Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Cần nhất quán quan điểm trong xây dựng “Nhà nước pháp quyền Việt Nam” XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Quá trình xây dựng và phát triển của Nhà nước trong mỗi giai đoạn lịch sử có những thay đổi về mô hình bộ máy, tuy nhiên, xuyên suốt mạch phát triển ấy đều dựa trên cơ sở nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994), lần đầu tiên, Đảng ta đã chính thức sử dụng thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền Việt Nam”: Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (sửa đổi, bổ sung 2011), Đảng ta khẳng định một trong những đặc trưng của chế độ là “xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, chỉ rõ: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Quan điểm này được Hiến pháp 2013 tiếp tục ghi nhận, đồng thời chỉ rõ: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Xã hội XHCN là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng và đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội. Chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích, mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng CNXH; xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của các mạng Việt Nam. Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do nhân dân và vì nhân dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội. Nhà nước pháp quyền XHCN về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: Pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Đồng thời, chúng ta xác định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, không ngừng thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo. Trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta luôn coi trọng đổi mới hệ thống chính trị mà trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Thực tiễn qua 35 năm đổi mới, tư duy lý luận của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ngày càng đầy đủ và phát triển hơn, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trên con đường đi lên CNXH. Bài viết, Tổng Bí thư làm sâu sắc những quan điểm đã được thể hiện nhất quán trong các văn kiện của Đảng, vừa có những phát triển mới, vừa chỉ rõ vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay. Đây là vấn đề lý luận và thực tiễn hết sức mới mẻ, chưa có trong tiền lệ của cách mạng XHCN trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Vì vậy, tư tưởng trong bài viết là những chỉ dẫn để tổ chức thực hiện trong thực tiễn, đòi hỏi phải có sự nhận thức lý luận khoa học, cách mạng, phát huy cao độ thái độ, trách nhiệm chính trị và hành động cách mạng đúng đắn, giữ vững định hướng XHCN trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Đồng thời, là cơ sở phòng ngừa những tư tưởng chủ quan, nóng vội, áp dụng một cách máy móc các mô hình nhà nước pháp quyền của các nước khác vào Việt Nam; đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận đường lối, quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền XHCN và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. ------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét