Báo cáo chính trị tại
Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn,
diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển
vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh
chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình
thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế,
chính trị, an ninh quốc tế... Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng
đa cực, đa trung tâm; các nước lớn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế
lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn,
chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các nước đang phát triển,
nhất là các nước nhỏ, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới... Khu vực châu
Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng,
là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn”.
Trên thực tế, tình
hình thế giới, nhất là ngay trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, đã có những diễn
biến phức tạp, nguy cơ xung đột vũ trang tăng cao liên quan đến chủ quyền và
tranh chấp lãnh thổ, đe dọa đến an ninh khu vực. Không chỉ có vậy, từ khi chiến
lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ được thực thi, đến
nay, khu vực này đã trở thành trọng tâm điều chỉnh chính sách an ninh và đối
ngoại của các nước trong và ngoài khu vực. Một số nước châu Âu như Pháp, Đức,
Anh cũng đã đưa ra chiến lược riêng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từng bước
gia tăng can dự vào khu vực Biển Đông.
Là một quốc gia nằm
ở khu vực địa - chính trị đang có sự cạnh tranh gay gắt và với mạng lưới quan hệ
đối ngoại sâu rộng có lợi ích đan xen, Việt Nam chịu những ảnh hưởng và tác động
nhất định. Trước tình hình đó, cách tiếp cận và hướng giải quyết mối quan hệ “đối
tác” và “đối tượng” trong chính sách đối ngoại của Việt Nam cần:
Một là, kiên định
nguyên tắc và kiên trì những vấn đề mang tính chiến lược, nhưng khôn khéo và
linh hoạt trong sách lược và triển khai thực hiện. “Dĩ bất biến ứng vạn biến” cần
luôn là phương châm đối ngoại của Việt Nam trong mọi hoàn cảnh, với mọi vấn đề,
giữa Việt Nam và các “đối tác”, trong mối quan hệ chuyển hóa giữa “đối tác” và
“đối tượng”.
Hai là, linh hoạt
trong cách nhìn nhận “đối tác” và “đối tượng”. Cần tránh quan điểm “nếu không ủng
hộ ta thì là kẻ thù của ta”. Trong thực tiễn hoạt động đối ngoại, một mặt, Việt
Nam phải luôn tỉnh táo nhận thức rằng “không có đồng minh vĩnh viễn”; mặt khác,
cần biết tranh thủ những mặt xung đột của các “đối tượng” để có lợi cho ta.
Trong quan hệ quốc tế, điều căn bản nhất đối với mọi quốc gia chính là bảo đảm
cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Ba là, “đối tác” và
“đối tượng” trong chính sách đối ngoại được Đại hội XIII của Đảng thông qua phản
ánh mối quan hệ hữu cơ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
và dựa trên nền tảng của các nghị quyết trước đây, nhất là Nghị quyết số
28-NQ/TW. Tuy nhiên, thực tế luôn vận động và biến đổi, do vậy, Đảng ta đã có kế
hoạch tổng kết về chiến lược, trong đó bao gồm cả vấn đề xác định “đối tác” và
“đối tượng”. Việc tổng kết này cần được tiến hành trên tinh thần cầu thị, lắng nghe
để định hướng chính sách mang tầm chiến lược, tránh những quan điểm lợi dụng nhằm
xuyên tạc và cách tiếp cận bị ảnh hưởng bởi quan điểm có tính “phe phái” trong
quan hệ quốc tế. Bài học lịch sử cho thấy, dứt khoát không và không ai có thể
buộc Việt Nam phải “chọn phe”. Việc ai là “đối tác” sẽ do Việt Nam chủ động
thúc đẩy, nhưng đồng thời cũng rộng mở đón nhận thiện chí từ phía muốn Việt Nam
là đối tác của họ trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc được bảo đảm. Còn về “đối
tượng”, trong quá trình cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII, nên chăng cần sử dụng
khái niệm mềm hơn, cách diễn đạt uyển chuyển hơn, phù hợp với “những nhận thức
mới và tư duy mới về an ninh quốc gia”, nhưng cũng kiên quyết bảo vệ những vấn
đề thuộc về nguyên tắc, thuộc về lợi ích căn bản và cốt lõi của Việt Nam. Với
cách tiếp cận đó, nên chăng đề xuất cách diễn đạt rõ hơn các nội dung có tính
lượng hóa về “đối tượng”, đó là: Tất cả những thách thức phương hại đến an ninh
quốc gia; ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội; sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa, khối đại đoàn kết dân tộc; độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ đều là đối tượng cần đấu tranh nhằm bảo đảm lợi ích
tối thượng của quốc gia - dân tộc. Những thách thức ở đây bao gồm cả âm mưu,
hành động của các “thế lực thù địch”, những diễn biến và nguy cơ xâm phạm chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, những vấn đề an ninh phi truyền thống.
Khái niệm “thách thức” ở đây mang tính định lượng, giúp chúng ta có thể minh định
rõ ràng “đối tượng” trong ứng xử.
Việc xác định rõ “đối
tác” và “đối tượng” trong chính sách đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng thể hiện
sự kết hợp giữa hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX và Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã nhất
quán trong việc xác định “đối tác” và “đối tượng” là cơ sở để thể chế hóa “đối
tác” và “đối tượng” trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong tình hình mới.
Kết quả của việc thực hiện chính sách đối ngoại “đa dạng hóa, đa phương hóa các
quan hệ quốc tế; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng
quốc tế”, sự linh hoạt trong nhận diện và triển khai nguyên tắc “đối tác” và “đối
tượng” đã góp phần làm cho đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy
tín quốc tế như ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét