Dã tâm và bản chất của chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch không thay đổi, song ở mỗi giai đoạn, thì thủ đoạn, phương tiện, công cụ… chống phá được chúng biến đổi hết sức tinh vi.
Tư tưởng lý luận của chủ nghĩa xã hội ngay từ khi ra đời đã phải đương đầu với sự phê phán, bôi nhọ, xuyên tạc, bài bác, phủ nhận dưới nhiều hình thức khác nhau, với mọi màu sắc của các lực lượng, các trào lưu tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa. Là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nên lĩnh vực tư tưởng, lý luận luôn là mũi nhọn tấn công, chống phá chủ đạo của các thế lực thù địch. Do đó, việc giữ vững trận địa tư tưởng, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ngăn chặn các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa trong lòng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thuyết phục bằng lý luận sắc bén và thực tiễn sinh động từ thành quả của công cuộc đổi mới, có vai trò quyết định sự thắng lợi trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Đặc biệt, trong kỷ nguyên số hiện nay, không gian mạng ngày càng trở thành mặt trận chính trong cuộc đấu tranh ý thức hệ. Các thế lực thù địch lợi dụng triệt để những đặc tính vốn là ưu thế nổi trội của các phương tiện truyền thông xã hội, trên môi trường mạng, như đặc điểm về cơ chế đa giao tiếp và liên kết vô hướng; môi trường tự do thông tin (tính mở) và thông tin khó kiểm soát, tính nặc danh và tính đa dạng của người dùng; sự đồng đẳng giữa nguồn phát (source) và người nhận (receiver); khả năng số hóa thông tin, tính đa phương tiện và đa tiện ích…, biến thành công cụ đắc lực chống phá ta, tấn công trực tiếp vào những vấn đề mang tính nguyên tắc then chốt, luận điểm cơ bản nhất thuộc hệ tư tưởng, lý luận của Đảng ta.
Những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch gieo rắc, phát tán trên các nền tảng truyền thông ít nhiều đã gây phân rã tư tưởng, bất đồng thuận trong nội bộ Đảng, trong xã hội, xuất hiện những tư tưởng, quan điểm đánh giá trái chiều, phê phán, công kích đường lối, quan điểm của Đảng; làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, khiến không ít tổ chức đảng, đảng viên mất sức chiến đấu; gây mất ổn định về chính trị - xã hội, châm ngòi cho các cuộc biểu tình, đình công, thậm chí bạo động hết sức phức tạp; làm “nhiễu” hệ thống thông tin, giảm uy tín, vai trò định hướng của các cơ quan báo chí chính thống…
Công tác tuyên truyền phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch của các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, cực hữu chính trị, các thế lực thù địch, phản động trong nước và ngoài nước ngày càng được chúng ta coi trọng, với cách thức tuyên truyền ngày càng hiệu quả, lực lượng tham gia ngày càng đông đảo, qua đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời những hoạt động chống phá trên mặt trận tư tưởng. Do tầm quan trọng của công tác đấu tranh tư tưởng, nên Đảng ta đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận có nội dung liên quan tới vấn đề trên; thành lập một số ban chỉ đạo trực tiếp đấu tranh. Các lực lượng chức năng của ta ngăn chặn kịp thời nhiều đối tượng, nhiều luồng thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch, trong đó có cả việc vô hiệu hóa âm mưu thực hiện chiến tranh thông tin, lợi dụng không gian mạng để tập hợp lực lượng, tập dượt vũ trang ảo rồi chuyển hóa thành hoạt động chống phá, bạo loạn, lật đổ thực. Các cơ quan báo chí của nước ta tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt trong đấu tranh chống các thông tin xấu độc, bằng hệ thống các bài viết, sản phẩm báo chí có chất lượng…
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, song nhìn nhận khách quan, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thẳng thắn đánh giá: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”(1). Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch có thời điểm còn chậm, bị động, chưa giữ được nhịp độ thường xuyên, trong điều kiện các thế lực thù địch lại liên tục có những thay đổi về lực lượng, phương thức và phương tiện chống phá. Không ít cấp ủy, chính quyền cơ sở còn lúng túng, thậm chí buông lỏng, bỏ trống trận địa đấu tranh tư tưởng, để xảy ra nhiều “điểm nóng” bùng phát tại các địa phương nhưng chậm được giải quyết, trong khi năng lực ứng phó với khủng hoảng thông tin còn hạn chế hoặc chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ. Các cơ quan quản lý thông tin trên không gian mạng còn thiếu các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời những thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch; những biểu hiện của sự xuống cấp, phản giá trị và hỗn loạn về môi trường văn hóa trên các phương tiện truyền thông xã hội càng khiến những thông tin xấu độc có điều kiện nảy nở, phát tán...
Đặc biệt, hệ thống báo chí của ta có thời điểm chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch; các tuyến bài, dòng thông tin mỏng, yếu, trùng lắp, thiếu tính hệ thống, tính trường kỳ. Trong khi đó, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có mặt còn lạc hậu, bất cập, nhiều vấn đề mới chưa kịp thời được luận giải một cách khoa học, khiến công tác đấu tranh thiếu cơ sở, nên có lúc, có nơi lúng túng, hiệu quả thấp; chưa gắn thật chặt nghiên cứu lý luận với đấu tranh lý luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét