Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Trung Quốc tập trận ở vịnh Bắc Bộ, rục rịch kéo giàn khoan lớn ra Biển Đông

 

Trung Quốc tập trận ở vịnh Bắc Bộ, rục rịch kéo giàn khoan lớn ra Biển Đông

Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) cho biết, nước này vừa tiến hành cuộc tập trận ở phía tây bán đảo Lôi Châu - khu vực vịnh Bắc Bộ.

Theo thông báo trên trang web của MSA hôm 2/6, cuộc tập trận diễn ra tại vùng biển có bán kính 6km từ tọa độ 21°14,87 vĩ bắc/109°32,75 kinh đông. Mọi tàu thuyền bị cấm đi lại trong khu vực vào thời điểm diễn ra tập trận.

MSA cho hay, từ đầu năm tới nay, Bắc Kinh đã lên kế hoạch hoặc thực hiện ít nhất 21 cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông, bao gồm cả 8 cuộc ở vịnh Bắc Bộ. Gần đây nhất, MSA hôm 25/5 thông báo cuộc tập trận bắn đạn thật ở vịnh Bắc Bộ từ 27-30/5.

Động thái mới diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thời báo Hoàn cầu dẫn thông báo từ Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hôm 29/5 cho hay sẽ đưa giàn khoan mới, lớn nhất thế giới ra Biển Đông để khai thác khí tự nhiên ngay trong tháng 6.

Theo CNOOC, giàn khoan "Biển sâu số 1" nặng hơn 100.000 tấn đã hoàn tất các công đoạn lắp đặt thiết bị và sẽ được kéo ra khu vực khí Lăng Thủy ngoài khơi đảo Hải Nam trong nửa đầu tháng 6. Giàn khoan bắt đầu khai thác trong tháng, ước tính mỗi năm có thể thu được 3 tỉ mét khối khí tự nhiên. 

Trung Quốc đã liên tục triển khai nhiều giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông. Không ít lần, họ sử dụng giàn khoan và tàu khảo sát địa chất như công cụ thúc đẩy yêu sách hàng hải phi pháp trong khu vực.

CNOOC cũng đồng thời là chủ sở hữu giàn khoan HD-981 từng xâm phạm vùng biển Việt Nam năm 2014. So sánh về kích thước, giàn "Biển sâu số 1" lớn gấp 3 lần HD-981 (chỉ nặng 30.000 tấn). Điều này cho thấy công ty đã không ngừng phát triển các giàn khoan, thiết bị mới.

Về các động thái của Trung Quốc gần đây, tại cuộc họp báo ngày 27/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, có đóng góp thiết thực, tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông cũng như tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét