Cho đến nay, hiệu quả thấy rõ từ những quốc
gia đã tiêm vaccine phòng Covid-19 diện rộng cho toàn dân khiến chúng ta có thể
khẳng định: Tiêm vaccine là lối thoát cho nhân loại trước hiểm họa của đại dịch
Covid-19.
Tuy nhiên, mong muốn có đủ vaccine để tiêm
cho toàn dân lại gặp thách thức lớn khi các quốc gia đang cạnh tranh quyết liệt
để mua từng lô vaccine phòng Covid-19 quý giá. Trong thời điểm này, việc nghiên
cứu, sản xuất ra vaccine phòng Covid-19 chính là một cách để thể hiện sức mạnh
quốc gia.
Thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo 3 kế hoạch
chiến lược hết sức đúng đắn để có vaccine phòng Covid-19 bao gồm: Mua vaccine,
nhận chuyển giao công nghệ và nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Càng
đáng mừng hơn khi việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước không chỉ dừng ở
mong muốn, hay định hướng chiến lược mà đã được các viện nghiên cứu, doanh nghiệp
dược trong nước tích cực thực hiện. Việc vaccine Nano Covax do Học viện Quân y
và Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học dược Nagogen phối hợp nghiên cứu đang được
thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm
y tế (IVAC) đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 2 đều cho hiệu quả chống
virus SARS-CoV-2 tốt và an toàn cho người thử nghiệm là những tin rất vui. Điều
đó cho thấy, Việt Nam đang hướng tới đích trong chiến lược tự chủ vaccine
Covid-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành phải tháo gỡ các
quy trình thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp về những quy định, quy chế để
việc sản xuất vaccine nội được thuận lợi nhất, đẩy nhanh tốc độ tới đích.
Tuy nhiên, vaccine là sản phẩm tác động trực
tiếp tới tính mạng, sức khỏe của con người nên việc nghiên cứu, sản xuất
vaccine phải cho ra những sản phẩm thực sự chất lượng, hiệu quả và an toàn.
Chính vì thế, bên cạnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu
việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 cần tuân thủ quy trình chặt chẽ,
an toàn, khoa học, hiệu quả để bảo vệ sức khỏe người dân. Nghĩa là các thủ tục
hành chính cần được đẩy nhanh lên, bỏ qua những thứ rườm rà, không cần thiết, nhưng
không có nghĩa các yêu cầu về an toàn, hiệu quả bị bỏ qua. Tăng tốc tự chủ
vaccine luôn phải gắn chặt với vấn đề an toàn và hiệu quả thực sự. Vừa qua, Bộ
Y tế đã cho phép triển khai khẩn trương việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với
vaccine Nano Covax đối với 13.000 tình nguyện viên. Đây là một động thái đáng
hoan nghênh, cho thấy việc triển khai thử nghiệm vaccine khẩn trương nhưng vẫn
bảo đảm các yêu cầu về an toàn sinh học. Càng thực hiện thử nghiệm lâm sàng
nghiêm túc, bảo đảm chất lượng tốt, độ an toàn cao, ít phản ứng phụ thì uy tín
của vaccine Việt Nam càng cao, không chỉ thuận lợi cho tiêm chủng trong nước mà
còn có thể đẩy mạnh xuất khẩu.
Càng sớm tới đích trong tự chủ vaccine phòng
Covid-19 thì Việt Nam càng sớm có cơ hội đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại
bình thường, vị thế quốc gia của Việt Nam được tăng cường. Dịch Covid-19 có thể
còn tồn lưu kéo dài trong đời sống của nhân loại. Cùng với đó, dịch bệnh này
như một lời nhắc nhở đối với chúng ta về một khía cạnh hết sức quan trọng trong
chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó là phải nâng cao tự chủ trong
ngành công nghiệp dược để bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Từ đó, cần phải có những
chính sách thu hút tốt, có những đầu tư thỏa đáng để từng bước vươn lên làm chủ,
phát triển công nghệ sinh học, công nghệ dược. Có như vậy, chúng ta sẽ không bị
động, bất ngờ trước những rủi ro dịch bệnh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét