Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021
Tiêm phòng COVID-19: Khẩn trương, những không cẩu thả!
Cùng với thực hiện tốt quy tắc "5K" thì chiến lược vaccine được xác định là "chìa khóa" để nước ta chiến thắng đại dịch COVID-19. Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ tháng 7 tới, lượng vaccine phòng COVID-19 nhập về nước ta sẽ tăng mạnh, theo đó số lượng người được tiêm phòng cũng sẽ tăng nhanh.
hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chiến dịch tiêm phòng COVID-19 với hơn 830.000 liều. Các địa phương trên cả nước cũng vừa nỗ lực tổ chức tiêm phòng hết số lượng vaccine đã được phân bổ, vừa tích cực chuẩn bị để sẵn sàng triển khai rộng rãi công tác tiêm phòng ngay sau khi nhận được vaccine trong những đợt phân bổ tiếp theo.
Chiến dịch tiêm phòng COVID-19 lần này là chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử nước ta.
Việc tiêm phòng COVID-19 được Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai hết sức cẩn trọng, theo quy trình chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho người được tiêm.
Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm phòng COVID-19, ngành y tế đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, đặc biệt, ngày 19/6 vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn về quy trình và bảo đảm an toàn tiêm phòng COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước theo nguyên tắc “an toàn - thận trọng - thực hiện từng bước-tăng cường tối đa độ bao phủ”.
Thực tế cho thấy, nhờ sự quyết liệt, trách nhiệm cao của các bộ, ngành chức năng và các địa phương, việc tiêm phòng COVID-19 thời gian qua đã bước đầu thành công, mang lại hiệu quả tích cực, được dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy vậy, trong tổ chức thực hiện cũng còn những hạn chế, thiếu sót. Đã có tình trạng do sơ suất nên một người "bị" tiêm hai mũi chỉ cách nhau 30 phút; có người mắc bệnh nền nhưng chưa được khám sàng lọc, tư vấn đã được đưa vào tiêm... Có thể đây chỉ là hiện tượng cá biệt và chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm để không lặp lại tình trạng tương tự. Bởi sơ suất trong tiêm phòng COVID-19 không những có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dân mà còn gây dư luận xấu, tạo tâm lý ngại tiêm vaccine, ảnh hưởng đến "cuộc chiến" phòng, chống dịch.
Phân tích các sự cố nêu trên thì thấy nguyên nhân chủ yếu là do khâu tổ chức tiêm phòng chưa thực sự khoa học, chặt chẽ, cẩn thận, tỉ mỉ, trong khi lượng người đến tiêm đông, áp lực bảo đảm thời gian, tiến độ nên dẫn tới sơ suất.
Thời gian tới, việc tiêm phòng COVID-19 không chỉ diễn ra tại bệnh viện mà còn được triển khai tại điểm tiêm ở tất cả các xã, phường; các điểm tiêm chủng lưu động tại nhà máy, xí nghiệp, trường học... Đây là những địa điểm mà cả cơ sở vật chất cũng như nhân lực đều không thể được như ở bệnh viện, vì vậy công tác bảo đảm an toàn càng phải được chú trọng.
Để làm được điều này, bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo, tăng cường lực lượng và tổ chức tập huấn kỹ càng, đầy đủ cả về chuyên môn và khâu tổ chức, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là sổ "sức khỏe điện tử" trong tiêm chủng nhằm tạo thuận lợi cho người dân, tránh tình trạng ùn ứ, xếp hàng chờ đợi. Đặc biệt, không thể không nói tới ý thức trách nhiệm của người được tiêm. Nếu mỗi người nắm chắc quy trình tiêm chủng, tự giác thực hiện và yêu cầu nhân viên y tế thực hiện đúng quy trình thì sẽ góp phần quan trọng vào thành công của chiến dịch tiêm chủng./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét