Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Thí sinh bất ngờ trước quyết định điều chỉnh thi vào lớp 10

Nhận thông báo Hà Nội điều chỉnh lịch thi vào lớp 10 công lập chiều 2/6, Võ Lương Vinh, học sinh lớp 9, trường THCS Sài Đồng, quận Long Biên, cảm thấy bất ngờ. Thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có ba thay đổi chính là lùi 2 ngày thi, giảm thời gian thi từng môn và có phương án riêng cho thí sinh F0, F1, F2. Nam sinh không lăn tăn nhiều về ngày thi thay đổi cũng như đặc cách, xét tuyển khoảng 150 bạn thuộc diện F vì số này không nhiều so với tổng số 67.000 thí sinh vào trường công lập. Điều khiến Vinh bất an nhất là việc giảm 15-30 phút thời lượng làm bài đồng nghĩa cấu trúc đề thi và cách phân bố điểm sẽ khác. Từ đầu năm, nam sinh và các bạn đã làm quen và ôn luyện theo cấu trúc đề cũ, tức là Văn, Toán mỗi môn 120 phút, Tiếng Anh 60 phút, gần đây ôn thêm Lịch sử. Vinh e ngại việc đề thi rút ngắn và điểm mỗi câu nhiều hơn có thể không phân loại được học lực của thí sinh. Nam sinh tự đánh giá lực học tương đối đều, điểm dao động 8-9 ở cả bốn môn. Việc giảm số lượng câu hỏi từ 40 xuống 30 và thời gian làm bài từ 60 xuống 45 phút khiến Vinh lo ngại số câu trắc nghiệm ngữ pháp tiếng Anh, phần em tự tin nhất, cũng giảm đi, ảnh hưởng tới kết quả toàn bài. Vinh chia sẻ hầu hết bạn bè của em cũng sốc khi mới nghe tin. "Tuy nhiên, sau một đêm suy nghĩ, được giáo viên và bố mẹ động viên, em đã bình tĩnh hơn. Dịch bệnh xảy ra không ai mong muốn, việc điều chỉnh các quy định thi cử cũng là bất đắc dĩ", Vinh nói. Sáng 3/6, Vinh đã vạch thêm chiến lược ôn thi cho mình. Mục tiêu là đỗ trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên, trường có điểm chuẩn cao so với mặt bằng chung, em sẽ tăng cường ôn luyện thêm các câu khó và cải thiện thời gian làm câu dễ. Ngoài ra, Vinh cũng chủ động tìm kiếm dạng đề thi vào lớp 10 với thời gian 90 phút để luyện tập tại nhà. Cũng như Vinh, Ngân Hà, học sinh lớp 9 một trường THCS tại quận Đống Đa, ban đầu cảm thấy hoang mang trước việc thay đổi thời gian làm bài. Để chắc chắn, em đọc thông tin tại rất nhiều tờ báo uy tín và tự động viên bình tĩnh, điều chỉnh kế hoạch ôn tập để thích nghi. Nữ sinh đánh giá, việc thay đổi cách phân bổ điểm giữa các câu và rút ngắn đề chỉ 10 ngày trước kỳ thi có thể không tạo ra sự phân hóa tốt. Với em, môn đáng ngại nhất là Toán, thường chỉ làm được 6,5-7,5 điểm. Hà cảm thấy những thí sinh chấp chới ở mức 7 điểm như mình rất dễ "sảy chân" nếu không cẩn thận hoặc có chiến lược làm bài hợp lý. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, em cho rằng đề thi sẽ không làm khó thí sinh vì chỉ vài ngày nữa là thi (ngày 12-13/6). Mục tiêu của Hà là trường THPT Đống Đa với điểm chuẩn năm ngoái là 35, mức không quá cao so với sức học của em. "Những ngày tới, chiến thuật của em là luyện nhiều bài tập cơ bản để lấy trọn vẹn điểm các phần dễ và chuẩn bị tinh thần thoải mái để đi thi", Hà nói. Không chỉ thí sinh, phụ huynh có con đang học lớp 9 cũng bất ngờ trước phương án thi được UBND Hà Nội chốt hôm qua. Chị Lê Vân (41 tuổi, quận Hà Đông) chưa từng nghĩ đến việc thành phố sẽ giảm thời lượng môn thi mà đinh ninh sẽ bỏ môn thứ tư hoặc lùi lịch thi đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Chị cho biết, ngay cả giáo viên của con cũng chưa từng có bất kỳ khuyến cáo nào về việc thay đổi thời gian làm bài. Thế nhưng, bà mẹ này cho rằng ở năm học đặc biệt này, mọi chuyện đều có thể xảy ra, buộc nhà trường, phụ huynh và học sinh phải thích nghi. Con trai chị, học sinh giỏi 4 năm THCS, tỏ ra thất vọng hơn mẹ. Em cho rằng điều chỉnh nên được đưa ra sớm hơn bởi rút ngắn thời gian làm bài tức là thay đổi cấu trúc đề thi. Nếu được thông báo sớm, học sinh sẽ có nhiều thời gian để ôn luyện theo cấu trúc mới. Hiện, em lo lắng nhất môn Ngữ văn bởi số lượng câu hỏi giảm đi, nhưng thí sinh vẫn phải viết những đoạn văn, bài văn. Việc hoàn thành những phần này trong 90 phút là áp lực lớn. Để động viên con, chị Vân phải bảo "khó thì khó chung và dễ thì dễ chung", khuyên con không quá lo lắng, tiếp tục ôn luyện các phần kiến thức chưa chắc chắn, đồng thời luyện làm đề theo cấu trúc 90 phút. Trong hôm nay, giáo viên ở trường cũng sẽ gửi một số đề theo hướng giảm tải, phù hợp với thời gian làm bài để học sinh ôn tập. "Tôi hy vọng không có bất kỳ điều chỉnh nào vào phút 89 nữa, kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch để các con sớm được nghỉ ngơi sau một năm học quá nhiều biến động", chị Vân chia sẻ. Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa), cho biết ngay khi có thông tin về điều chỉnh thi vào lớp 10, nhà trường đã truyền thông đến phụ huynh để họ hiểu việc này là có lợi cho học sinh trong phòng chống Covid-19 và phù hợp với thời tiết nắng nóng. "Hiện phụ huynh trong trường đã được ổn định về tâm lý và học sinh cũng đã sẵn sàng thích nghi với thay đổi", thầy Cường nói. Nhà trường đã điều chỉnh cấu trúc và thời lượng làm bài thi thử vào lớp 10 đợt ba để học sinh tập luyện trước. Đúng theo lịch cũ, sáng nay các em thi thử môn Ngữ văn và Ngoại ngữ, sáng mai thi Toán và Lịch sử nhưng thời gian làm bài các môn đã giảm 15-30 phút theo đúng quy định mới. Với cấu trúc đề, môn trắc nghiệm được trường điều chỉnh từ 40 xuống còn 30 câu theo hướng bớt câu hỏi từng cấu phần trong đề chứ không bỏ dạng bài nào. Sau đợt thi thử này, thầy cô bộ môn sẽ có buổi chia sẻ, rút kinh nghiệm cho toàn bộ học sinh nhằm chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho các em. Nhà trường cũng sẽ họp trực tuyến với tất cả phụ huynh và học sinh lớp 9 để phổ biến vấn đề liên quan đến kỳ thi từ giấy báo dự thi, địa điểm thi, làm thủ tục thi trực tuyến... "Với những chuẩn bị trên, tôi tin trường THCS Thái Thịnh và nhiều trường THCS khác không gặp nhiều trở ngại", thầy Cường nói. Trước đó tối 2/6, UBND TP Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc điều chỉnh thời gian thi vào lớp 10. Ngoài muộn hơn hai ngày so với kế hoạch ban đầu (từ 10-11/6 sang 12-13/6), thời gian làm bài cũng thay đổi, môn Ngữ văn và Toán giảm từ 120 phút xuống còn 90 phút, Ngoại ngữ và Lịch sử từ 60 xuống còn 45 phút. Việc này giúp thí sinh có nguyện vọng vào các trường THPT công lập không chuyên chỉ phải thi trong hai buổi sáng 12-13/6, thí sinh thi chuyên thi thêm ngày 14/6, chương trình song bằng thi ngày 15-16/6. UBND TP Hà Nội cũng đồng ý phương án tuyển thẳng thí sinh thuộc diện F0, F1 và xét tuyển với thí sinh F2. Năm nay, Hà Nội có hơn 93.300 thí sinh thi để cạnh tranh lấy hơn 67.000 suất vào lớp 10 công lập. Số thí sinh không trúng tuyển sẽ học trường ngoài công lập, trường THPT công lập tự chủ tài chính, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và học nghề.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét