Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

Ở Việt Nam, mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật

Thực tế ở Việt Nam, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Mọi người dân Việt Nam hoàn toàn tự nguyện, tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào, không bị ép buộc, cấm đoán. Trong buổi điều trần về việc các cộng đồng Thiên chúa giáo thiểu số bị đàn áp trên thế giới được tổ chức mới đây tại Quốc hội Hoa Kỳ, với vai trò chủ trì, ông dân biểu Christ Smith đã nêu vấn đề: Nhà nước Việt Nam có sự phân biệt đối xử giữa các tôn giáo, không công nhận quyền tự do thờ cúng của các giáo hội khác nhau... Sau đó, khi trả lời một số phóng viên, ông ta còn nói rằng: Việt Nam đang đi những bước lùi về tự do tôn giáo… Ông Christ Smith đã xuyên tạc một cách trắng trợn về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã nhiều lần công bố trước thế giới quan điểm, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành động vi phạm tự do tín ngưỡng; đồng thời nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân” (1). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật…” (2). Trong Hiến pháp và các văn bản luật của Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân luôn được ghi nhận. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 24 (Chương II) của Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Thực tế ở Việt Nam, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Mọi người dân Việt Nam hoàn toàn tự nguyện, tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào, không bị ép buộc, cấm đoán. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và đảm bảo. Ở Việt Nam ngày càng có thêm nhiều tổ chức tôn giáo được công nhận và hoạt động. Số lượng các tín đồ tôn giáo tăng nhanh. Các cơ sở thờ tự liên tục được xây dựng, mở mang, tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo. Hoạt động in ấn, phát hành kinh sách được xuất bản tự do theo nhu cầu của các tôn giáo. Công tác giáo dục, đào tạo về tôn giáo được thúc đẩy. Các hoạt động đối ngoại về tôn giáo ngày càng được đẩy mạnh… Có thể nói, đời sống tôn giáo ở Việt Nam chưa bao giờ sôi động như hiện nay. Các tổ chức nhân quyền và tôn giáo quốc tế đã nhiều lần đến thăm, làm việc, khảo sát thực tế và thừa nhận việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ. Đoàn Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ do Phó chủ tịch Ủy ban Michael Lewis Cromartie đã nhận xét: “Tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được mở rộng và có nhiều tiến bộ, nhiều điểm đáng khích lệ…”. Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam cũng đánh giá: “Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể liên quan đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam…”. Đặc biệt, việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016) một lần nữa thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong đảm bảo các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Trong phát biểu của mình, ông Christ Smith có dẫn lại câu chuyện xảy ra năm 2010 ở giáo sứ Cồn Dầu (TP Đà Nẵng) - sự việc mà ông ta gọi là “vụ đàn áp tôn giáo”, đồng thời ông nhắc đến trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý - người mà ông cho là “đang bị cầm tù vì thực thi quyền tự do tín ngưỡng”, hay mục sư Nguyễn Trung Tôn và giáo hội Tin lành Mennonite.... Cần nói ngay rằng, đó là những hành vi lợi dụng, đội lốt tôn giáo để chống phá Nhà nước, xúi giục nhân dân gây rối trật tự an ninh, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Một số phần tử cơ hội chính trị đã lợi dụng lòng tin của nhân dân để làm băng hoại đạo đức xã hội, thực hiện các động cơ chính trị đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc, bị các thế lực thù địch bên ngoài xúi giục, kích động chống phá nhà nước… Những hành vi đó đã vi phạm pháp luật Việt Nam và đương nhiên phải bị xử lý theo pháp luật. Đó là việc làm hoàn toàn chính đáng, hợp pháp nhằm bảo vệ an ninh trật tự, kỷ cương phép nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, trong đó có giáo dân. Đi đôi với tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, pháp luật của Việt Nam cũng nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc, chống phá CNXH, ngăn cản các tín đồ thực hiện nghĩa vụ công dân; đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc…” (3). Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Nhà nước Việt Nam không cho phép bất kỳ tôn giáo nào được phép đứng ngoài luật pháp, đứng ngoài dân tộc, đứng trên lợi ích quốc gia. Một yêu cầu khách quan đặt ra trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam là dù nội sinh hay ngoại sinh, các tôn giáo muốn phát triển đều phải hòa đồng với dòng chảy văn hóa của dân tộc và phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Khi xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, một trong những yêu cầu cơ bản mà Nhà nước Việt Nam đặt ra là trong sáng vô tư, không có sự phân biệt hay đối xử thiên vị giữa các tôn giáo. Mục tiêu trong thực hiện chính sách tôn giáo của Việt Nam là đoàn kết dân tộc, phát huy lòng yêu nước, trách nhiệm của đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Nhân dân Việt Nam quá hiểu những âm mưu và hành động của các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lật đổ chế độ chính trị tại Việt Nam. Để thực hiện mưu đồ đó, họ thường lợi dụng những vấn đề nhạy cảm, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo... để xuyên tạc, bôi nhọ. Bằng mọi cách, họ tiến hành các hoạt động xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo sự thật nhằm làm cho Việt Nam bị giảm sút uy tín, mất dần vị thế trong khu vực và trên thế giới, tạo cớ để tiến hành can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Nhưng có một thực tế hiển nhiên họ không thể phủ nhận được là: Ở Việt Nam quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được tôn trọng và đảm bảo, mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Điều này không chỉ được thể hiện trong hệ thống đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn được thể hiện sinh động trong thực tiễn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét