Vừa qua, trang The New York Times đã có bài viết về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, trong đó có đoạn nhấn mạnh: “Việt Nam từng tự hào đã ngăn chặn thành công dịch Covid-19. Tuy nhiên, may mắn của quốc gia này có thể đã hết khi phải đối mặt với đợt bùng phát dịch tại TP Hồ Chí Minh và sự xuất hiện của biến thể virus mới”.
Theo ngữ nghĩa tiếng Việt, “may mắn” là “gặp thuận lợi” hay “được dịp tốt” đối với một việc gì đó. Vậy trong cuộc chiến với dịch Covid-19, Việt Nam có thực sự may mắn?
Trước hết, về mặt địa lý, Việt Nam liền kề với Trung Quốc-nơi được coi là điểm khởi phát dịch Covid-19 và chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch này; vì thế, ban đầu, cộng đồng quốc tế nhận định Việt Nam là quốc gia có nguy cơ cao bùng phát dịch Covid-19. Nền kinh tế Việt Nam cũng có độ mở rất lớn, với lượng người xuất, nhập cảnh cao. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi, nguy cơ virus SARS-CoV-2 xâm nhập rất đáng báo động. Thứ nữa, dù trong nhiều năm qua, hệ thống y tế của Việt Nam đã được đầu tư, nâng cấp đáng kể nhưng vẫn thiếu đồng bộ... Việt Nam bước vào cuộc chiến với đại dịch Covid-19 với nhiều nguy cơ và muôn vàn khó khăn thách thức.
Ngay từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, Đảng, Nhà nước ta đã xác định, nếu để dịch lây lan mạnh ở Việt Nam thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế, ngày 5-2-2020, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã cho biết, chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan điểm nhất quán của Chính phủ. Cùng đó, Việt Nam đã sớm thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; phát động toàn dân, toàn quân “chống dịch như chống giặc”.
Những giai đoạn tiếp sau, với mục tiêu bảo đảm sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đã có những quyết sách, chiến lược, chỉ đạo sáng tạo, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ Việt Nam triển khai nhiều biện pháp kịp thời, quyết liệt; tổ chức khoanh vùng, dập dịch, truy vết người tiếp xúc với nguồn bệnh trong phạm vi phù hợp; kiểm soát chặt chẽ người bên trong các khu vực phong tỏa, cách ly những người lây nhiễm và tiếp xúc gần một cách hiệu quả; Bộ Y tế đã đưa ra thông điệp “5K”, rồi “5K + vaccine”, kêu gọi mỗi người dân Việt Nam cùng thực hiện, chung sống an toàn với đại dịch...
Như vậy, thực tế, việc phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam là một quá trình hoàn toàn chủ động và trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương, đến từng người dân trong toàn xã hội. Những giải pháp và kết quả ứng phó với dịch Covid-19 của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, WHO và nhiều quốc gia ghi nhận, đánh giá cao. Dù đợt lây lan dịch Covid-19 lần thứ tư này phức tạp và nguy hiểm hơn 3 đợt trước, song với những kinh nghiệm đã tích lũy được cùng sự chủ động, nỗ lực dập dịch, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy lùi dịch bệnh.
Từ thực tiễn đó, việc ai đó cho rằng Việt Nam may mắn trong phòng, chống dịch Covid-19 là hoàn toàn không khách quan, thậm chí tiêu cực, gây ảnh hưởng tới cuộc chiến chống dịch Covid-19 toàn cầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét