Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Trung Quốc sẽ khai thác khí ngoài Biển Đông: Những lo ngại đối với các quốc gia trong khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam

 

Trung Quốc sẽ khai thác khí ngoài Biển Đông: Những lo ngại đối với các quốc gia trong khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam

Thời báo Hoàn Cầu mới đây dẫn nguồn từ Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết, giàn khai thác "Biển sâu số 1" nặng hơn 100.000 tấn do công ty này sản xuất sẽ được kéo ra Biển Đông để khai thác khí tự nhiên ngay trong tháng 6 này.

Khu vực dự tính đặt giàn khoan là khu vực Lăng Thủy gồm các lô dầu khí Lăng Thủy 17-2, Lăng Thủy 25-1, Lăng Thủy 18-1 và Lăng Thủy 18-2, nằm cách đảo Hải Nam khoảng 150km.

 PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có bài viết nêu quan điểm riêng của mình về vấn đề này và cho rằng: Trung Quốc là một nước lớn nhìn cả từ cấp độ phát triển và cả về dân số, kéo theo là nhu cầu tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, lương thực, thực phẩm và năng lượng,... Họ đều đứng đầu thế giới.

Trong kỷ nguyên của hội nhập quốc tế với việc gia tăng sử dụng công nghệ cao thì nhu cầu về năng lượng lại ngày càng lớn. Vì thế, Trung Quốc đã hình thành chiến lược để giải quyết vấn đề này và chưa bao giờ có ý định lùi bước trước cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu kéo dài. Thậm chí, Trung Quốc còn tận dụng các cơ hội và giải pháp thúc đẩy hơn nữa miễn sao giành được nhiều nguồn năng lượng về mình.

Biển Đông là một mặt trận để Trung Quốc thực hiện ý đồ đó trong khuôn khổ của mục tiêu “kép”: tiếp cận tài nguyên biển và mở rộng tham vọng chủ quyền biển đảo. Cho nên, động thái tuyên bố sẽ chính thức đưa giàn khoan "Biển Sâu số 1" tự sản xuất đi vào hoạt động ngoài Biển Đông từ tháng 6 năm 2021, của Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc lần này cũng không nằm ngoài ý đồ bao trùm nói trên.

Ngay từ năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 ở vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì Chủ tịch CNOOC khi đó đã ngang nhiên tuyên bố, các giàn khoan nổi/cố định của Trung Quốc không chỉ để hút dầu mà còn như một cái gọi là “cột mốc chủ quyền” trên biển của họ.

Và cần nhắc lại rằng, khu vực biển Lăng Thủy này cũng nằm trong vùng chồng lấn gây tranh cãi từ năm 2014, và lần này lặp lại, Trung Quốc không thể che đậy được ý đồ “độc quyền khai thác tài nguyên” trước khi “độc chiếm Biển Đông” mà họ đã định vị bằng “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) phi lý. Các thách thức về an ninh khu vực Biển Đông liên quan đến giàn khoan này sẽ có thể gia tăng căng thẳng, khiến cho tình hình Biển Đông lại một lần nữa rơi vào thế bất ổn.

Mặt khác, Trung Quốc đã chuẩn bị kịch bản cho một “chiến lược hướng nam” ở Biển Đông bằng các bước đi cụ thể hòng độc quyền khai thác tài nguyên, tiến lới độc chiếm khu vực biển quan trọng này như nói trên.

Họ đã đơn phương thực hiện các bước đi chiến lược, có thể tóm gọn, như: “Pháp lý hóa Biển Đông” bằng cách công bố “đường lưỡi bò” phi lý ra Liên hiệp quốc (2009); “Hành chính hóa/Dân sự hóa” Biển Đông bằng việc công bố cái gọi là “thành phố Tam Sa” (2012), và yêu sách “Tứ Sa” (2017); “Quân sự hóa” (2016) Biển Đông trên nền tảng các đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên các bãi cạn rạn san hô ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Phục vụ triển khai các bước đi chiến lược đó, Trung Quốc đã chuẩn bị khá tốt các giải pháp công nghệ tương ứng, và thực tế họ đã dùng công nghệ can thiệp xử lý kỹ thuật thành công đối với các trường hợp mà trước đây dự báo là không dễ dàng...

Dĩ nhiên, thời gian qua, các bước đi chiến lược nói trên của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các quốc gia trong khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam và thậm chí cả các quốc gia liên quan ngoài khu vực. Không có quốc gia nào chấp nhận trước những điều vô lý, trái với thông lệ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS-1982), và cũng không có quốc gia nào nhượng bộ về chủ quyền quốc gia, dân tộc. Không ai bỏ mất các quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia mình,...

Hơn lúc nào hết, các quốc gia trong khu vực phải duy trì nhận thức chung, đặc biệt là các cường quyền chính trị nước lớn phải kiềm chế, thể hiện thiện chí, gương mẫu và biết tôn trọng các quốc gia khác, tôn trọng luật pháp quốc tế. Lúc này cần sự đoàn kết giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là ASEAN để khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, bao gồm Biển Đông.

Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động có những đóng góp quan trọng trong giải quyết các thách thức trong khu vực Biển Đông, trong đó có những thách thức an ninh. Chúng ta cũng đã chứng minh được với bạn bè quốc tế về cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình và giải quyết nhiều vấn đề trên biển cả ở cấp độ đa phương và song phương. Việt Nam có quyền tự hào về những đóng góp của mình cho nền hòa bình khu vực, cho sự thịnh vượng của đất nước và cho cuộc sống yên bình của nhân dân, đặc biệt trong chống lại đại dịch Covid-19, bảo đảm mục tiêu kép.

Việt Nam xác định lợi ích quốc gia, dân tộc luôn là điều tối thượng. Trước sau như một, người Việt luôn thủy chung với bạn bè, hữu nghị với láng giềng; kiên trì, kiên định và tin tưởng vào đường lối đối ngoại và tiếp cận giải quyết hòa bình các vấn đề trên biển liên quan, nhưng kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tự cường dân tộc, độc lập tự chủ, đa phương hóa quan hệ ngoại giao, khôn khéo, linh hoạt trong từng trường hợp sẽ vẫn là những bài học giúp Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức. Lần này cũng sẽ vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét