Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

BỎ CHỨNG CHỈ, TĂNG THỰC CHẤT


   Chứng chỉ tin học, ngoại ngữ từ lâu đã là yêu cầu không thể thiếu trong hồ sơ tuyển dụng với công chức, viên chức. Tuy nhiên, việc đánh giá trình độ, kỹ năng qua chứng chỉ đã thể hiện sự lạc hậu so với thực tiễn. Vì vậy, đề xuất bỏ chứng chỉ này đối với công chức, viên chức đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ của dư luận.

   Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 2/2021/TT-BNV, trong đó chính thức bãi bỏ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của công chức chuyên ngành hành chính và chuyên ngành văn thư. Chỉ riêng với hai chuyên ngành này, theo tính toán sơ bộ của Bộ Nội vụ, việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đã giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành các thông tư để bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Thực tiễn cho thấy, các chứng chỉ này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt trong việc đánh giá trình độ, kỹ năng của người được cấp chứng chỉ.

   Kỹ năng về ngoại ngữ, tin học là đòi hỏi thiết yếu trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập toàn cầu. Với mong muốn nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức thì việc tăng cường trau dồi kỹ năng sử dụng tin học, ngoại ngữ là yêu cầu không thể bỏ qua. Tuy nhiên, việc đánh giá trình độ các kỹ năng này qua chứng chỉ như lâu nay vẫn thực hiện không còn bảo đảm độ chính xác. Có trường hợp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ chỉ để "làm đẹp" hồ sơ, được học nhanh, cấp vội theo kiểu "đánh trống ghi tên", không hề có tác dụng bồi dưỡng kỹ năng, tăng cường hiểu biết, không loại trừ có cả những văn bằng, giấy tờ giả. Có những người dù trang bị đầy đủ chứng chỉ nhưng khả năng làm việc lại rất hạn chế, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu công việc. Vì vậy, thay đổi cách đánh giá, loại bỏ tâm lý "sính" bằng cấp mà chú trọng năng lực thực tế là những giải pháp cần được áp dụng.

  Hiện nay, các cơ sở đào tạo đều yêu cầu chuẩn đầu ra đối với trình độ ngoại ngữ, tin học với các cấp độ tương đương. Đơn cử như muốn tốt nghiệp đại học, bảo vệ luận văn, luận án sau đại học phải đạt trình độ ngoại ngữ, tin học ở mức độ tương ứng. Bên cạnh đó, việc đánh giá các kỹ năng ngoại ngữ, tin học hoàn toàn có thể thực hiện thông qua tuyển dụng đầu vào với các bài kiểm tra được thiết kế bám sát tính chất, yêu cầu của vị trí việc làm. Nhờ vậy, có thể lựa chọn được người phù hợp, có khả năng đáp ứng nhu cầu công việc. Đồng thời, hiệu quả làm việc trong quá trình công tác, trong đó có việc vận dụng khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học cần được xác định là cơ sở để bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

   Mục tiêu của việc đào tạo, bồi dưỡng đối với người lao động nói chung, trong đó có công chức, viên chức là để đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc, phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển. Chính vì vậy, đánh giá công chức, viên chức cũng cần phải hướng đến yêu cầu này. Không chỉ có kỹ năng tin học, ngoại ngữ mà cả trong đánh giá trình độ chuyên môn, chuyên ngành cũng cần được đổi mới để phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Những gì đã lỗi thời cần mạnh dạn dẹp bỏ, vừa giúp tiết kiệm thời gian, công sức vừa tạo môi trường lành mạnh, động lực phấn đấu cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Qua đó, cũng khắc phục được tình trạng phô trương, hình thức, hướng đến học thật, thi thật, chọn được nhân tài để phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét