Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 


Theo Hồ Chí Minh, tự do tín ngưỡng, tôn giáo có quan hệ hữu cơ với vận mệnh dân tộc vì “nước có độc lập thì tôn giáo mới được tự do”. Sự nghiệp giải phóng dân tộc nhằm mục tiêu tối cao là đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào, trong đó có tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu không đạt mục đích ấy thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền lợi của người dân trong một nước tự do, độc lập, đồng thời là nhân tố để thực hiện đoàn kết dân tộc. Từ đó, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh phải nhất quán và triệt để thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn xuất phát từ lòng khoan dung, tôn trọng đức tin của mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “ Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Gia tô tin ở Đức chúa Trời; cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng” [1]. Người chỉ ra rằng “Tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật”[2], chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa duy vật khác nhau, rõ ràng là thế, nhưng không vì vậy mà bài xích, nghi kỵ nhau; ngược lại, phải tôn trọng đức tin của mỗi người.

Một xuất điểm khác nữa để Hồ Chí Minh đề cao việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một giá trị phổ quát và tiến bộ của nhân loại. Là người bôn ba khắp năm châu bốn bể tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu tinh hoa của văn hóa nhân loại, chọn lọc và tiếp nhận, phát huy những giá trị phổ quát nhất, tiến bộ nhất trong xã hội hiện đại để phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, tự do tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu của nhân dân, là quyền con người không ai được xâm phạm. Đồng thời là một trong những mục tiêu của cách mạng Việt Nam.

Với tư tưởng như vậy, trên thực tế Người luôn nhất quán trong tư tưởng và hành động. Năm 1945, chỉ một ngày, sau khi nước nhà độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Người đã khẳng định việc thực hiện chính sách tôn trọng tự do tôn giáo, đoàn kết lương giáo là một trong sáu vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, Người nói: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết”[3]. Nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, trên thực tế Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo soạn thảo và ký ban hành sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1965 về vấn đề tôn giáo. Sắc lệnh gồm 5 chương, 16 điều, quy định chi tiết, cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Nội dung của Sắc lệnh phù hợp với tinh thần của Công pháp quốc tế hiện hành và được đồng bào có đạo nhiệt tình ủng hộ, đón nhận…



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H2014, t4,tr169

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H2011, t8,tr200

 

 

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H2011, t4,tr8

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét