Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021
Giáo sư Văn Tạo với tâm niệm: “Đừng mượn hơi ai mà thở”
Là một nhà sử học nên lúc rảnh rỗi, giáo sư Văn Tạo có thú vui sưu tầm và nghiên cứu các đồ gốm cổ
Giáo sư Văn Tạo tuổi Bính Dần (1926). Quê ông ở làng La Tỉnh (Tứ Kỳ), nơi từng là "đồng trũng nước trong", tháng mười có rươi, có ruốc, quanh năm cua cáy và hai vụ lúa, khoai nuôi sống con người. Nhưng Tứ Kỳ thời xưa nổi tiếng đất học, có tới 47 vị tiến sĩ nho học được ghi trong sử sách. Từ nhỏ Giáo sư Văn Tạo được ông ngoại dạy cho học chữ nho, được bà nội truyền cho một câu châm ngôn "Đừng mượn hơi ai mà thở”, với ý tứ là trong cuộc sống phải biết dựa vào sức của mình.
Văn Tạo giác ngộ cách mạng sớm. Đúng ngày 1-1-1947, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, làm cán bộ tuyên huấn huyện Tứ Kỳ, rồi tham gia mở Trường Trung học Phan Bội Châu, trực tiếp dạy môn văn, sử, địa. Năm 1951, ông lên Việt Bắc công tác Đoàn Thanh niên Cứu quốc, rồi chuyển sang công tác Ban Văn sử địa trực thuộc Ban Bí thư Trung ương. Từ đấy, Văn Tạo chuyển sang nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam.
Theo Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, Giáo sư Văn Tạo có tinh thần tự lực cánh sinh tối đa và kiên quyết chống sự ỷ lại. Câu dạy của bà nội từ thuở ấu thơ đã in đậm trong lòng ông suốt cả cuộc đời. Ông tự học, kiên trì vừa làm vừa học, trở thành giáo sư năm 1984, giữ chức Viện trưởng Viện Sử học 10 năm (1980-1989).
60 năm làm sử, ông đi nhiều, khắp trong Nam ngoài Bắc, nước ngoài. Ông viết khỏe, với hơn 10 cuốn sách viết riêng, khoảng 100 cuốn ở cương vị chủ biên hay đồng tác giả và hàng nghìn trang viết trên các báo chí, về các vấn đề lịch sử và thời cuộc. Đó là chưa kể gần một trăm văn bản, kiến nghị về các chủ trương, chính sách, đường lối... để gửi tới các cơ quan nghiên cứu hoạch định, các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Vừa làm công tác quản lý, ông còn hướng dẫn, phản biện cho hơn 80 luận án tiến sĩ, góp phần đào tạo những trí thức, nhà khoa học cho đất nước.
Giáo sư Văn Tạo làm việc không mệt mỏi. Ông có một sức sáng tạo tuyệt vời. Công trình khoa học “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử” của ông gây xúc động trong bạn bè quốc tế, được nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2010. Khi đã vào tuổi 70, ông còn hăm hở viết đề cương nghiên cứu và hội thảo về sự nghiệp dựng nước của họ Khúc đất Hồng Châu.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh có lần nhận xét, Giáo sư Văn Tạo là người say mê nghiên cứu, là nhà khoa học chân chính, có tính tự tin, tự chủ và thẳng thắn, khách quan, trung thực, không nghĩ một đằng viết một nẻo. Ông cũng là người có nghị lực, biết vượt qua khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo để sống và cống hiến. Ông kể rằng, hai người đã cùng làm việc với nhau gần 3 năm để xây dựng và biên tập bộ lịch sử của Chính phủ Việt Nam. Những khi phát biểu, Giáo sư Văn Tạo luôn thể hiện khách quan và sâu sắc, có ý kiến sắc bén, mới mẻ, không chấp nhận sự kết luận dễ dãi, không rành mạch, những đề nghị thuận chiều với dự thảo, với bản trình bày đề dẫn.
Giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Hiên coi ông là tấm gương sáng trong khoa học. Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhận xét, Giáo sư Văn Tạo làm sử có tố chất ngoại giao: “Đọc lại những tác phẩm của ông sau 60 năm lao động của một nhà khoa học, tôi cảm thấy quan điểm, ý tưởng của ông vẫn nằm trên một trục xuyên suốt, đó là sự trung thực và tôn trọng khách quan. Khi chúng ta chưa đổi mới, tư duy độc lập của các nhà khoa học, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội còn hạn chế, nhưng ở Văn Tạo, khi ông chưa nói hết được quan điểm của mình, thì ông giữ thái độ phải chăng. Tôi rất thú vị khi có sự so sánh ông Văn Tạo trước đây và ông Văn Tạo thời đổi mới và chỉ thấy một Văn Tạo mà thôi”.
Khi chuẩn bị Đại hội Đảng VI, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã giao cho ông nghiên cứu đề tài "Di sản lịch sử và xuất phát điểm khi đi lên chủ nghĩa xã hội”. Ông đã hoàn thành và đề tài có giá trị lớn trong lý luận và thực tiễn, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, tôn trọng quy luật khách quan. Từ đó mà nhiều sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử được nhìn nhận lại, đánh giá, được trả tên, được xã hội minh định rõ ràng.
Giáo sư Văn Tạo luôn rung động trước sự thật của lịch sử dân tộc, của mỗi con người, nên ông luôn quyết tâm hướng tới sự công bằng, sự thật. Năm 1996, ông đưa ra luận điểm “Công minh lịch sử, công bằng xã hội” gây ấn tượng mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến nhận thức trong toàn xã hội. Từ quan điểm này, ông đã minh oan, hoặc trả lại giá trị đích thực cho những nhân vật lịch sử, những sự kiện lịch sử, vốn chưa được đánh giá công bằng.
Với tôi, tuổi giáo sư đáng bậc cha chú. Nhưng đứng trước ông, tôi vẫn quen gọi ông là thầy.
Tôi kính phục đằng sau vẻ giản dị, tính cách bình dân, dễ hòa nhập với mọi đối tượng của giáo sư, là cả một kho trí tuệ. Năm 2010, tôi có làm bộ phim tài liệu “Lấp lánh sao Khuê”. Trong kịch bản có phần ghi hình phỏng vấn giáo sư... Ông hào hứng nhận lời. Lần ấy, vì phải quay thêm ngoại cảnh ở Nhị Khê, Thường Tín, quê nội Nguyễn Trãi, khi trở về Hà Nội tắc đường nên xe đến muộn. Trong đoàn ai cũng lo lắng, hồi hộp. Khi đến nhà, đã thấy giáo sư quần áo tươm tất ngồi đợi sẵn. Chúng tôi ngượng ngùng xin lỗi vì tắc đường, vị giáo sư cười độ lượng, sẻ chia thông cảm: "Hà Nội giờ này không tắc đường mới lạ". Giáo sư chuẩn bị kỹ nên quay một lần là được. Giọng nói của ông lên bổng xuống trầm, nhẩn nha, truyền cảm. Ông nhận xét, đánh giá phân tích tài năng và tầm chiến lược của Nguyễn Trãi rất uyên thâm...
Ở Hải Dương, dường như những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử quan trọng đều có tiếng nói, trí tuệ của giáo sư tham gia, góp phần làm cho minh triết rõ ràng. Hội thảo về phát huy bảo tồn cố trạch Tự Lực văn đoàn, về họ Khúc, về “Chí Linh bát cổ"... được tổ chức ở tỉnh ta đều có công sức của ông.
Đối với thế hệ trẻ, hoặc những người đi sau, giáo sư bao giờ cũng khích lệ, động viên một cách chân thành. Không ít người được ông khuyến khích, tạo điều kiện phù hợp để làm việc, sáng tác, nghiên cứu.
Giáo sư được tặng Huân chương Lao động, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, hai lần Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Nhưng phần thưởng cao quý nhất, ông là nhà sử học chân chính, của dân, vì dân.
Được biết Giáo sư Văn Tạo có tâm hồn nghệ sĩ. Ông thích hát ca trù và hát khá hay.
Ngày 29-4-2013 này là sinh nhật lần thứ 87 (1926-2013) của Giáo sư Văn Tạo. Cũng là hiếm có một vị giáo sư đã vào tuổi này mà vẫn phong độ, yêu đời như thế, đúng là “trời cho, mà cũng là đời cho”.
88 tuổi đời, 66 tuổi Đảng, 60 năm làm sử, Giáo sư Văn Tạo là người thấm nhuần nhất, chân thành nhất về ý nghĩa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: làm cán bộ của dân phải là người công bộc của nhân dân.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét