Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Phát triển kinh tế biển để tận dụng nguồn lợi tuyệt vời từ biển mang lại cho nền kinh tế, đồng thời khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam

 

 Phát triển kinh tế biển để tận dụng nguồn lợi tuyệt vời từ biển mang lại cho nền kinh tế, đồng thời khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Trao đổi với Đất Việt, TS. Đào Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội địa chất biển, nguyên Liên đoàn trưởng - Liên đoàn Địa chất biển đã có chia sẻ về vấn đề phát triển kinh tế biển ở Việt Nam.

Vị  chuyên gia nhận định, Việt Nam có một tiềm năng biển to lớn và cũng đã đặt các mục tiêu lớn cho phát triển kinh tế biển tập trung vào các lĩnh vực chính: Giao thông vận tải biển, Dầu khí, Nuôi trồng và khai thác Thủy Hải sản, Khai thác năng lượng tái tạo: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng dòng chảy và thủy triều.

Ở mỗi một ngành, một lĩnh vực đều tập trung với kế hoạch phát triển riêng có mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 về phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

Song cần phải nhìn nhận một cách thực chất vào sự phát triển này. Các lĩnh vực cần phải có sự phát triển liên ngành, liên vùng mới có thể hoàn thiện một chiến lược tổng thể, đảm bảo phát triển một cách tối đa và bền vững.

Ông Tiến nêu ví dụ, hiện nay ở Việt Nam đang bắt đầu phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời nhưng mỗi nơi đều phát triển riêng mà chưa thể kết hợp lại.

Ví như năng lượng gió và năng lượng mặt trời có "đầu vào" khác nhau nhưng cùng có "đầu ra" là điện. Hoặc năng lượng thủy triều và năng lượng dòng chảy kết hợp cũng rất phù hợp để triển khai trên biển và đảo, những nơi có nhiều tiềm năng này.

"Nếu phát triển cả năng lượng điện và gió ở đảo như ở Quần đảo Trường Sa thì nguồn năng lượng có thể dư thừa trong khi đó nhu cầu về nước ngọt lại hạn chế. Nếu chúng ta có được công nghệ lọc nước mặn thành nước ngọt và sử dụng năng lượng tái tạo cho phục vụ công nghệ đó thì sẽ giải được các bài toán phục vụ nhu cầu dân sinh bằng nguồn tài nguyên từ biển mang lại" - ông Tiến nhận xét.

"Công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt ở quy mô lớn nếu chúng ta chưa có thì phải nghiên cứu, học hỏi. Đây là nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương và cơ quan chịu trách nhiệm phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam" - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, có thể chúng ta thấy nhiều dự án phát triển năng lượng tái tạo nhưng mới chỉ ở một địa phương, với mục tiêu hòa vào lưới điện quốc gia, đạt tỷ trọng bao nhiêu trong tổng khối lượng sản xuất điện của cả nước... Tuy  nhiên, những điều đó không thực sự quan trọng bằng việc chúng ta phải thúc đẩy các sáng kiến về liên kết các ngành kinh tế để vừa tận dụng được lợi thế của biển mang lại phục vụ trước hết là đời sống mà sau đó còn là đảm bảo an ninh trên biển của Việt Nam.

Bên cạnh khai thác năng lượng từ biển thì khai thác thủy, hải sản từ biển của Việt Nam cũng cần phải phát triển gắn với công nghệ, phát triển ngành công nghiệp chế biến là phát triển theo hướng hiện đại hóa hơn của ngành này.

"Đừng để tình trạng như nông nghiệp, hơi có khó khăn thì chúng ta giải cứu. Tôi nhớ một cựu lãnh đạo ngành Nông nghiệp từng nói rằng sẽ phát triển công nghệ chế biến thực phẩm, phát triển ngành công nghiệp chế biến bằng cách lập ra các viện nhưng khi ông ấy về hưu, tôi vẫn chỉ nghe thấy giải cứu và giải cứu. Các thực phẩm tươi ngon của Việt Nam chỉ qua 3, 5 ngày là thối hỏng vứt bỏ, quá lãng phí trong khi chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ chế biến để xuất khẩu"- ông Tiến nhận định.

Theo vị chuyên gia, không chỉ ngành kinh tế biển mà ở bất cứ ngành nào cũng đều cần nhất là yếu tố con người.

"Tôi đã từng đặt câu hỏi cho các lãnh đạo Bộ về việc vì sao chúng ta không thể phát triển được công nghiệp, không thể đóng tàu thủy, không thể có đội tàu mạnh để ra khơi... họ đều phẩy tay và nói rằng không hề đơn giản?" - ông Tiến trăn trở.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, tiềm lực về con người là một lợi thế mạnh của Việt Nam mà giới lãnh đạo chưa biết tận dụng. Giới tri thức Việt Nam đâu đâu cũng được giới học giả nước ngoài kính trọng, được mời hướng dẫn và đi đầu. Người Việt chúng ta không hề kém thông minh hơn các quốc gia nước ngoài, tuy nhiên, chúng ta đang thua Hàn Quốc, Malaysia, Singapore...

"Vấn đề nằm ở công tác cán bộ của chúng ta. Cả đời tôi nghiên cứu khoa học biển, làm chủ nhiệm rất nhiều đề án, dự án khoa học và nhận thấy rằng ngay cả các nhân viên kế toán là những người sẽ thanh toán tiền nghiên cứu công trình khoa học của chúng tôi, có quyền uy hơn tất thảy.

Các hạng mục tiến hành nghiên cứu là cần thiết, thậm chí mang tính chất cốt lõi của đề tài nhưng nếu chứa từ ngữ không thuộc các mục trong quy định thì họ kiên quyết không thanh toán, không trình bày. Qua đó, tôi mới nhận thấy rằng, một đề tài khoa học có thể gian dối để lấy tiền trong khi không cần đạt được mục tiêu cụ thể đặt ra.

Như vậy, không những đồng tiền bỏ ra không được sử dụng đúng mà các công trình nghiên cứu khoa học chân chính không được sử dụng vào kinh tế-xã hội, không mang lại lợi ích gì cho đất nước. Khi giới trí thức không có điều kiện đóng góp tối đa thì con đường phát triển của đất nước sẽ khó khăn hơn. Do vậy, điều tôi muốn nhấn mạnh là công tác cán bộ của chúng ta cần phải xem xét lại, tổ chức lại" - TS. Đào Mạnh Tiến nhận định.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét