Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Cái gì cũng xuyên tạc là tại sao?

 


Trước thực trạng việc sử dụng hệ thống truyền thông, mạng xã hội để chống phá Việt Nam với vô số thủ đoạn bất lương ngày càng giảm tác dụng, các thế lực thù địch và một số tổ chức cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam càng tỏ ra cay cú và đi đến mức trơ tráo, bất chấp thực tế cố tình xuyên tạc cả những chủ trương, chính sách được Ðảng, Chính phủ Việt Nam công bố công khai, rộng rãi. Thậm chí, xuyên tạc cả các sự kiện, thông tin diễn ra vốn hằng ngày, hằng giờ trong đời sống xã hội bình thường mà bất kỳ một ai cũng sẽ hiểu.

Ngày 2-3-2021, trong một video-clip công bố trên YouTube có liên quan việc anh Nguyễn Ngọc Mạnh cứu một cháu bé rơi từ tầng 13 tại một chung cư ở Hà Nội, ông Lợi Minh - người Mỹ gốc Việt mới về Việt Nam, đã tỏ ra rất bức xúc với phát biểu đại ý: "Các thành phần chống phá đổ lỗi cho cộng sản, bảo thể chế không cho làm hàng rào. Ðó là sự khốn nạn. Cái gì cũng xuyên tạc, không rõ não họ bị làm sao? Ở nước Mỹ tình trạng trẻ bị rơi từ nhà cao tầng, chung cư xảy ra khá nhiều, đáng tiếc là đã làm thiệt hại sinh mạng của một số em. Cha mẹ vô tình không để ý con cái thì không thể đổ lỗi cho thể chế, cho cộng sản. Lẽ ra cần phải khích lệ những người như Nguyễn Ngọc Mạnh, giúp giảm bớt rủi ro thì một số người lên mạng mổ xẻ, giúp bọn chống phá đất nước xuyên tạc". Bức xúc của ông Lợi Minh là chính đáng, vì sau sự kiện có kẻ đã vội vã lên trang mạng xã hội của tổ chức khủng bố "Việt tân" viết rằng, ở Việt Nam "tính mạng con người luôn bị coi rẻ do nhà nước và sự thờ ơ trong xã hội... cơ quan nhà nước làm việc vì tư lợi mà không vì nhân dân" nên "khi dân gặp nạn toàn thấy dân tự cứu nhau", hoặc có kẻ mang danh "nhà dân chủ" thì lên mạng xưng xưng quy kết sự kiện xảy ra là do "lỗi thể chế"!

Nhìn rộng ra, câu hỏi "Không rõ não họ bị làm sao?" của Lợi Minh có thể đặt ra với rất nhiều trường hợp, như khái quát của Thái Thanh trên trang mạng canhco.net: "Không riêng gì chuyện "cái ban công", ngay cả chuyện người trẻ thất tình tự tử, khối kẻ bốc đồng cũng đổ lỗi cho chính quyền; người vi phạm pháp luật ở tù, cũng có kẻ đổ lỗi cho thể chế. Tất tần tật, bất cứ điều gì không như ý đều đổ lỗi hết cho thể chế, và không bao giờ đưa ra được biện pháp, đóng góp nào tích cực cho xã hội. Ðó là biểu hiện của những người đi thụt lùi, không có tinh thần xây dựng, ném vào xã hội thêm những rác rưởi". Hay trước hiện tượng sau khi lô vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên nhập về Việt Nam, trong khi mọi người phấn khởi vì Chính phủ quan tâm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho toàn dân, thì mấy kẻ tự nhận hoặc tự tán dương nhau là "nhà dân chủ" lập tức thể hiện thái độ tiêu cực, bỉ ổi bằng cách dè bỉu, hoài nghi, thậm chí để gây hoang mang trong dư luận. Có kẻ bịa đặt mọi vắc-xin phòng Covid-19 nhập về Việt Nam đều đang ở trong giai đoạn thử nghiệm, không có tác dụng phòng virus, khiến người được tiêm bị nhiễm bệnh, tăng nguy cơ tử vong! Câu hỏi về mục đích và thiện chí đối với Việt Nam cũng cần đặt ra với BBC tiếng Việt khi đăng bài "Tiêm vắc-xin Covid ở VN: vì sao quân đội và công an được ưu tiên?". Trước hết, phải nói rằng kiểu rút "tít" của BBC có thể khiến người đọc lầm tưởng ở Việt Nam chỉ quân đội, công an mới được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19, và như thế là bất lương. Chưa kể việc viện dẫn ý kiến của bác sĩ HTA (được BBC giới thiệu là "Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số, Hà Nội", như thông tin trên trang mạng ccihp.org thì "Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số" là "doanh nghiệp xã hội làm việc như một tổ chức phi lợi nhuận", viết tắt: CCIHP) khi người này cho rằng "các nhóm yếu thế như người nghèo, người khuyết tật... gần như chưa được nói gì đến trong kế hoạch tiêm phòng của Việt Nam", và như vậy là nói bừa.

Ðáng lẽ trước khi công khai rộng rãi, BBC và bác sĩ HTA phải tìm hiểu Quyết định số 1210/QÐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 9-2-2021 về việc phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối, sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 trong giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility (Giải pháp tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19 toàn cầu) hỗ trợ. Tại thời điểm đó, Bộ Y tế xác định 11 nhóm đối tượng cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sau khi vắc-xin hỗ trợ chuyển đến Việt Nam (khoảng 4,8 triệu liều), trong đó có ba nhóm là: "Người trên 65 tuổi; những người mắc các bệnh mãn tính; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ". Như vậy, phải chăng theo bác sĩ HTA, thì trong ba nhóm được ưu tiên đó lại không có người thuộc các nhóm yếu thế? Và quan trọng hơn, ngày 26-2-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ký ban hành Nghị quyết 21/NQ-CP (Nghị quyết 21) về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên với số lượng khoảng 150 triệu liều. Nghị quyết 21 quy định rất cụ thể về 9 nhóm được xác định là các đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí, trong đó có ba nhóm: "Người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi", "Người sinh sống tại các vùng có dịch", "Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội". Dù có thể là thiếu cẩn trọng khi nắm bắt thông tin, thì phát ngôn của bác sĩ HTA trên BBC cũng không đúng sự thật, và đã bị BBC lợi dụng để tùy tiện công bố, khiến cho người đọc có thể hiểu sai về một chủ trương, chính sách rất nhân văn của Chính phủ Việt Nam.

Thời gian qua, các sự kiện như: smartphone (điện thoại thông minh) của VinSmart thuộc Tập đoàn Vingroup gia nhập thị trường Nga, Tây Ban Nha,... rồi VinSmart ký hợp đồng với một công ty của Mỹ sản xuất hai triệu chiếc điện thoại; tiếp đó, Phòng Quản lý phương tiện cơ giới (DMV) tại Ca-li-phoóc-ni-a (Mỹ) cấp chứng chỉ thử nghiệm xe điện tự lái cho VinFast,... đã làm nức lòng người dân trong nước. Nhiều người gốc Việt ở nước ngoài cũng công khai thể hiện niềm tự hào, họ không chỉ đặt mua mà còn hô hào cộng đồng cùng mua để ủng hộ đất nước. Thế nhưng, ngay từ năm 2018, sau khi VinFast giới thiệu hai mẫu xe Sedan và SUV tại Paris Motor Show ở Pháp thì trên BBC tiếng Việt có người Việt trong nước lại coi đó là việc làm "đánh đúng vào tâm lý nhược tiểu thích kỷ lục của người Việt"! Chưa kể gần đây, xuất hiện luận điệu có nội dung như muốn làm tổn hại uy tín của doanh nghiệp trong nước khi đưa ảnh sản phẩm xe ô-tô được sản xuất tại Việt Nam "gãy trục phía trước" và dựa vào đó xưng xưng nói rằng chúng ta đang sống trong sự ngược đãi của chính xã hội ta đang sống. Mạng người trở nên rẻ mạt chưa từng có, và nó hoàn toàn bị thách thức một cách hết sức thản nhiên và công khai"? Ðoạn trích cho thấy bàn chất lượng xe chỉ là cái cớ, mà mục tiêu họ nhắm đến là la lối bị xã hội "ngược đãi", "mạng người rẻ mạt"! Trước luận điệu này, ngày 22-2-2021 nhà báo N.P viết trên trang Facebook cá nhân: "Nếu như họ đưa tin vào ngày này, giờ này, tại chỗ này, xe mang biển này, người lái tên họ thế này, đang lái xe bỗng "bánh trước văng ra" hoặc "trục xe gãy", cơ quan bảo hiểm đã kiểm tra, khám nghiệm, xác nhận rằng đó là lỗi do nhà sản xuất thì còn có lý... Ðằng này đưa hình ảnh mấy chiếc xe bị tai nạn do đâm vào con lươn, đâm vào vỉa hè,... rồi vu cho là "lỗi sản xuất" thì quả là độc ác và hèn hết mức... Dĩ nhiên, loại thông tin đểu này chỉ lừa được những ai không hiểu biết về xe, hoặc có trái tim "rất dễ xúc động". Còn người hiểu biết, có sự trung thực thì chẳng ai bị lừa. Nhưng rõ ràng, không phải là chuyện "vô tình", mà phải là có kẻ "xuỵt chó bụi rậm", thậm chí là phải nghĩ đến có "đơn đặt hàng" từ kẻ nào đó". H.N, một người sử dụng xe, ngày 28-2-2021 đã nói thẳng trên YouTube: "Một số người không muốn thành công nào đó ở Việt Nam, người ta không muốn có sự trỗi dậy của một nền kinh tế hay một nhà máy, xí nghiệp nào đó ở Việt Nam... Họ lợi dụng các hình ảnh để gán ghép ý đồ chính trị, ý đồ cá nhân vào... Những người đưa tin này mắc chứng bệnh "sợ Việt Nam phát triển", họ không muốn chấp nhận những điều tốt đẹp ở Việt Nam". Trong bối cảnh đó, hẳn là ngỡ đã kiếm được "miếng mồi ngon" và như một phản xạ vô tri, ngày 22-2-2021 VOA vội vã công bố một bài viết, trong đó nhắc lại nguyên văn các thông tin tùy tiện trên mạng xã hội. Thiết nghĩ, nếu là cơ quan truyền thông lương thiện, VOA sẽ không dính dáng vào, hoặc chí ít cũng quan tâm tới việc cư dân mạng coi ý kiến VOA khai thác là "độc ác, hèn hết mức"!

Đất nước đang trên đường hội nhập và phát triển. Một trong những yêu cầu quan trọng để Việt Nam vững bước trên con đường, đó là nỗ lực khẳng định uy tín và năng lực của mình trên trường quốc tế làm ra các sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam có thể gia nhập thị trường thế giới, có khả năng cạnh tranh và thu hút người tiêu dùng nước ngoài. Nỗ lực đó không chỉ thể hiện năng lực, trình độ và khả năng sáng tạo của người Việt Nam, mà còn là niềm tự hào về ý chí, tinh thần Việt Nam, góp phần vào sự phát triển, nâng cao uy tín đất nước. Ðó là điều mà mọi người Việt Nam yêu nước, có tinh thần tự tôn dân tộc đều hướng tới. Vì thế, người có hành động, phát ngôn xuyên tạc, gây cản trở xu hướng này là đi ngược lợi ích và tiến trình phát triển đất nước. Cũng cần phải nói thẳng rằng, căn bệnh "sợ Việt Nam phát triển" không phải là thứ phản ứng cảm tính, tự nhiên, thiếu chín chắn mà là căn bệnh ra đời từ mưu đồ đen tối của một số người "cái gì cũng xuyên tạc", đã và đang lợi dụng mạng xã hội để gieo rắc hoang tin nhằm làm hao tổn lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam. Vì thế, nếu một mặt cần lên án, vạch trần bản chất những con người như vậy, thì mặt khác, mỗi người trong chúng ta cần tiếp tục củng cố lòng tin vào con đường đã được Ðảng và Bác Hồ lựa chọn, nâng cao nhận thức để phân biệt đúng - sai, nỗ lực lao động sáng tạo, đem lại lợi ích ngày càng nhiều hơn cho bản thân, cho gia đình, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét