Công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đã và
đang đạt được những thành tựu vượt bậc sau 35 năm đổi mới. Điều này có thể cảm
nhận được từ thực tế đời sống mỗi người dân, mỗi vùng, miền trên cả nước. Từ hệ
thống cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện cơ bản; hệ thống trường học các
cấp không ngừng được nâng cấp, mở rộng, bảo đảm quyền được học tập của người
dân; mức sống người dân cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần... Ngay cả
về những thành tựu căn bản như vậy, cũng có những luồng ý kiến chỉ trích, thậm
chí bôi nhọ, đả kích và chống phá.
Về cơ sở bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,
ở Việt Nam không ngừng được cải thiện, nâng cấp. Chỉ tính riêng về hệ thống báo
chí, truyền thông đại chúng đang phát triển, thậm chí phát triển vượt trên nhu
cầu của nền kinh tế-xã hội. Hiện Việt Nam có 780 cơ quan báo chí. Mỗi người
dân, về nguyên tắc đều có vài ba cơ quan báo chí đại diện ngôn luận cho mình.
Vì theo thiết kế hệ thống, mỗi cơ quan báo chí là đại diện ngôn luận của tổ
chức trong hệ thống chính trị, theo đó, mỗi công dân đều có thể thể hiện ý chí
và nguyện vọng của mình trước công luận. Mặt khác, Việt Nam hiện là quốc gia
top đầu về tỷ lệ công dân tham gia mạng xã hội (MXH), với hơn 70% công dân khắp
các vùng, miền và các nhóm xã hội khác nhau. Ở Việt Nam, theo luật định, không
ai và nhóm công dân nào bị cấm hay bị hạn chế tham gia MXH cũng như thể hiện
quyền tự do ngôn luận của mình.
Thế nhưng, thực hiện quyền tự do ngôn luận của công
dân, nhất là trên MXH đã và đang bộc lộ những bất cập sau đây.
Thứ nhất, không ít biểu hiện thiếu tôn trọng các
chuẩn mực văn hóa của cộng đồng. Điều này thể hiện trong sử dụng các ngôn từ,
giọng điệu, hình ảnh để biểu thị thái độ và hành vi trước các sự kiện và vấn đề
xã hội; như ủng hộ hay phản đối cái gì và ủng hộ, phản đối như thế nào, kể cả
những biểu hiện cực đoan trong việc ủng hộ và phản đối. Mỗi sự kiện và vấn đề
xã hội đều có tính hai mặt của nó; việc ủng hộ hay phản đối “đúng ngưỡng” đòi
hỏi mỗi người cần hiểu biết chuẩn mực ứng xử; và “cái chuẩn” quan trọng chính
là ở văn hóa, ở cái tâm của mỗi người.
Thứ hai, lợi dụng những sai phạm trong thực thi
công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, thậm chí cả những phát
ngôn xây dựng hoặc ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học có uy tín mà ai đó chưa
đồng tình, cũng kích hoạt trên MXH thành luồng ý kiến like, comment phản đối
rần rần với những từ ngữ, giọng điệu khó chấp nhận. Đây là một trong những biểu
hiện làm giảm hàm lượng văn hóa trong ngôn luận và giao tiếp cộng đồng.
Thứ ba, lợi dụng quyền tự do ngôn luận trên MXH,
kết nối xã hội trong môi trường truyền thông số để chỉ trích, thậm chí công
kích chủ trương, quyết sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước; và mỗi
khi bị cơ quan chức năng xử lý thì đối tượng bị xử phạt cho rằng “vi phạm tự do
ngôn luận” của công dân!
Tự do ngôn luận khác về bản chất với "ngôn luận
tự do”. Tự do ngôn luận cần bảo đảm tuân thủ chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực văn
hóa, giao tiếp, là quyền cơ bản của công dân tham gia trao đổi, chia sẻ, tranh
luận và phản biện xã hội vì mục đích xây dựng, vì lợi ích công; chứ không phải
lợi dụng quyền này để thỏa mãn và mưu lợi cá nhân, để xâm hại lợi ích công và
chuẩn mực văn hóa cộng đồng. Còn ngôn luận tự do là tự do nói năng,
phát ngôn, bình luận, chia sẻ, tán phát thông tin một cách tùy tiện,
vô lối. Trên thực tế, không có quyền tự do nào là tuyệt đối mà chỉ có quyền tự
do tương đối. Nếu để tự do tuyệt đối nghĩa là tự do vô giới hạn, vô chính phủ
sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, gây ra rối loạn xã hội. Quyền tự do ngôn
luận cũng vậy. Nếu ai cũng nói năng bừa bãi, phát ngôn tùy tiện, chia sẻ thông
tin bất chấp đúng-sai, thật-giả lẫn lộn, không chỉ làm cho xã hội rơi vào tình
trạng rối nhiễu thông tin mà còn có thể tạo ra những cuộc khủng hoảng thông tin
xã hội một cách trầm trọng, từ đó gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự
an toàn xã hội.
Thứ tư, có những biểu hiện tán phát tài
liệu trên MXH để xuyên tạc, công kích, chống phá các quan điểm, chính sách của
Đảng và Nhà nước, gây hoang mang, dao động trong một bộ phận công chúng. Đây là
biểu hiện phức tạp nhưng không khó để nhận diện. Chúng ta biết rằng, trên thế
giới, mỗi nước có những thể chế và cấu trúc quyền lực không giống nhau; đồng
thời mỗi nước có chủ thuyết phát triển của mình. Vấn đề này phụ thuộc vào nhiều
yếu tố mà “không ai giống ai" trên con đường tìm kiếm lối đi riêng trong
quá trình phát triển, hội nhập quốc tế. Ví dụ ở Hoa Kỳ, mỗi đời tổng thống lại
có chủ trương, quyết sách của mình, mà các chủ trương quyết sách này có thể mâu
thuẫn gay gắt giữa các đời tổng thống. Hay như ở Liên bang Nga. Mặc dù phương
Tây tập trung công kích, trừng phạt và cô lập Nga, thậm chí muốn xé nhỏ nước
Nga ra mấy mảnh để dễ bề thao túng thế giới, nhưng dưới thời Tổng thống
Vladimir Putin, nước Nga đang được vực dậy bởi chiến lược và những quyết sách
táo bạo; và nước Nga đang trở thành cường quốc giữa sự ngỡ ngàng của chính
phương Tây.
Việt Nam cũng vậy, thể chế cũng đang tiếp tục được
hoàn thiện đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Vậy nên, ở Việt Nam,
thiết nghĩ, mỗi công dân yêu nước đều có mong ước nhiệt thành là làm sao để đất
nước cường thịnh, để dân tộc từng bước bước lên những nấc thang phát triển phồn
vinh. Nhưng để đạt được những kỳ tích mong đợi, mà những kỳ tích này sau một
thời gian mới có thể nhìn thấy rõ ràng, thì trước hết, mỗi công dân cần nhận
thức, thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ công dân, trong đó có quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí. Bởi các quyền này, bản thân nó có khả năng tạo ra
siêu kết nối xã hội và từ đây, có thể kết nối trí tuệ và cảm xúc cộng đồng và
đó là một trong những động lực tạo nên niềm tin, sức mạnh mềm cho sự phát triển
bền vững đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét