Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021
Luận bàn về việc vận dụng phương pháp lịch sử
Tái hiện lịch sử phải trung thực, phản ánh đúng tiến trình vận động của nó, vì chỉ có như vậy, việc nghiên cứu lịch sử mới giúp hiểu về quá khứ và rút ra bài học hữu ích cho hiện tại. Và do đối tượng nghiên cứu rất phong phú nên trong quá trình thẩm định, nghiên cứu cần nắm vững phương pháp lịch sử để sử dụng một cách khoa học, triệt để, sâu sắc,... Trên thực tế, thực hiện điều này là không dễ dàng, và lâu nay không phải tác giả nào cũng nghiêm túc tuân thủ.
Từ lịch sử phát triển ngành sử học, các nhà nghiên cứu có quan điểm chung rằng: "không gì có thể thay thế tư liệu - không có chúng thì không có lịch sử". Sử liệu tồn tại khách quan, độc lập đối với chủ thể nhận thức; và trên cơ sở thông tin thu nhận được từ kết quả phân tích sử liệu, nhà sử học phục dựng lịch sử. Trong một thời gian khá dài trong sử học đã tồn tại quan niệm cho rằng, chỉ có nguồn sử liệu chữ viết (thư tịch) mới có thể coi là nguồn sử liệu và là nguồn sử liệu có giá trị, còn các nguồn sử liệu khác đều không đáng tin cậy. Quan niệm này khá phổ biến trong trường phái sử học Thực chứng (positivisme), mà đại diện điển hình là nhà sử học người Pháp Numa Denis Pustele De Coulage (1830 - 1889) - người được mệnh danh là "kẻ sùng bái thư tịch", khi ông tuân thủ và chỉ hành động theo một phương châm duy nhất: "Văn bản, chỉ có văn bản, không có gì khác ngoài văn bản".
Nhưng nếu nghiên cứu như vậy thì lịch sử các dân tộc chưa có chữ viết, hoặc những hình ảnh của thời kỳ tiền sử chưa có chữ viết sẽ không thể tái tạo? Tuy nhiên, việc phục dựng được lịch sử của các dân tộc chưa có chữ viết, những bức tranh thời tiền sử ở các khu vực (bằng nhiều phương pháp khác nhau) là câu trả lời với quan niệm sùng bái sử liệu chữ viết. Ðối với Việt Nam, có thể nói vấn đề khó khăn nhất khi nghiên cứu lịch sử là tư liệu. Tư liệu lịch sử nước ta từ thế kỷ 15 trở về trước cho đến nay còn lại rất ít và phân tán rải rác. Sự ra đời một số nhận định sai lầm về lịch sử là có nguyên nhân từ việc thiếu sử liệu. Những năm gần đây, nhiều vấn đề lịch sử, nhiều nhân vật lịch sử được đánh giá lại với tinh thần cởi mở. Tuy nhiên, trong không khí học thuật đổi mới đó đã xuất hiện một số luận điểm rất phi sử học, hoặc có dấu hiệu lợi dụng diễn đàn của sử học...
Có tác giả bao biện cho việc Nguyễn Ánh cầu viện Tây phương với lập luận: Trong lúc yếu thế, Nguyễn Ánh cần súng ống, tàu chiến, đã (ngẫu nhiên) gặp được một số đoàn truyền giáo đi mở đạo hứa giúp. Lẽ tất nhiên ông ta xem đây là một cơ hội, dù có thể là "một cái xấu cần thiết" (?), "Việc đầu tiên và cấp bách Nguyễn Ánh cần làm là diệt được quân Tây Sơn bằng bất kỳ phương tiện nào, chứ hoàn toàn không cố ý muốn cầu thân với Pháp" (?), và đó là hành động mang tính "sách lược tình huống"! Tác giả rút ra kết luận: Nói Nguyễn Ánh "cõng rắn cắn gà nhà" là không đúng với thực tại lịch sử khách quan, cũng như nói Alêchxăng đơ Rôt hay Bá Ða Lộc làm môi giới giữa Pháp với triều Nguyễn là những tên thực dân phản động lại càng sai lầm về quan điểm lịch sử (?). Bao biện như vậy, tác giả đã cố tình phủ nhận sự thật rằng khi cầu viện quân Xiêm, quân Pháp, Nguyễn Ánh đã đặt quyền lợi của gia tộc, của bản thân lên trên quyền lợi dân tộc, lên trên chủ quyền của đất nước và lên trên cả danh dự của dân tộc.
Người xưa thường nói: "Thời thế tạo anh hùng". Thời thế, nói theo sử học chính là "bối cảnh lịch sử" - điều mà khi tiếp cận bất kỳ một biến cố, phong trào, học phái nào, người nghiên cứu đều phải xem xét kỹ lưỡng. Bình luận về cá nhân trong lịch sử luôn phải đặt nhân vật đó trong bối cảnh lịch sử của họ cùng mối tương tác với các sự kiện chi phối bên ngoài. Lịch sử là cái đã diễn ra, cần nghiên cứu và tái hiện có phương pháp, không thể suy đoán kiểu: nếu không có những gì xấu xa của chủ nghĩa tư bản thế kỷ 19 thì không có C. Mác và chủ nghĩa Mác xuất sắc; nếu không có thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam thì cũng không có Phan Bội Châu hay Hồ Chí Minh với sự nghiệp lẫy lừng... Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện trọng đại, đánh đổ ách áp bức của thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên độc lập và khẳng định trước thế giới rằng dân tộc Việt Nam có quyền, có chỗ đứng ngang hàng với mọi dân tộc khác trên thế giới. Vậy mà có người lại coi sự nghiệp giành độc lập của nhân dân Việt Nam như một sự "ăn may" của Việt Minh trong "khoảng chân không chính trị". Họ không coi Ngày 2-9 là ngày vinh quang, đánh dấu việc thoát khỏi ách thuộc địa. Từ lòng thù hận, đối với họ, Ngày 2-9-1945 chỉ khai sinh một nhà nước cộng sản và mở đầu cho một giai đoạn nội chiến kéo dài (!). Họ cố tình quên độc lập dân tộc là điều không thể nhân nhượng. Sau gần một thế kỷ là một xứ thuộc địa, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả tất yếu từ nhận thức, hành động của dân tộc Việt Nam; và sau quá trình đấu tranh kiên cường suốt hơn 15 năm với vô vàn tấm gương hy sinh anh dũng, Ðảng Cộng sản là tổ chức chính trị duy nhất có đủ thực lực để lãnh đạo nhân dân khi thời cơ đến đứng lên giành độc lập. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Ngày 2-9-1945 phải được ghi nhận là một trong những sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc.
Một số người lại lập luận rằng, cuộc cách mạng này là không cần thiết (?), vì chủ nghĩa thực dân đã chết sau Chiến tranh thế giới thứ hai và độc lập dân tộc ắt phải đến, dù có hay không có cách mạng, bởi đó là khuynh hướng tất yếu của lịch sử nhân loại; bằng cớ là mọi quốc gia muốn độc lập, đều đã có độc lập và hơn thế nữa, đa số các trường hợp còn giành được độc lập trước và ít tốn kém hơn Việt Nam (!). Với mấy người này, họ cố tình quên trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, chính quyền nước Pháp quyết "khôi phục lại những quyền lợi ở Ðông Dương". Quyết tâm này thể hiện qua hàng loạt các hành động quân sự trong những năm 1945 - 1946. Trong thời đoạn đó hoàn toàn không có một "cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ", khi những người cầm quyền ở Pháp quyết đặt lại ách cai trị của thực dân ở Ðông Dương bằng vũ lực. Ở thời điểm cuối năm 1946, những cố gắng vãn hồi hòa bình đầy chính nghĩa của phía Việt Nam, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối cùng vẫn bị những người điều hành chính sách của nước Pháp làm đổ vỡ, mặc dù lúc bấy giờ, thời đại của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ thật sự đã kết thúc. Nhân dân Việt Nam không muốn chiến tranh, "chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng", nhưng khi độc lập dân tộc bị đe dọa thì nhân dân Việt Nam "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Người Pháp đã không thấy điều đó và đã nhận thất bại. Sau này người Mỹ cũng lặp lại sai lầm tương tự. Một vài người khi đề cập tới hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20 lại tập trung khai thác và nhấn mạnh một số biểu hiện bên ngoài để khẳng định: Người trong một nước giết nhau trên một quy mô lớn và trong một thời gian dài thì đó là nội chiến, dù có hay không có sự can thiệp từ bên ngoài (?). Luận điểm này là cố tình đánh đồng tinh thần yêu nước của nhân dân anh dũng đứng lên bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ các giá trị nhân văn với bộ phận xã hội đã tự biến mình thành công cụ trong tay ngoại bang.
Tựu trung, chỉ có thể giải thích hiện tượng "quên" đó là: tư liệu không được sử dụng để nghiên cứu toàn diện, khách quan theo phương pháp sử học đúng đắn, mà nhằm phục vụ mục đích đen tối, lấp liếm để đánh đồng chính nghĩa với phi nghĩa, đúng với sai, từ đó dẫn đến kết luận phiến diện, xuyên tạc,...
Phương pháp lịch sử được sử dụng để nghiên cứu, trình bày một sự vật, hiện tượng có thời gian xuất hiện, hình thành, và có các bước vận động, phát triển,... để thấy được tính liên tục, từ đó rút ra các tính chất, đặc điểm, xu hướng, quy luật vận động. Phương pháp lịch sử giúp đi sâu tái dựng được cả không khí lịch sử, tâm lý, tình cảm của con người trong những sự vật, hiện tượng tiêu biểu. Phương pháp lịch sử không phải là sự liệt kê nhiều sự vật, hiện tượng, mà cần biết lựa chọn sự vật, hiện tượng tiêu biểu, điển hình, là biểu hiện tập trung phản ánh quy luật vận động của lịch sử. Nghiên cứu các sự kiện quan trọng, không những phải làm sáng tỏ điều kiện hình thành và diễn biến của sự kiện, mà còn phải đi sâu tìm hiểu làm rõ sắc thái riêng của từng sự kiện, mô tả được tâm lý, tình cảm của quần chúng nhân dân và cả không khí xã hội ở thời điểm sự kiện lịch sử diễn ra. Dựng lại sự kiện lịch sử một cách sơ sài, giản đơn, sẽ sa vào lối phản ánh chung chung. Ðặc biệt, nghiên cứu lịch sử phải tỉ mỉ, công phu, phải xem xét mọi mặt biểu hiện, không được đơn giản, càng không được cắt xén làm cho lịch sử trở nên đơn điệu, tẻ nhạt, thậm chí méo mó.
Sự thật lịch sử chỉ có một, nhưng lại có thể xuất hiện ý kiến bình luận khác nhau. Bình luận có sức thuyết phục nhất là căn cứ vào sự thật và vận dụng phương pháp lịch sử nhuần nhuyễn, nhận được sự đồng tình của giới sử học và xã hội. Ðể đi tới sự thật lịch sử, không thể sử dụng lối đánh giá cảm tính "yêu nên tốt, ghét nên xấu", không được xuất phát từ quan điểm cá nhân, sử dụng tư liệu sơ sài, mà cần có quan điểm khách quan, toàn diện, dựa trên cơ sở sử liệu đầy đủ, được thẩm định kỹ lưỡng. Không ai có thể khẳng định mình có nhận thức lịch sử chính xác nếu không sử dụng có hiệu quả các nguyên tắc của phương pháp lịch sử. Nhận thức lịch sử có được sau một quá trình nhận thức, trong đó không phải không có yếu tố chủ quan, phiến diện và sai lầm là một khả năng. Tuy nhiên, có thể châm chước sai lầm do vô tình hay thiếu năng lực nghiên cứu, nhưng không thể bỏ qua các sai lầm về phương pháp luận, mục đích luận. Vì nếu sai lầm về phương pháp luận liên quan tới tư duy, thì sai lầm từ mục đích luận sẽ dẫn tới hành vi vi phạm đạo đức khoa học.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét