Cộng đồng quốc tế đánh giá cao bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sau khi được công bố rộng rãi bằng phiên bản tiếng Anh, bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài.
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (phiên bản tiếng Anh) được đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử tiếng Anh. Ảnh chụp màn hình |
GS, TS Vladimir Kolotov (Trường Đại học Tổng hợp Saint Petersburg); ông Grigory Trofimchuk, chuyên gia Nga trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á - Âu, cùng một số ý kiến khác đã dẫn chứng những thực tiễn cụ thể, chân thực về thành tựu phát triển của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên con đường “xây dựng một xã hội mà trong đó sự phát triển thực sự vì con người” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh.
Những ý kiến trên một lần nữa bác bỏ các luận điệu xuyên tạc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đập tan âm mưu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thổi phồng những hạn chế trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Quân đội cần quyết liệt đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Ngày 17-6, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương (QUTƯ) nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ nhất, công bố quyết định của Bộ Chính trị chỉ định các đồng chí tham gia QUTƯ, Thường vụ QUTƯ nhiệm kỳ 2020-2025; thông qua báo cáo kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng 6 tháng đầu năm; xác định chủ trương, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ chủ trì hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Hải. |
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Quân đội cần quyết liệt trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; không khoan nhượng với các quan điểm sai trái, thù địch; kiên quyết, kiên trì chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch nội bộ, chống chủ nghĩa cá nhân, không bao che, nể nang; không giấu, không sợ khuyết điểm, thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình, kịp thời chỉ ra những khuyết điểm của đồng chí, đồng đội mình khi đang còn manh nha, có như thế mới giúp nhau cùng tiến bộ.
Xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội
Các tổ chức, cá nhân phải chia sẻ thông tin chính thống, đáng tin cậy; không thực hiện các hành vi: Đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… Đó là một số nội dung đáng chú ý trong Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mới được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Bộ quy tắc này áp dụng với 3 nhóm đối tượng, gồm: Cơ quan Nhà nước, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Các nhóm đối tượng này sẽ phải tuân theo 4 quy tắc ứng xử chung, gồm: Tôn trọng, lành mạnh, an toàn và trách nhiệm.
Bộ quy tắc sẽ góp phần giảm thiểu, ngăn chặn các hành vi: Tung tin giả; tấn công mạng; livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật; đăng video phản cảm với trẻ em trên youtube… từng xảy ra gần đây.
Công an TP Hồ Chí Minh phát động Cuộc thi viết Giải Búa liềm vàng
Công an TP Hồ Chí Minh vừa phát động Cuộc thi viết Giải “Búa liềm Vàng” lần thứ VI năm 2021.
Thông tin về cuộc thi viết được đăng tải trên trang web của Công an TP Hồ Chí Minh. Ảnh: catphcm.bocongan.gov.vn |
Cuộc thi viết sẽ góp những tiếng nói nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phản bác các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
Cuộc thi còn góp phần nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng; nâng cao trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, chiến sĩ Công an và nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng.
Bác bỏ luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam
Tuần qua, các trang báo và mạng xã hội đã đăng nhiều bài viết nổi bật, vạch trần những chiêu trò, thủ đoạn thâm độc xuyên tạc về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, tiêu biểu như: “Dịch Covid-19 và “biến thể virus mới” chống phá cách mạng Việt Nam (Báo Quân đội nhân dân); “Thủ đoạn đánh lận mục đích, ý nghĩa Quỹ vaccine phòng Covid-19” (Báo Công an nhân dân); “Luận bàn xằng bậy về Quỹ vaccine”, “Lại chiêu trò “đánh lận sự thật” của các đối tượng cơ hội chính trị, phản động” (trang facebook Hương Sen Việt)…
Một mẫu tranh cổ động về phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: baochinhphu.vn |
Các bài viết chỉ rõ, gần đây, các thế lực thù địch đã tung ra nhiều luận điệu sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 và nỗ lực phòng, chống dịch của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, sự thật về kết quả phòng, chống dịch ở nước ta thời gian qua đã khẳng định tinh thần quyết liệt, hiệu quả, đoàn kết, chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong công tác phòng chống đại dịch.
Nhiều ý kiến của bạn đọc cũng lên tiếng phản bác các luận điệu sai trái đó, tiêu biểu như: “Viết xuyên tạc như vậy mà cũng viết được. Nước chúng ta đang chống dịch rất tốt. Luôn tin tưởng vào khả năng chống dịch của Việt Nam”; “Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid là Quỹ của sự nhân ái!”; “Chiêu trò và cách thức cũ mèm nhằm chống phá, xuyên tạc. Rất cần sự vào cuộc của chính quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật” ; “Chiêu trò nào rồi cũng thất bại trước sự thật”...
Báo chí Việt Nam đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
Trong tuần, nhiều tin, bài, ảnh, phóng sự video đã được đăng tải, nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2021).
Trong chặng đường 96 năm xây dựng và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát huy vai trò “vũ khí sắc bén” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, báo chí cách mạng đã khẳng định rõ vai trò to lớn trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bài "Xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại" trên Tạp chí Tuyên giáo. Ảnh: tuyengiao.vn |
Trong dịp này, nhiều bài viết đã phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, như: Cổ súy tư nhân hóa các cơ quan báo chí; báo chí thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; thương mại hóa hoạt động báo chí; báo chí hoạt động không cần tôn chỉ, mục đích rõ ràng; vô trách nhiệm với định hướng dư luận xã hội…
Với phương châm lấy “xây” để “chống”, báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang phát triển theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Đó cũng chính là mục tiêu cao cả, đúng đắn cho báo chí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
“Tỉnh táo trước chiêu trò lợi dụng “nhà báo hai mặt”
Đây là nhan đề bài viết đăng trên Tạp chí Tuyên giáo ngày 17-6. Cùng với khẳng định vai trò, đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tác giả nêu lên thực trạng đáng lo ngại về một bộ phận “nhà báo hai mặt”, như: Phạm Thị Đoan Trang, Trương Châu Hữu Danh... xuống cấp đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội, thậm chí câu kết với các thế lực thù địch, phản động, tiến hành các hoạt động chống phá; đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường báo chí và sự phát triển lành mạnh của xã hội.
Đừng tự biến mình thành “nhà báo hai mặt”. Nhà báo cần nâng cao trách nhiệm công dân và trách nhiệm nghề nghiệp, trau dồi bản lĩnh, nâng cao trình độ, giữ gìn đạo đức, nhân cách, danh dự của người làm báo. Đặc biệt, các cơ quan chủ quản báo chí cần phát huy vai trò quản lý, xử lý nghiêm minh các trường hợp nhà báo vi phạm pháp luật.
“Chuyện bịa đặt của RFA”
Trang facebook Hương Sen Việt dẫn bài viết “Chuyện bịa đặt của RFA”, đăng trong chuyên mục “Chuyện thời sự”, Báo Quân đội nhân dân hằng ngày số ra 16-6.
Bài "Chuyện bịa đặt của RFA" trên Báo Quân đội nhân dân. Ảnh chụp màn hình từ trang web Báo Quân đội nhân dân Điện tử |
Tác giả mở đầu bài viết với nội dung trích dẫn mục quy tắc đạo đức nghề nghiệp trên website chính thức của đài Á châu tự do (RFA): “Chủ trương của đài Á châu tự do là phổ biến tin tức chính xác, trung thực và hữu ích, không tuyên truyền, không bè phái, không đả phá một chính phủ, cá nhân hay bất kỳ quốc gia nào”.
Nhưng, ngay sau đó, tác giả đã phản bác lại nội dung trên bằng việc chỉ rõ một thực tế: Bấy lâu nay, tin tức mà đài này đưa ra không những không chính xác, bịa đặt nguồn tin, mà còn cố tình bóp méo khiến người nghe, bạn đọc hiểu sai lệch về các chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, làm ảnh hưởng tới quan hệ bang giao của Việt Nam với các nước.
Bài viết nhận được nhiều ý kiến bình luận: “Viết thì hay lắm, đạo đức nghề nghiệp. Nhưng hành động lại đi ngược với những gì đã nói”; “Thông tin sai lệch nhằm bóp méo sự thật. Đó thường là cách làm của những kẻ cơ hội chống phá Đảng và Nhà nước”; “Hãy phổ biến tin tức để đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như thế giới”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét