Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021
Sài Gòn ‘kỳ cục’
Hay tin tôi chuyển về quận Tư sống, người bạn lo lắng, “Sao liều thế? Dân quận Tư dữ dằn lắm”.
"Dữ thế nào?" - "Thì hồi xưa đâu ai dám đi qua quận Tư ban đêm, kiểu gì cũng bị giật đồ, thủng lốp xe, xin đểu, mua bán thì hay bị chặt chém. Toàn đàn em Năm Cam không hà". "Nhưng chủ nhà bảo giờ hết rồi" - "Thì mày cứ thử đi rồi biết".
Ngày đầu tôi mon men ra chợ Xóm Chiếu. Các bà, các chị chào hàng nhiệt tình, thanh long bao ngọt, sầu riêng bao ngon. Tôi hỏi mua cóc chín quầy chị Hằng.
Tôi quay lại vào tuần sau, thắc mắc, "sao chị lại bán đắt cho em gấp đôi chỗ khác?". Chị khuấy ly cà phê rổn rảng, không chút ăn năn, "lần này chị đền bù cho em để làm quen".
Lần khác tôi ghé nhà chị, đám đông ăn uống, hát hò náo động cả đoạn đường. Ông chồng vừa "dzô" vừa cầm micro "tình cha ấm áp như vầng thái dương". Là vì nhà bên có giỗ, chị giải thích. Tôi vẫn chưa hiểu: "giỗ là ăn uống hoành tráng vậy ạ?". "Tại nguyên băng đó" - "Băng gì ạ?" - "Băng giật đồ". "Trời đất ơi, em móc ví ra thế này có sao không?" - "Không, họ giật đồ bên quận Tám".
Tôi kể, em suýt bị giật đồ ngay đầu đường. "Ở quận khác sang đó, có phân chia địa bàn hết mà", chị vẫn tỉnh bơ, "chiện ai nấy lo cưng, lần sau em bị giật nói chị nhờ mấy đứa tìm lại cho".
Chúng tôi trở thành người quen. Tôi hay mang sách vở và đồ chơi cho mấy đứa con chị, giới thiệu bác sĩ để mẹ chị đi khám bệnh. Chị thỉnh thoảng gọi điện, "có mớ trái cây, chiều cưng đi làm về ghé lấy ăn giùm, chị không tính tiền". Nhiều chiều tối, chị để chồng trông hàng, đi một vòng xin thức ăn trong chợ, đem cho mấy chùa nuôi trẻ mồ côi, bạn bè tôi góp thêm càng vui.
Lần tôi gọi điện đặt trái cây đóng thùng gửi về Hà Nội, "chị đi từ thiện rồi cưng ơi". Sao đang bán hàng lại đi từ thiện, tôi thắc mắc. Là vì mỗi tháng hai ngày, rằm và đầu tháng, chị đi nấu đồ ăn phát cơm từ thiện.
Tháng nào chị và nhóm bạn cũng góp tiền, khi thì phát cơm cho người lang thang khắp các quận, khi thì giúp gia đình nào đó bĩ cực, khi thì đi các tỉnh Tây nguyên giúp gạo đồng bào nghèo. Tôi thấy nhà chị chưa đầy 20 mét vuông, một quầy hàng nuôi tới 5 miệng ăn, mẹ chị huyết áp tiểu đường, ba đứa con ít khi mặc đồ tươm tất. Anh chị đâu có dư dả. Nhưng mấy chục năm nay, "mình có nhiêu cho nhiêu em ạ".
Trước đây tôi vẫn nghĩ chỉ khi giàu rồi người ta mới làm từ thiện. Nhưng với nhiều người Sài Gòn, mình đỡ khó hơn người đã đủ để cho đi. Người phụ nữ trông có vẻ "bụi bặm" dạy tôi rằng, cuộc đời là phải giúp qua giúp lại.
Tôi đã "phải lòng" thành phố này như thế.
Không ngạc nhiên khi ở Sài Gòn bạn gặp một đại gia chuyên làm từ thiện đi xe cà tàng, dép tông, áo quần xuề xòa. Họ ít khi hỏi bạn kiếm được bao nhiêu tiền dù thân thiết. Họ cũng không đánh giá bạn qua cái xe bạn đi, điện thoại bạn dùng hay bộ quần áo bạn mặc. Họ chỉ đánh giá qua cách bạn cư xử với mọi người.
Những ngày Gò Vấp bị phong tỏa, bạn tôi đang chạy xe công nghệ, bỏ việc cùng những hàng xóm đi xin tiền, gạo, mắm muối, thịt, rau, lập quầy hàng 0 đồng ngay đầu đường có nhiều công nhân thuê trọ. Cả chục lao động chính trong gia đình bỏ việc, mải miết gom chỗ này, xin chỗ nọ, rồi đem tặng chỗ kia. Suốt hai tuần, mỗi ngày cậu chỉ ghé về nhà ngủ vài tiếng rồi lại đi giúp người.
Sài Gòn của những thùng trà đá miễn phí, thùng bánh mỳ "ai cần cứ lấy", những hiệp sĩ bắt cướp, quán cơm 2.000, quần áo 0 đồng, những chuyến xe nhân ái, những giao dịch "đưa nhiêu đưa" đang hoạt động hết công suất trong những ngày thành phố "bị thương" vì Covid-19.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Đầu lý giải, căn tính trên do Sài Gòn vừa là đô thị trẻ vừa là một bến cảng quốc tế mang tính hướng ngoại.
Sông Sài Gòn thông với biển, có xu hướng "mở" và luôn ảnh hưởng bởi thủy triều. Ngay từ 300 năm trước, Sài Gòn đã là thương cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế. Các chúa Nguyễn khi Nam tiến đã chiêu mộ người tứ xứ, từ Bắc Trung bộ đến miền Tây Nam bộ, khẩn hoang lập ấp, cùng với dân tộc bản địa Hoa, người Khmer, Chăm. Tất cả làm nên một Sài Gòn bộc trực mà dễ chịu.
Tuy dung nạp đủ loại người từ mọi nơi, nhưng sự pha trộn văn hóa gặp nhau ở một điểm: tinh thần hào sảng. Sài Gòn hấp dẫn bởi tính cách của cộng đồng.
"So sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực", ông Lý Quang Diệu nói cách đây hơn 60 năm, "Nếu bạn có thể tìm thấy nhóm người nào có thể làm được những gì mà Singapore đã đạt được, Sài Gòn là một nơi như vậy".
Xin đừng cười buồn vì đâu Sài Gòn chưa trở thành trung tâm kinh tế châu Á như Hongkong hay Singapore, vì sao con rồng cứ nằm trong trứng không chịu chui ra. Nó hợp với một bài báo khác.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Sài Gòn có tất cả các yếu tố để trở thành một siêu đô thị, trung tâm kinh tế của khu vực. Địa chính trị có một không hai ở trung tâm châu lục, thời tiết lý tưởng, giao thông thuận lợi cho trung chuyển hàng hóa, và đặc biệt là vốn con người.
Nếu nhìn về giá trị cộng đồng, căn tính của Sài Gòn có những ưu thế ít đại đô thị nào của châu Á có được. Người Sài Gòn sẵn sàng tiếp nhận cái mới, rạch ròi trong làm ăn và coi trọng sự cam kết. Nó là điểm cộng rất mạnh cho môi trường kinh doanh và giá trị cao về vốn xã hội.
Lòng tốt là một khoản đầu tư có tỷ suất sinh lời cao. Nó không bao giờ mất đi, mà nhân lên từ người này sang người khác, từ chỗ này sang chỗ khác. Xã hội không chỉ phát triển bằng số tiền được làm ra, nó lớn lên bằng tình người.
Tính cách con người là thứ có thể quy đổi ra GDP và ngoại tệ. Điều còn thiếu, chỉ có thể là một tầm nhìn và chiều sâu để dẫn dắt thành phố vươn lên tầm cao mới.
Thành phố này cũng còn đó, những góc tối, nạn cướp giật, bon chen. Nhưng thật khó để tìm thấy một xã hội hoàn hảo. Chúng ta mong muốn một xã hội dù chưa hoàn hảo song cộng đồng ấy chấp nhận, nâng đỡ lẫn nhau. Ta không thể đạt được tiến bộ kinh tế nếu chỉ có những cộng đồng thất bại, đầy những nghi ngờ.
Một cộng đồng thành công là nơi các cá thể cộng sinh mà không toan tính. Cốt lõi của văn minh là gì nếu không phải sự quý trọng con người? Và nó phải được tạo điều kiện để thực hành, để trở thành thói quen không bao giờ mất.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét