Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021
Đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tuyên truyền, phổ biến những quan điểm đúng đắn, đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, góp phần bảo vệ giá trị di sản tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân ta và bạn bè quốc tế, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, sinh viên nói riêng không bị “lạc lối”, không bị tác động xấu bởi những thông tin sai lệch.
Nói về kinh nghiệm “Diễn biến hòa bình” - cuộc “chiến tranh không có khói súng” ở nhiều nước XHCN, các thế lực thù địch cho rằng: Muốn đánh đổ chế độ xã hội XHCN thì không chỉ tấn công vào hệ tư tưởng, cường điệu các sai lầm, khuyết tật của Đảng Cộng sản, của cán bộ, đảng viên mà còn phải “hạ bệ thần tượng”, đánh đổ “huyền thoại”- những người tiêu biểu nhất cho ý chí cách mạng, khát vọng của nhân dân, trí tuệ của dân tộc, làm sụp đổ tận gốc niềm tin của quần chúng đối với con đường cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đây là biện pháp thâm hiểm nhất. Vì vậy, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào, tận dụng mọi diễn đàn trong thời đại công nghệ thông tin hiện đại để bôi xấu, xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đảng Cộng sản Việt Nam...
Những thông tin sai lệch ấy ngày càng nhiều trên mạng Internet và có một bộ phận sinh viên đã đọc, nghe về những luận điệu xuyên tạc sai sự thật này. Trong số ấy, có người bán tín, bán nghi về những thông tin đã được đọc; có một số ít học sinh, sinh viên bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hoạt động tà đạo, rải truyền đơn với nội dung xuyên tạc đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam… Do đó, cần phải nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên. Tuyên truyền, phổ biến những quan điểm đúng đắn, đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, góp phần bảo vệ giá trị di sản tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân ta và bạn bè quốc tế, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, sinh viên nói riêng không bị “lạc lối”, không bị tác động xấu bởi những thông tin sai lệch trên Internet.
Để nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên, giúp sinh viên hiểu biết đúng đắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người, bên cạnh việc cung cấp kiến thức trong các chương trình giảng dạy của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần chú trọng những nội dung sau:
Thứ nhất, tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến những quan điểm đúng đắn, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên Internet, vì đây chính là nơi có lượng người truy cập, theo dõi đông đảo. Đây cũng chính là môi trường lan truyền nhanh của những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt khác, cũng cần phổ biến các quan điểm đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình giảng dạy và học tập môn Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, các môn học lý luận chính trị nói chung.
Kết quả một cuộc điều tra xã hội học với 300 sinh viên của trường Đại học Tây Nguyên cho thấy: Có 97,67% sinh viên chọn giải pháp chủ động tuyên truyền, làm rõ sự đúng, sai của các thông tin liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và có 1,33% sinh viên cho rằng cứ lờ đi, không đề cập, xem như không biết những luận điệu xuyên tạc đó. Từ thực tế đó, có thể thấy rằng trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần lồng ghép vào nội dung bải giảng những quan điểm phản bác, chống lại các luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng đối tượng sinh viên thuộc các khoa, các hệ đào tạo khác nhau.
Đối với những sinh viên có nhận thức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có thể cho sinh viên thảo luận để tự sinh viên có thể có lập luận chống lại những luận điệu xuyên tạc, sau đó giáo viên khái quát lại và đưa ra định hướng đúng. Đối với những sinh viên có nhận thức hạn chế, thậm chí có thái độ dao động, nghi ngờ thì giáo viên cần chủ động tuyên truyền, khẳng định những thông tin đúng, bác bỏ những thông tin sai trái, nhắc nhở kịp thời nhưng khéo léo để làm cho sinh viên có được những nhận thức đúng đắn.
Thứ hai, kiểm soát tốt các thông tin sai lệch, phản động trên mạng Internet, vì học sinh, sinh viên cũng là một trong những đối tượng thường xuyên sử dụng Internet nhiều nhất. Một số ít sinh viên, học sinh các trường học trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột bị lôi kéo tham gia các hoạt động tà đạo thời gian qua cũng bắt nguồn từ mạng Internet. Làm thế nào để thanh niên có đủ bản lĩnh nhận ra đâu là đúng, đâu là sai giữa muôn vàn thông tin diễn ra hàng ngày, hàng giờ? Điều này đòi hỏi các trang mạng điện tử chính thống, có uy tín, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, đúng sự thật về tình hình trong nước và quốc tế, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối của Đảng.
Sau mỗi sự kiện được dư luận chú ý, rất cần có các hình thức diễn đàn, tranh luận trên mạng Internet để giúp tuổi trẻ nhận thức đúng, cái mới, có sức đề kháng trước những trang web “đen”, những thông tin “nhân danh cái mới” xuất hiện nhiều trên mạng Internet. Sinh viên Nguyễn Phương Uyên – người vừa bị xét xử vì hoạt động chống phá Nhà nước - đã bị lôi kéo vào những hoạt động phạm pháp từ chính những người bạn làm quen trên mạng Internet là một ví dụ về việc không nhận thức đúng về những thông tin trên mạng Internet.
Thứ ba, nâng cao ý thức và năng lực tự học, tính sáng tạo, tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu của sinh viên. Cùng với việc tích cực tham gia vào quá trình thảo luận, chú ý nghe giảng và ghi chép trong giờ học trên lớp, thay vì mỗi ngày thường xuyên vào mạng chỉ để lướt Facebook, chơi game, sinh viên cần dành thời gian, chủ động tìm kiếm các tài liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quan tâm tìm hiểu những sự kiện chính trị của đất nước… trên sách, báo, các trang điện tử chính thống trong và ngoài nước.
Thứ tư, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống của giảng viên dạy các môn lý luận chính trị nói chung, môn tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho rằng: “Một tấm gương sống còn hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, công tác giảng dạy các môn học lý luận chính trị chỉ có hiệu quả thiết thực khi người giảng viên thực sự là những tấm gương mẫu mực về đạo đức, gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn tư cách, phẩm chất chính trị, đạo đức, có đời tư trong sáng. Chỉ như vậy, những lời nói, những bài giảng của họ mới thuyết phục được người học, góp phần ngăn chặn có hiệu quả những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả chống âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Mặt khác, người giảng viên cũng cần phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để có thể đổi mới phương pháp giảng dạy, thu thập tư liệu liên quan đến cuộc đời, tư tưởng Hồ Chí Minh để bổ sung và làm mới, phong phú giáo án của mình./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét