Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Dịch vẫn nóng phía Nam, hạ nhiệt ở miền Bắc

Bình Dương, Long An phải giãn cách nhiều địa bàn do phát hiện các ca dương tính liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ở TP HCM. Ngày thứ tám liên tiếp các ca dương tính dao động ở mức trên 200. Trong ngày 2/6, Bộ Y tế công bố 229 ca nhiễm. 37 tỉnh thành có dịch, gấp gần ba lần số địa phương trong đợt Covid-19 bùng phát hồi đầu năm ở Hải Dương, Quảng Ninh. Hôm qua, TP HCM ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì dịch. Nữ bệnh nhân 37 tuổi, là con gái bà chủ quán ăn ở Quận 3, qua đời do suy thận mạn giai đoạn cuối, viêm phổi Covid-19. Liên quan đến hai cụm dịch trong một tuần, thành phố xuất hiện các ca dương tính tại 20 trong số 22 địa phương, trừ quận 11 và huyện Cần Giờ. Cụm dịch Hội thánh Truyền giáo phục hưng còn lây lan ra 6 tỉnh thành khác là Tây Ninh, Trà Vinh, Long An, Bình Dương, Đăk Lăk và Bạc Liêu. TP HCM đã phải huy động lực lượng toàn ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm. Trong 6 ngày, 400 đội hoạt động hết công suất lấy được gần 278.000 mẫu bệnh phẩm. Kết quả xét nghiệm phát hiện 250 mẫu dương tính đã được công bố. Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, nhận định biến chủng lây lan nhanh, mạnh trong khi người dân đi lại, giao lưu trong lao động, sinh hoạt cao dẫn đến nguy cơ dịch tiếp tục lan trong thành phố và các tỉnh thành lân cận. Hôm qua, Bình Dương đã giãn cách xã hội 3 thành phố, 2 thị xã theo chỉ thị 15, một số khu phố theo chỉ thị 16. Tỉnh ghi nhận ba ca nhiễm cộng đồng tại TP Thuận An liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Chính quyền đã phải phong tỏa nhiều địa điểm ở TP Dĩ An và Thủ Dầu Một. Cùng ngày, Long An giãn cách xã hội 4 huyện và một thành phố, những địa bàn đông dây cư, tập trung nhiều khu cụm công nghiệp và giáp ranh với TP HCM. Động thái đưa ra sau khi tỉnh này xuất hiện 8 ca Covid-19 trong vòng 5 ngày. Người dân từ vùng dịch, đặc biệt từ TP HCM về tỉnh này từ ngày 20/5 trở đi được lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tại nhà. Người không nằm trong vùng dịch phải làm cam kết hạn chế rời khỏi nhà. Tâm dịch Bắc Giang ngày hôm qua ghi nhận 157 ca nhiễm đều trong khu vực đã cách ly, phong tỏa phát hiện khi xét nghiệm quay đầu. Các ca nhiễm chủ yếu là công nhân, một số ca là người nhà hoặc tiếp xúc gần, phát hiện tại nơi tập trung nhiều công nhân của huyện Việt Yên. Dự báo những ngày tới các ca nhiễm mới vẫn xuất hiện do đang xét nghiệm lần 3, lần 4 tại nơi nguy cơ cao đã được cách ly, song số lượng sẽ tăng chậm lại và giảm dần. Sau 5 ngày khôi phục hoạt động của các khu công nghiệp, hơn 5.000 công nhân thuộc 12 doanh nghiệp ở Bắc Giang đi làm trở lại. Trong nỗ lực chống dịch tái xâm nhập nhà máy, các tổ công tác liên tục đi kiểm tra quy trình sản xuất và điều kiện phòng dịch, ký túc xá, quy trình đưa đón công nhân về nơi làm việc. Từ đêm qua, tỉnh bắt đầu đưa 4.000 công nhân và người dân tại ổ dịch thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, đi cách ly tập trung, để khử khuẩn làm sạch môi trường toàn bộ khu vực. Tại Bắc Ninh, 36 bệnh nhân được tuyên bố khỏi Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh của tỉnh lên 140 người. Sức khỏe bệnh nhân ổn định, không có các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm âm tính hai lần liên tiếp. Chính quyền Bắc Ninh tiếp tục yêu cầu các địa phương quản lý chặt người và phương tiện đặc biệt là công nhân ra vào làm việc tại các khu công nghiệp và nơi lưu trú. Trong ngày đón nhận nhiều tín hiệu tích cực liên quan đến vaccine Covid-19. Gần 288.000 liều vaccine đã được AstraZeneca chuyển cho VNVC theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều. Số vaccine này đã về đến Việt Nam đêm 25/5, được kiểm tra chất lượng, đối chiếu số lượng, tình trạng bảo quản. Thời gian tới, các đợt vaccine dự kiến liên tục về thành nhiều đợt để tiêm cho các vùng dịch trọng yếu. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 2/6 cũng cho biết Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine Sputnik V trong năm nay. Kết quả của quá trình đàm phán liên tục, kể từ hồi tháng 8/2020. Song để đảm bảo an ninh vaccine trong những năm tiếp theo trong bối cảnh dịch vẫn khó lường, Bộ y tế xác định việc hợp tác trong sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất là điều cần thiết nên vẫn cần tích cực đàm phán với đối tác. "Với nguồn cung ứng của Nga, Mỹ và Anh, có thể nói Việt Nam đang dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số", ông Long nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét