Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021
Không được diễn giải lịch sử một cách tùy tiện
Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn, tình trạng diễn giải, suy đoán lịch sử một cách tùy tiện, vô căn cứ đang diễn ra với mức độ ngày càng tăng, gây bức xúc trong dư luận, tạo nhiều nguy cơ với hệ lụy khó lường. Đây là hiện tượng tiêu cực cần phải kịp thời ngăn chặn để bảo đảm niềm tin trong xã hội, lấy lại sự lành mạnh cho môi trường nghiên cứu học thuật và niềm tin của cộng đồng.
Khi được độc giả hỏi về nguồn tư liệu, ông P.T.H viện dẫn bài viết “Hùng Vương là ai và lịch sử các Vua Hùng” của tác giả BTV/Sức Khỏe Cộng Đồng đăng trên tintucvietnam.vn có nội dung hầu như giống hoàn toàn. Đáng nói là ở bài viết “Hùng Vương là ai và lịch sử các Vua Hùng”, tác giả cho biết dẫn lại tư liệu từ cuốn sách Thế thứ các triều vua Việt Nam của Nguyễn Khắc Thuần (NXB Giáo dục, H.1995) nhưng tìm đọc sẽ thấy, trong cuốn sách của mình, Nguyễn Khắc Thuần chỉ viết ngắn gọn: “1 - Hùng Dương (tức Lộc Tục). 2 - Hùng Hiền (tức Sùng Lãm). 3 - Hùng Lân. 4 - Hùng Việp. 5 - Hùng Hy. 6 - Hùng Huy. 7 - Hùng Chiêu. 8 - Hùng Vỹ. 9 - Hùng Định. 10 - Hùng Hy (3). 11 - Hùng Trinh. 12 - Hùng Võ. 13 - Hùng Việt. 14 - Hùng Anh. 15 - Hùng Triều. 16 - Hùng Tạo. 17 - Hùng Nghị. 18 - Hùng Duệ. 18 đời nối nhau trị vì 2622 năm (từ năm 2879 trước Công nguyên đến năm 258 trước Công nguyên). Đó là những con số rất khó thuyết phục người đọc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, với người Việt, số 9 là số thiêng, các bội số của số 9 (như 18, 36, 72, 99…) cũng là những số thiêng tương tự. Cho nên, con số 18 đời Hùng Vương mà Hùng triều ngọc phả nói tới cũng chỉ là con số ước lệ, biểu tượng của một ý niệm thiêng liêng nào đó. Cũng trong cuốn sách, Nguyễn Khắc Thuần viết: “Tóm lại, nước Văn Lang là một thực thể có thật của lịch sử nước ta, nhưng Văn Lang chỉ tồn tại trước sau trong khoảng ba trăm năm và con số 18 đời Hùng Vương cho đến nay vẫn là con số của huyền sử”. Như vậy, dù tác giả trên trang tintucvietnam.vn có bảo lưu rằng: “Con số 18 chỉ mang tính tượng trưng” thì vẫn có thể thấy hai tác giả P.T.H và BTV/Sức Khỏe Cộng Đồng đã “sáng tác” cho các vua Hùng tên húy, thứ tự chi theo bát quái, chua thêm năm can chi vào “năm sinh”, năm đầu và năm cuối “thời gian ở ngôi”. Thoạt nhìn có vẻ chính xác, tuy nhiên hai bài viết đều sai vì những chi tiết về các vua Hùng được nêu ra không hề có căn cứ kiểm chứng. Chưa kể, nếu đối chiếu lịch can chi với năm dương lịch sẽ thấy năm can chi được tính tương đương với năm dương lịch. Thực tế là cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn chưa tìm thấy tư liệu chữ viết thời Hùng Vương. Không biết hai tác giả nêu trên đã căn cứ vào đâu để khai thác những chi tiết rất cụ thể về năm sinh năm mất, năm ở ngôi, tên húy, tên hiệu, số đời truyền làm vua... của các vua Hùng độ xác tín ra sao?
Hiện tượng “cụ thể hóa”, thậm chí dung tục hóa những điều chép trong sử sách hay các thông tin lưu truyền trong huyền thoại gần đây cũng có chiều hướng xuất hiện ngày một gia tăng trên nhiều diễn đàn, báo chí, nhất là vào những dịp kỷ niệm, tưởng niệm các sự kiện, nhân vật lịch sử. Ngày 4-4 vừa qua, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người gắn liền với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã ra đi. Đồng đội và nhân dân tiếc thương ông, tưởng nhớ về ông với những kỷ niệm sâu sắc. Thế nhưng, nhân sự kiện này, blogger (người viết blog) D.P có số người theo dõi khá đông (từng được tung hô như một “hiện tượng viết sử trẻ” hay như là một người đã chuyển tải lịch sử đến giới trẻ bằng một góc nhìn mới mẻ và khác biệt (!) đã tranh thủ “múa bút” bất kể lô-gich, đúng - sai. Như người này tưởng tượng ra việc tướng Đồng Sỹ Nguyên “chỉ huy một đoàn quân với bom lượn ở trên đầu, xây nên một con đường mà Mỹ nhận định là không thể xây được, và tạo nên một con đường cứ bị san phẳng hôm qua thì vài ngày sau bỗng trở lại”. Cũng trong bài viết đó, người này còn đưa ra những nhận định ngô nghê và hồ đồ: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp có bên mình hai cánh tay trái và phải. Cánh tay phải của ông là tướng Hoàng Văn Thái, người đã ở cạnh ông và cùng ông lập nên các chiến lược quân sự lớn. Còn cánh tay trái của ông là tướng Lê Trọng Tấn, người sẽ ở trận tiền, thực hiện các chiến lược mà tướng Giáp đề ra”. Chưa kể trong bài viết còn có một số câu văn bị nhiều độc giả đánh giá là thiếu sự tôn trọng đúng mức với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí, đồng đội của ông. Lối “kể chuyện” sử như không hề đọc sử của người này còn có thể làm người chưa biết về Đại tướng Lê Trọng Tấn sẽ tiếp nhận thông tin không chính xác về ông, như D.P cho rằng ông là người “đã bắt”, “áp giải” các tướng De Castri (Đờ Cát-xtơ-ri) và Dương Văn Minh. Đọc bài viết nhiều người yêu thích, am hiểu lịch sử thực sự phẫn nộ vì cách viết bịa tạc, đầy xúc phạm như vậy.
Việc “cụ thể hóa” tới mức dung tục các huyền sử không phải là cách tôn vinh tiền nhân mà trái lại, là hạ thấp giá trị của niềm tin trong xã hội, thậm chí là cả tín ngưỡng thiêng liêng của dân tộc. Vì thế, người viết cần luôn ý thức không thể viết một cách tùy hứng và tùy tiện về lịch sử, bởi sẽ gây hệ lụy khôn lường. Thế nhưng, hiện tượng đi ngược với yêu cầu này đang ngày càng nhiều, thậm chí ngang nhiên xuất hiện ở ngay cả những diễn đàn, những hội thảo khoa học. Như tại hội thảo khoa học quốc gia “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc” (12-2018) một tác giả đã hồn nhiên trình bày quan điểm tối nghĩa khiến người nghe không thể hiểu nổi: “Thì ra sự chịu đựng bình đẳng cả địch và ta, cả chính nghĩa và phi nghĩa, cả thấp hèn và cao thượng”; “Đại tướng Võ Nguyên Giáp chịu đựng cả sự chịu đựng của dân tộc”, “chỉ có nhân loại là không chịu đựng vì đã thấy được một con người có mức độ” (Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và văn hóa dân tộc” - Hà Nội, 12-2018). Blogger D.P cũng xuất hiện tại hội thảo này, để đưa ra khái niệm “văn hóa quân sự “bóc múi bưởi”...”, rồi nhận định “có một trận Điện Biên Phủ năm 1975” khiến các chuyên gia nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật quân sự lắc đầu ngao ngán.
Những thí dụ đã nêu chỉ là vài minh họa cho một xu hướng đáng báo động về tình trạng diễn đạt, xuyên tạc lịch sử sai lệch và tùy tiện đang diễn ra ở nhiều nơi. Điều đáng lo ngại là ở đây không chỉ còn là những ý kiến cá nhân trong một cộng đồng hẹp, mà những quan điểm lệch lạc như vậy đang được trình bày trên một số trang báo chính thống, tại một số hội thảo khoa học, được phát tán trên mạng xã hội với độ lan truyền nhanh chóng. Có thể thấy, nếu không kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả, những “tri thức” méo mó về lịch sử như vậy sẽ có nguy cơ “đầu độc” công chúng, nhất là giới trẻ.
Lịch sử là câu chuyện của quá khứ, đòi hỏi việc xem xét, đánh giá chuẩn xác. Những người làm công tác nghiên cứu hoặc viết về lịch sử vì vậy cần phải được trang bị kiến thức đầy đủ cùng khả năng diễn đạt chính xác, khoa học. Bất cứ luận điểm nào về một vấn đề, một sự kiện, một nhân vật lịch sử… đều cần chứng minh bằng sử liệu. Chỉ với sự tuân thủ các nguyên tắc đó, nội dung viết về lịch sử mới thuyết phục được người đọc, mang lại tri thức lịch sử lành mạnh và hữu ích cho công chúng. Tất nhiên, theo dòng thời gian, lịch sử có thể được điều chỉnh hoặc bổ sung thông tin nếu có thêm tư liệu mới dẫn đến nhận thức mới. Song dẫu vậy, không thể chấp nhận và đồng tình với cách “viết lại” lịch sử tùy tiện thiếu phương pháp nghiên cứu, phản khoa học và sự thật lịch sử như trên.
Chưa kể cách thức làm việc cẩu thả, vô trách nhiệm cùng động cơ không trong sáng của một số cá nhân trong việc lợi dụng lịch sử để đánh bóng tên tuổi và để “câu like” đã dẫn đến tình trạng nhiễu loạn, dung tục hóa lịch sử gây hoang mang, mất lòng tin ở nhiều người. Để những hiện tượng này xuất hiện trên các diễn đàn chính thống, trước hết có phần trách nhiệm của những “người gác cổng” là biên tập, chuyên gia thẩm định ở các cơ quan báo chí, hội nghị, hội thảo. Người đọc duyệt, xử lý tin, bài cần phải không ngừng nâng cao tri thức, trình độ chuyên môn, tỉnh táo trước quan điểm, ý kiến “khác lạ”, chủ động sàng lọc ngay từ đầu vào các thông tin thiếu cơ sở, chưa được kiểm chứng, thậm chí bắt nguồn từ động cơ xấu. Trước vấn đề liên quan đến lịch sử còn nhiều tranh cãi, người có trách nhiệm cần kiểm tra nguồn tư liệu được dẫn ra, xem xét kỹ các quan điểm đánh giá,… để bảo đảm tính chân thực của các chi tiết, tính chính xác, khoa học của các nhận định. Nếu còn vấn đề chưa sáng tỏ có thể tham khảo ý kiến thẩm định của các chuyên gia. Đối với các trang mạng xã hội, sự tự do trên mạng có thể dẫn đến sự tùy tiện, dễ dãi trong việc phát ngôn, nêu quan điểm, nhưng hiện nay chúng ta đã có khung pháp luật để xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức đưa thông tin sai trái, trong đó bao gồm cả hành vi xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ nhân vật lịch sử. Chúng ta tôn trọng quyền bày tỏ ý kiến chính đáng của mỗi cá nhân nhưng cần phải coi việc đưa các thông tin xuyên tạc lịch sử, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoài nghi và muốn xét lại lịch sử là một xu hướng tiêu cực, không bao giờ được cộng đồng nghề nghiệp và công chúng chấp nhận.
Để đề phòng, ngăn chặn thông tin sai lạc và đánh giá tiêu cực, xuyên tạc về lịch sử, đã đến lúc cần có sự phối hợp vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, như: tích cực truyền bá thông tin chính xác, không ngừng nâng cao hiểu biết của công chúng về truyền thống dân tộc, về sự kiện, nhân vật lịch sử để mỗi người tự nâng cao “sức đề kháng”, tham gia bảo vệ sự thật lịch sử, bài trừ những xu hướng, quan điểm sai trái. Đó là cách thức quan trọng giúp bảo vệ sự lành mạnh của môi trường thông tin cũng như sự chính xác của lịch sử.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét