Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021
TP HCM tăng test nhanh kháng nguyên
TP HCM thí điểm test nhanh kháng nguyên tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các ổ dịch, chuỗi lây nhiễm phức tạp.
Thông tin được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nêu tại họp ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của thành phố, ngày 28/6. Theo đó, thành phố sẽ tầm soát diện rộng quanh các khu cách ly, phong toả, các điểm có nguy cơ cao.
Tính đến ngày 28/6, thành phố đã sử dụng 30.000 test nhanh kháng nguyên. Thành phố tiếp nhận 80.000 test nhanh từ Hà Nội chuyển vào, ngày 27/6. Hiện, ngành y tế đã bổ sung và cung cấp cho các đơn vị quận, huyện 132.000 test.
Ông Phong yêu cầu ngành y tế cần tăng cường năng lực xét nghiệm, xử lý và trả kết quả xét nghiệm nhanh. Phải tập huấn tốt và tuân thủ các biện pháp an toàn cho những người đi xét nghiệm. Thành đoàn TP HCM phải huy động sinh viên của các trường y, tổ chức thành những đội xét nghiệm dưới sự hướng dẫn của Sở Y tế để hỗ trợ cho các quận, huyện.
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cũng chỉ đạo ngành y tế đẩy nhanh tối đa tốc độ xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm. Xem xét lại việc tổ chức thực hiện của công tác xét nghiệm, trả kết quả xét nghiệm để nâng cao hiệu quả và tốc độ truy vết.
"Việc sử dụng test nhanh kháng nguyên được coi là giải pháp quan trọng góp phần hỗ trợ công tác truy vết, phát hiện trường hợp dương tính sớm", ông Nên nêu. "Cần mở chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn thành phố".
Ngành y tế cũng triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại khu cách ly tập trung của quận, huyện khu cách ly tập trung của thành phố, bên cạnh thực hiện xét nghiệm RT-PCR 5 ngày như quy định, nhằm phát hiện sớm để cách ly riêng, tránh lây lan.
Theo ông Phong, TP HCM trải qua ngày thứ 12 liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 lên đến ba con số mỗi ngày. Thành phố đã triển khai rất nhiều các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, thậm chí áp dụng một số biện pháp cao hơn chỉ thị 16. Tuy nhiên, số ca nhiễm hàng ngày vẫn còn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Ban chỉ đạo chống Covid-19 TP HCM thống nhất sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên quét ngay tại vùng có ổ dịch, áp dụng đối với các trường hợp tiếp xúc gần sau khi có kết quả nếu dương tính, sẽ cách ly ngay, sử dụng RT - PCR mẫu đơn. Với người âm tính thực hiện xét nghiệm mẫu gộp một lần nữa.
Hiện, thành phố đã thành lập 1.000 đội lấy mẫu gồm 3.000 nhân viên y tế, 6.000 sinh viên y khoa. Trong đó, 600 được được chia về quận huyện, 400 đội còn lại sẵn sàng điều phối ở các ổ dịch mới phát sinh.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM đang phối hợp với Viện Pasteur TP HCM, Viện Y tế công cộng dựa trên số liệu các ca nhiễm, đánh giá những vùng dịch tễ để lập bản đồ dịch tễ các ổ dịch tại quận, huyện. Từ đó, có những đề xuất phương án tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm cũng như quyết định khu vực nào cần phong tỏa, xét nghiệm tầm soát diện rộng hơn để ngăn chặn sự phát tán của dịch bệnh.
Test nhanh kháng nguyên ưu điểm là thuận tiện khi sử dụng, cho kết quả nhanh trong vòng 30 phút và có thể sử dụng ở ngoài phòng xét nghiệm, nhưng khả năng chính xác thì không bằng phương pháp RT-PCR.
Ngược lại, RT-PCR độ chính xác rất cao, là kết quả khẳng định, nhưng cần 4 đến 6 giờ mới có kết quả. Phương pháp test nhanh không phải là xét nghiệm khẳng định nhưng nó góp phần hỗ trợ nhanh trong việc giám sát, phát hiện trường hợp nghi ngờ.
Thành phố đang tăng tốc xét nghiệm 500.000 mẫu mỗi ngày, từ ngày 26/6 đến 5/7 nhằm chủ động đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng, theo hình thức mẫu gộp 10, gộp 15. Hiện, thành phố kết hợp test nhanh kháng nguyên, RT-PCR mẫu đơn và mẫu gộp, tùy từng trường hợp và khu vực, nỗ lực trả kết quả xét nghiệm nhanh để khống chế dịch một cách nhanh nhất, không để chậm trễ dẫn đến lây lan.
Xét nghiệm trên diện rộng, nhất là xét nghiệm nhanh, được nhiều chuyên gia và Bộ Y tế đánh giá là chiến thuật quan trọng nhất để phát hiện, khoanh vùng và dập dịch hiệu quả. Phương án test nhanh kháng nguyên từng được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long quyết định sử dụng thay thế phương thức xét nghiệm RT-PCR, từ chiều 25/5, trong bối cảnh số ca nhiễm tại Bắc Giang tăng cao và khoảng 15.000 người đang chờ xét nghiệm.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét