có quyền bầu cử trừ những người
mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử,
phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại
ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”. Các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và
2013 đều khẳng định rõ quyền bầu cử và ứng cử. Điều 27 Hiến pháp năm 2013 quy
định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt
tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện
các quyền này do luật định”.
Thật
ra, không phải trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng
nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 họ mới lu loa, mà các thế lực thù địch,
phản động, cơ hội, bất mãn đã lu loa từ nhiều kỳ bầu cử trước đây. Chẳng hạn,
trong cuộc bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
nhiệm kỳ 2016-2021, đã xuất hiện một “làn sóng” tự ứng cử của những người tự
xưng là “nhà dân chủ”. Họ bị loại qua các vòng hiệp thương và rêu rao những
luận điệu hết sức sai trái, như: Chỉ có những người “theo phe” Đảng Cộng sản
mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; phải để các ứng cử viên tự do tranh cử,
dựa trên chữ ký của cử tri mà không cần phải qua hiệp thương; Đảng Cộng sản cố
tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội và Hội đồng
nhân dân, v.v... Họ đã quá sai, Hiến pháp đã hiến định “Đảng lãnh đạo Nhà nước và
xã hội”. Họ không theo Đảng Cộng sản thì họ theo ai? Đảng không cản trở bất cứ
ai, tôn trọng quyền bầu cử và ứng cử của những người đủ tiêu chuẩn và điều
kiện, không chấp nhận những người không đủ tiêu chuẩn. Từ trước đến nay vẫn
thế. Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Chúng ta kiên
quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các
cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa
sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu
ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước”.
Họ cho rằng Đảng quy định số lượng đại biểu ngoài Đảng là quá
ít, cần phải “cân bằng quyền lực” trong Quốc hội bằng cách chia một nửa số ghế
cho những người ngoài Đảng. Thậm chí, có đối tượng còn đói xóa bỏ cơ chế bầu cử
hiện tại, đòi hỏi phải tiến hành bầu cử theo phương thức của các nước tư bản
chủ nghĩa. Bản chất Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở nước ta khác với các
nước tư bản chủ nghĩa. Điều 69 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quốc hội là cơ
quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Chính vì thế trong Quốc hội và Hội
đồng nhân dân các cấp cần có cơ cấu hợp lý, đại diện cho các giai tầng trong xã
hội, có người ngoài Đảng, nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn, không vì cơ cấu mà hạ
thấp tiêu chuẩn. Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội về việc dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội
khóa XV, cơ cấu số lượng đại biểu ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu (5-10%). Tỷ lệ
này là tỷ lệ đã được đặt ra từ các cuộc bầu cử trước đây và cố gắng phấn đấu
đạt tỷ lệ ấy. Kết quả ngày Hội toàn dân 23/05/2021 vửa rồi là minh chúng hùng
hồn, đúng đắn nhất, không thể thay đổi.
Bầu
cử là công việc của mỗi quốc gia và có cách tổ chức và quy định bầu cử khác
nhau. Không thể lấy mô hình của nước này áp đặt lên nước khác. Điểm chung trong
bầu cử của các nước là theo nguyên tắc “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ
phiếu kín”. Hiến pháp và Luật Bầu cử Việt Nam quy định: Cử tri bầu đại biểu
Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp bảo đảm ý chí của nhân dân, phù hợp với
xu hướng tiến bộ xã hội. Tuyên ngôn nhân quyền mà Đại hội đồng Liên hợp quốc
thông qua năm 1948 nêu rõ: “Ý chí của nhân dân phải là cơ sở của quyền lực nhà
nước. Ý chí này thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, theo nguyên
tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín bằng những tiến trình bầu cử
tự do tương đương”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét