Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021
Quyền con người trên không gian mạng ở Việt Nam luôn được đảm bảo
Nâng cao nhận thức về quyền con người, tuyên truyền kiến thức về quyền con người, nhất là trên không gian mạng, có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức xã hội, phòng ngừa vi phạm và giúp người dân biết cách tự bảo vệ quyền và tự do của bản thân, đồng thời tôn trọng quyền và tự do của người khác phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của các chuẩn mực trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người.
Luôn nghiêm túc trong vấn đề nhân quyền
Tại hội thảo thông tin về Kế hoạch tổng thế thực hiện các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ 3 mà Việt Nam chấp thuận được tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Chí Thành, Phó Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, xuyên suốt cả 3 chu kỳ UPR trong hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận. Tham gia cơ chế UPR, Việt Nam không chỉ thể hiện vai trò, trách nhiệm của một nước thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ), mà còn tận dụng cơ chế này thông tin cho cộng đồng quốc tế về chính sách, pháp luật, thành tựu của Việt Nam về quyền con người; khẳng định cam kết của Việt Nam và học hỏi kinh nghiệm của bạn bè quốc tế để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, nâng cao mọi mặt đời sống cho người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.
Quá trình tham gia UPR, Việt Nam cũng có những cách làm, sáng kiến hiệu quả; mà tiêu biểu là việc xây dựng các kế hoạch tổng thể nhằm triển khai các khuyến nghị mà Việt Nam được chấp thuận. Việt Nam đã chấp thuận 241 trong tổng số 291 khuyến nghị mà các quốc gia đưa ra, đạt tỷ lệ gần 83%, gồm những nội dung quan trọng, toàn diện của công tác bảo đảm quyền con người, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, các biện pháp bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, cũng như các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và tăng cường thể chế bảo vệ quyền con người và các vấn đề mới đặt ra về di cư, biến đổi khí hậu, môi trường và phát triển bền vững.
Đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đều hoan nghênh nỗ lực bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật về quyền con người, nỗ lực không ngừng nâng cao đời sống cho người dân, bảo đảm an ninh xã hội, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận dịch vụ công, bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo, quyền tiếp cận thông tin… Nhiều nước cũng đánh giá cao sự tham gia nghiêm túc của Việt Nam trong tiến trình UPR nói chung và việc xem xét, chấp thuận các khuyến nghị nói riêng, đặc biệt là có các kế hoạch tổng thể để thực hiện các khuyến nghị.
Kế hoạch triển khai minh bạch
Nói cụ thể hơn về việc thực hiện cam kết phát triển thông tin, báo chí, không gian mạng Internet, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và truyền thông cho hay, Việt Nam vẫn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo các quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do Internet phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế Việt Nam đã cam kết; đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, quyền tiếp cận thông tin trên cơ sở Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan; tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn cho nhà báo.
Trong các năm qua, Việt Nam cũng có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đảm bảo tốt hơn các quyền của con người từ quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục... Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, bày tỏ chính kiến, kết nối chia sẻ quan điểm, tư tưởng ở Việt Nam được đảm bảo trên thực tế ngày càng tốt hơn.
“Hiện Bộ Thông tin và truyền thông, với chức năng quản lý nhà nước đã và đang tích cực nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp thực tiễn, góp phần đảm bảo hơn nữa các quyền của người dân trong thời đại công nghệ số như tham mưu trình Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản trong đó có: Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tăng cường phòng chống thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, đảm bảo môi trường thông tin lành mạnh trên không gian mạng; hoàn thiện, bổ sung các quy định bảo vệ quyền tác nghiệp hợp pháp của phóng viên; bảo vệ thông tin cá nhân và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên không gian mạng”.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia trên thế giới đang triển khai Luật An ninh mạng. Sau gần ba năm có hiệu lực thi hành, những quy định về bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng của Luật An ninh mạng của Việt Nam đã đi vào đời sống, góp phần làm lành mạnh thông tin trên thế giới ảo, tạo sự tương tác tốt trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Luật An ninh mạng của Việt Nam kiên định vấn đề có tính nguyên tắc là các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ, khai thác dịch vụ nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế về nhân quyền bởi ngay cả luật pháp quốc tế cũng có những điều khoản quy định quyền con người gồm: quyền tuyệt đối, quyền tương đối và quyền bị hạn chế.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét