Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

CẦN HIỂU ĐÚNG BẢN CHẤT, NHẬN THỨC THẤU ĐÁO VỀ TỰ DO NGÔN LUẬN


   Trong cuộc sống cũng như trong công việc, con người ta quan niệm thế nào thì hành xử như vậy. Quan niệm là kết quả của nhận thức; hành xử là kỹ năng. Muốn thay đổi cách thức, hành xử hay kỹ năng, thì cần đổi mới quan niệm, thay đổi nhận thức phù hợp với nhu cầu phát triển. Đó là quá trình tích lũy kiến thức, cập nhật thông tin để mở mang hiểu biết của mỗi công dân, mỗi nhóm công chúng và cộng đồng xã hội.

     Điều kiện cần và đủ về quyền tự do ngôn luận

   Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí là những khái niệm chỉ các trạng thái và cấp độ khác nhau về cùng một vấn đề. Trong đó, tự do báo chí là vấn đề được nhiều người quan tâm và quan tâm từ các phương diện khác nhau. Vì báo chí, truyền thông là những kênh truyền dẫn thông điệp ngôn luận thường xuyên liên tục nhất, phong phú và đa dạng nhất, phổ cập rộng rãi nhất, tập trung nhất liên quan đến vấn đề tự do ngôn luận. Mặt khác, trong cuộc đấu tranh tư tưởng chính trị hiện nay, trong môi trường truyền thông số, báo chí, truyền thông ngày càng thể hiện vai trò rất quan trọng, là mặt trận nóng bỏng và là hệ thống phương tiện hữu dụng nhất trong việc thể hiện quyền lực và sức mạnh chính trị-xã hội, kết nối và thể hiện sức mạnh mềm quốc gia.

   Tự do và tự do ngôn luận là vấn đề vừa trừu tượng, vừa cụ thể, vừa thể hiện nhận thức và hành động lý trí, vừa bao hàm trạng thái tình cảm, cảm xúc, cảm nhận của con người trong các mối quan hệ có tính chất lịch sử. Do đó, muốn hiểu khái niệm “tự do”, cần đặt nó trong sự đối lập với “tất yếu”. Muốn chinh phục cái tất yếu, ngoài nhận thức được bản chất cái tất yếu ra, cần phải có năng lực và điều kiện chinh phục nó. Nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ, chúng ta có thể biết được cơn bão sẽ đi qua có khả năng uy hiếp như thế nào đối với cuộc sống cư dân cả một vùng, nhưng chỉ nhận thức được điều đó mà thiếu năng lực và điều kiện chinh phục nó, thì cũng chỉ ngồi yên để “chịu trận” khi cơn bão đến mà thôi.

   Trong đời sống xã hội, tất yếu chính là môi trường pháp lý, điều kiện kinh tế và môi trường văn hóa, hệ thống giá trị đạo đức do cộng đồng tạo dựng. Theo quan niệm của triết học, nhận thức của con người là vô hạn-nhận thức được thế giới vật chất vô hạn, nhưng đó là nhận thức của con người triết học-con người trừu tượng, của loài người nói chung; còn khả năng ấy tồn tại ở mỗi thế hệ, trong mỗi con người cụ thể, trong mỗi cá nhân thì luôn có giới hạn.

   Do vậy, không thể khẳng định rằng, ở một nước có nền kinh tế giàu mạnh và xã hội phát triển ở trình độ cao là đã có tự do ngôn luận hoàn toàn và một nước có nền kinh tế phát triển trung bình thì còn hạn chế về tự do ngôn luận. Mọi sự ngộ nhận đều dẫn đến sai lầm và sẽ kìm hãm sự phát triển. Đồng thời, áp đặt quan niệm tự do ngôn luận của nước này lên nước khác là tư duy chính trị lỗi thời, cũng khó có thể chấp nhận được. Tính chất và mức độ tự do ngôn luận cần được xem xét trong những điều kiện cụ thể của sự phát triển; nó biểu hiện nấc thang tiến hóa của xã hội.

Vậy thì, tự do ngôn luận là mục đích hay phương tiện? Tự do ngôn luận là quyền thiêng liêng, cao cả của mỗi con người, mỗi dân tộc trong quá trình trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm cũng như chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm, nhưng có được tự do ngôn luận để làm gì? Tự do ngôn luận có phải là đích cuối cùng cần đạt tới? Không phải, tự do ngôn luận chỉ là phương tiện, hay là phương thức; còn việc sử dụng phương tiện hay phương thức ấy để làm gì, đạt tới cái gì mới là đích đến của tự do. Sự nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện sẽ là sai lầm nghiêm trọng và sẽ gánh chịu hậu quả ngoài mong đợi.

   Thời kỳ bắt đầu sự nghiệp cải tổ của Liên Xô giữa những năm 80 của thế kỷ trước, thông điệp đích của những người chủ trương cải tổ là “công khai và dân chủ hóa đời sống xã hội”. Trong điều kiện xã hội Xô viết lúc bấy giờ, việc nêu khẩu hiệu này đã như làn gió thổi bùng lên trạng thái tinh thần xã hội, nhưng “công khai và dân chủ hóa” để làm gì lại còn là ẩn số? Vấn đề không phải là công khai để mà công khai, dân chủ để mà dân chủ. Mỗi con người cần có tự do, mỗi dân tộc cần có độc lập và đích đến của mỗi con người và mỗi dân tộc nói chung phải là bảo đảm xã hội phát triển lành mạnh, văn minh và chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao.

     Vấn đề cơ bản nhất: Tự do cho ai và tự do để làm gì?

   C.Mác từng khẳng định rằng, không nên bàn đến có hay không có tự do báo chí; tự do báo chí bao giờ cũng có; vấn đề là tự do cho ai và tự do để làm gì. Bởi trong xã hội còn phân biệt và khác biệt lợi ích giữa các giai cấp và các nhóm xã hội, thì tự do cho giai cấp hay nhóm xã hội này, có thể là hạn chế tự do đối với giai cấp khác, nhóm xã hội khác. Và lẽ đương nhiên, đối với các giai cấp hay các nhóm xã hội khác nhau, sử dụng tự do ngôn luận như công cụ nhằm đạt tới những mục đích không giống nhau, chủ yếu vì lợi ích của giai cấp mình, nhóm xã hội do mình đại diện.

Từ thực tiễn đấu tranh, C.Mác tổng kết rằng, vũ khí phê phán quyết không thể thay thế việc phê phán bằng vũ khí; lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bởi lực lượng vật chất, nhưng mỗi khi tinh thần đã thấm vào quần chúng thì chính nó sẽ trở thành sức mạnh vật chất. Báo chí, truyền thông khi đã thâm nhập vào công chúng xã hội có thể làm thay đổi, thậm chí điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi của hàng triệu người-khối vật chất khổng lồ tạo nên sức mạnh xã hội. Do đó, khi “ngai vàng thống trị” đã về tay giai cấp tư sản, tự do báo chí lại không dành cho số đông nhân dân lao động, những người trước đó đã đi theo ngọn cờ tự do của giai cấp tư sản, mà chỉ dành cho những người có tiền, có quyền lực nhằm lũng đoạn dư luận vì các mục đích của giai cấp và tầng lớp cầm quyền, trong đó chủ yếu là mục đích chính trị và siêu lợi nhuận. Như vậy, tự do báo chí luôn được xem xét trong tính lịch sử của nó-cả trên phương diện lịch đại cũng như đồng đại.

   Trong biên bản trả lời phỏng vấn sâu qua email với tác giả bài viết vào tháng 4-2009, Tom McEnroy, Tổng biên tập một tờ báo ở Mỹ đã thừa nhận rằng, “báo chí Mỹ đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Điều đó có nghĩa là bạn không thể xuất bản những điều có thể gây tổn hạn đến lợi ích của mình. Hoa Kỳ là một nước tư bản, và bất kỳ thực thể nào: Nhà thờ, bệnh viện, đài truyền hình, trước hết là một doanh nghiệp và phải tự nuôi sống mình. Nếu tôi cho đăng một quan điểm chống Chính phủ, một vài người sẽ không đồng ý và có thể sẽ áp đặt những hình phạt kinh tế đối với tờ báo của tôi để thể hiện sự không hài lòng của mình. Ví dụ, họ có thể kêu gọi những người ủng hộ họ không mua báo của tôi”.

   Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác cũng đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng; nhưng các văn bản này cũng lưu ý rằng, các quyền này có thể chịu hạn chế do pháp luật nước sở tại đặt ra.

   Do đó, trong quá trình thực hiện quyền tự do ngôn luận, nên lưu ý đến mấy vấn đề sau đây.

   Thứ nhất, thừa nhận quyền tự do ngôn luận, nhất là thể hiện quyền này trên báo chí và các phương tiện truyền thông, cũng đồng thời cần hiểu rằng, các quyền này đều được chế định bởi các yếu tố như môi trường pháp lý, môi trường văn hóa và chính năng lực nhận thức và thực thi quyền của công dân.

   Thứ hai, mục đích của việc thừa nhận và thực hiện quyền công dân nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng là vì lợi ích công-lợi ích của cộng đồng vì sự phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, chứ không phải để thỏa mãn “ngôn luận tự do” của cá nhân hay nhóm xã hội, không phải để “cá lớn nuốt cá bé”; mặt khác, kết quả của việc nhận thức và thực hiện quyền này là quá trình đánh dấu những nấc thang trong quá trình phát triển.

   Thứ ba, đây là quá trình nỗ lực không ngừng từ nhiều phía, từ Nhà nước đến công dân và cộng đồng xã hội nhằm nỗ lực thống nhất cùng tạo điều kiện để mở mang hiểu biết, ngày càng tạo ra nhiều tương đồng trong nhận thức, giảm dần sự khác biệt; trong đó, Nhà nước đóng vai trò quan trọng như chủ thể thiết lập và duy trì trật tự xã hội. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm thiết lập quan điểm nền tảng xây dựng “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”; với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” cũng nhằm giúp cộng đồng và công dân có thêm điều kiện nâng cao nhận thức, mở mang hiểu biết và thay đổi hành vi trong thực hiện quyền tự do ngôn luận./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét