Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021
Nửa tháng TP HCM bùng phát dịch
Từ 18/5 đến 2/6, Covid-19 tại TP HCM bùng phát mạnh với 3 ổ dịch lớn, ghi nhận tổng cộng 257 ca Covid-19 cộng đồng.
Khi đợt dịch thứ 4 bắt đầu bùng phát từ ngày 27/4 ở nhiều địa phương cả nước với những cột mốc kỷ lục về số ca mắc, TP HCM chỉ ghi nhận một ca Covid-19 là "bệnh nhân 2910" (thanh niên 28 tuổi từ Hà Nam, phát hiện bệnh 29/4). Đến ngày 18/5, thành phố bắt đầu bước vào "trận chiến" với đợt lây nhiễm cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay.
Trong nửa tháng, TP HCM ghi nhận 257 ca mắc đã được công bố, hiện đứng thứ 4 cả nước về số ca Covid-19 cộng đồng trong đợt dịch này.
Ba chuỗi lây nhiễm được ghi nhận từ ngày 18/5, gồm:
Chuỗi lây nhiễm tại một công ty kiểm toán ở quận 3
Ngày 18/5, thành phố phát hiện hai bệnh nhân là đồng nghiệp làm việc trong một văn phòng ở quận 3, gồm "bệnh nhân 4514"- thanh niên ngụ TP Thủ Đức và "bệnh nhân 4583" - người phụ nữ 34 tuổi ngụ quận 7.
Chuỗi lây nhiễm đã được điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để với 193 người tiếp xúc gần, 1.380 người tiếp xúc khác, đều được cách ly y tế. Có 9.113 người được lấy mẫu xét nghiệm mở rộng tại các khu vực liên quan. Tổng cộng, ngành y tế thực hiện 10.686 mẫu xét nghiệm.
Đến nay, chưa phát hiện thêm người mắc bệnh. Kết quả giải trình tự gene hai bệnh nhân có cùng một nguồn lây do biến chủng Ấn Độ B.1.617.2.
Chuỗi lây nhiễm tại quán bánh canh O Thanh ở quận 3
Chuỗi lây nhiễm tại quán O Thanh phát hiện từ 20/5, đến nay ghi nhận 7 bệnh nhân, gồm người mẹ và hai con sống chung nhà ("bệnh nhân 4780", 4781, 4782, ghi nhận ngày 20/5); hai F1 sống riêng chỉ tới thăm là cháu ngoại ("bệnh nhân 5329", phát hiện ngày 24/5) và con gái ("bệnh nhân 5463", ngày 25/5); hai người được ghi nhận ngày 2/6 là F1 của 4781, xét nghiệm dương tính khi đang cách ly tập trung.
Trong đó, "bệnh nhân 5463" đã tử vong ngày 2/6 do Covid-19 nặng trên cơ địa suy thận mạn giai đoạn cuối.
Chuỗi lây nhiễm đã được điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để với 174 người tiếp xúc gần, 835 người tiếp xúc khác, mở rộng xét nghiệm cho 1.382 người. Tổng cộng thực hiện 2.391 mẫu xét nghiệm. Đến nay chưa phát hiện thêm người mắc bệnh.
Kết quả giải trình tự gene các bệnh nhân trong chuỗi lây nhiễm này là biến chủng Anh B.1.1.7.
Ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng
Đây là ổ dịch lớn nhất từ trước đến nay, được phát hiện từ ngày 26/5. Đến ngày 2/6, Bộ Y tế công bố 248 bệnh nhân liên quan ổ dịch này. Kết quả giải trình tự gene nCoV 7 người bệnh đầu tiên là hội viên đều thuộc biến chủng Ấn Độ B.1.617.2.
Hội truyền giáo này tổng số người tham gia là 55 người, trong đó 40 người đã xác định mắc bệnh, chiếm tỷ lệ 70%. Các hội viên sống ở 16/22 quận huyện và lây nhiễm cho các bệnh nhân tại nơi họ sống và làm việc, hình thành các ổ dịch tại 20/22 quận huyện (ngoại trừ quận 11, huyện Cần Giờ) và 6 tỉnh miền Nam (gồm Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu).
Ổ dịch này đã gây nên ba nhánh lây nhiễm từ 20 ca trở lên, ngoài ra còn nhiều nhánh nhỏ hơn khác. Trong đó, công ty Thiên Tú FN ở Bình Tân ghi nhận 50 bệnh nhân ("bệnh nhân 6301" lây nhiễm cho 44 ca F1 và 5 ca F2, trong đó bệnh nhân là các nhân viên làm chung và lây lan tiếp cho người nhà).
Công ty IDS ở Tân Phú có 23 bệnh nhân ("bệnh nhân 6787" lây nhiễm cho 9 ca F1, 12 ca F2 và 1 ca F3). Trường mầm non song ngữ ở quận 12 có 20 bệnh nhân ("bệnh nhân 6427" lây nhiễm cho 10 ca F1 và 09 ca F2, bệnh nhân là giáo viên của trường rồi lây sang các hộ gia đình, khu nhà trọ, lây lan sang tỉnh Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp).
7 ngày qua, ngành y tế đã lấy mẫu 277.841 người, trong đó 3.770 F1, 274.071 người các diện tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm, liên quan ổ dịch này.
Diễn biến phức tạp của ổ dịch này khiến Chủ tịch TP HCM quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 31/5.
Sự lưu hành đồng thời của cả hai biến chủng nguy hiểm
Đây là lần đầu tiên TP HCM ghi nhận sự lưu hành đồng thời của cả hai biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh, gồm biến chủng Án Độ và Anh, ở các ca bệnh trong cộng đồng.
Theo giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, hai chuỗi lây nhiễm ở công ty quận 3 và quán bánh canh O Thanh đã giới hạn số ca mắc và hiện không phát hiện thêm người nhiễm từ các chuỗi này.
Riêng chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng có mức độ lây lan mạnh do các đặc thù sinh hoạt và điều kiện làm việc của các F0, F1, F2. Đáng lưu ý là sự xuất hiện các chuỗi mới xuất phát từ một bệnh nhân trong hội truyền giáo được ghi nhận tại các tòa nhà văn phòng với tỷ lệ lây nhiễm rất cao, ví dụ điển hình là công ty Thiên Phú FN. Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đã làm cho chuỗi lây nhiễm này phát triển diện rộng theo sự di chuyển của các bệnh nhân.
Chưa phát hiện lây nhiễm trong khu công nghiệp, tổ bầu cử, bệnh viện
Trong chuỗi lây nhiễm hội truyền giáo có 3 bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp và hiện chưa phát hiện lây nhiễm trong khu vực này. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp nhiễm nào từ các tổ bầu cử hoặc sự kiện bầu cử dù đã qua 7 ngày (đây là khoảng thời gian đủ để lây truyền qua một chu kỳ).
Theo ông Bỉnh, bệnh viện được phân luồng giám sát ngay từ cổng bệnh viện, khiến rất ít trường hợp lọt sâu vào cơ sở y tế. Đến nay, thành phố cũng chưa phát hiện bất kỳ trường hợp lây lan nào trong bệnh viện. Nơi công cộng cũng đã được kiểm soát, giãn cách, nên cũng hạn chế lịch trình di chuyển của bệnh nhân hạn chế việc lây lan tại những nơi này.
Có thể xuất hiện những ca nhiễm không rõ nguồn gốc
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), nếu truy vết quyết liệt và cách ly tập trung tất cả các tiếp xúc gần thì thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục phát hiện ca bệnh trong nhóm này. Do đã cách ly nên sẽ hạn chế lây lan tiếp theo trong cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC nhận định, thành phố có thể xuất hiện những ca bệnh không rõ nguồn gốc trong cộng đồng do dịch bệnh đã âm thầm lây lan.
Thành phố đã chuẩn bị ứng phó cho các tình hình dịch bệnh khác nhau. Người dân không hoang mang, lo lắng, nhưng cũng tuyệt đối không được chủ quan, luôn tuân thủ các biện pháp phòng dịch bệnh theo 5K và các quyết định của chính quyền, khuyến cáo của ngành y tế. Đi khám bệnh ngay khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở... Trung thực trong khai báo y tế khi đi khám bệnh.
Các cơ quan đơn vị cần nâng cao khả năng phòng thủ, tổ chức làm việc, sản xuất an toàn, không để virus có cơ hội lây lan tại nơi làm việc.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét