Đại hội VI của Đảng (năm 1986) khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, với nhiều quan điểm, chủ trương đổi mới đề cập trực tiếp đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, như xác định quan điểm “lấy dân làm gốc”, xử lý các quan hệ lợi ích giữa các giai cấp trong thời kỳ quá độ, xác định các đối tượng cần đoàn kết, tập hợp trong thời kỳ mới. Đại hội khẳng định, phải coi trọng xử lý hài hòa lợi ích giữa các giai cấp và đổi mới chính sách xã hội trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - cơ sở quan trọng bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đã khẳng định các quan điểm đổi mới do Đại hội VI của Đảng đề ra, đồng thời phát triển thêm các vấn đề: Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, mở rộng đoàn kết với một số đối tượng, với đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo, trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc (KĐĐKTDT). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, do Đại hội VII thông qua, có hai bài học kinh nghiệm về vấn đề đoàn kết: 1- Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân...; 2- Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) xác định, đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc, đồng thời quyết định chuyển đất nước sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được xác định bằng các quan điểm, chủ trương: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa được thực hiện bằng sức mạnh của toàn dân, khai thác tiềm năng của mọi thành phần kinh tế. Phương châm thực hiện là hướng mạnh về cơ sở; thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Đại hội IX của Đảng (năm 2001) đã bổ sung và phát triển một số quan điểm mới về đại đoàn kết toàn dân tộc: Xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng KĐĐKTDT gắn với phát huy dân chủ trong đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã làm rõ thêm đối tượng đoàn kết, cơ chế, phương thức thực hiện, vai trò các chủ thể... trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội X và Đại hội XI của Đảng đã phát triển một số luận điểm mới, có ý nghĩa bổ sung cho chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội X của Đảng (năm 2006) nhấn mạnh đặc điểm đại đoàn kết toàn dân tộc khi khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng có xu hướng doãng ra; Văn kiện cũng nhấn mạnh vị trí, vai trò của tầng lớp doanh nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN). Đại hội XI của Đảng (năm 2011) khẳng định coi trọng đoàn kết trong Đảng làm hạt nhân, là cơ sở vững chắc cho đại đoàn kết toàn dân tộc; đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội.
Đại hội XII của Đảng (năm 2016) khẳng định: Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân.
Chủ đề Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Các văn kiện của Đại hội đều quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc” và xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc... Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét