Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, thực sự “là đạo đức, là văn minh”, giữ vững vai trò lãnh đạo với sự nghiệp cách mạng, Người nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải luôn đề cao “tự phê bình và phê bình”. Trước lúc “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác”, Người đã để lại bản Di chúc thiêng liêng có ý nghĩa to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhất là đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
1. Trong bản Di chúc
viết năm 1965, trước hết, Người nói về Đảng trong đó đề cập đến ba vấn đề trọng
đại: Một là, vấn đề đoàn kết trong Đảng. Hai là, vấn đề tự phê bình và phê bình
trong Đảng. Ba là, vấn đề đảng cầm quyền. Đây là ba vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa
đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Vấn đề tự phê bình
và phê bình trong Đảng, được Người đặc biệt quan tâm, Người căn dặn: “Trong Đảng
thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê
bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Nghiên cứu, quán triệt và vận dụng những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự
phê bình và phê bình trong Di chúc có ý nghĩa giá trị sâu sắc đối với công tác
xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong giai đoạn cách mạng hiện nay, góp phần
thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Tự phê bình và phê
bình là nhu cầu nội tại của tổ chức đảng và đảng viên, song muốn tự phê bình và
phê bình phát huy được tác dụng, hiệu quả, đòi hỏi phải thực hành một cách thường
xuyên, nghiêm túc; nếu không thực hành thường xuyên, nghiêm túc thì dù đó là vũ
khí sắc bén cũng không tiêu diệt được “kẻ thù”, dù có là “thần dược” cũng không
trị được bệnh trong mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Vì vậy, trong Di
chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê
bình và phê bình”.
Trong Di chúc, Chủ tịch
Hồ Chí Minh chỉ rõ trong Đảng cùng với việc thực hành dân chủ thì “tự phê bình
và phê bình là cách tốt nhất” để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất
của Đảng, góp phần xây dựng Đảng thành một khối thống nhất, vững mạnh về tư tưởng,
chính trị và tổ chức; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu,
hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng vẻ vang mà nhân dân tin yêu giao phó. Đảng Cộng
sản Việt Nam ra đời từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thuộc địa nửa phong kiến,
chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng phong kiến, thực dân. Đội ngũ đảng viên của
Đảng phần đông xuất thân từ nông dân và nhiều giai tầng khác nhau, mang theo những
đặc điểm tư tưởng, tâm lý, lối sống khác nhau, dễ nảy sinh những mâu thuẫn
trong Đảng. Đó không phải là mâu thuẫn đối kháng, nhưng là nguy cơ gây mất đoàn
kết, không tập trung, thống nhất được tư tưởng, trí tuệ trong Đảng. Mặt khác, Đảng
ta là đảng cầm quyền “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, đảng viên có
chức, có quyền nếu không nghiêm túc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng rất dễ
nảy sinh những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, độc
đoán, chuyên quyền, gia trưởng, quan liêu, xa rời quần chúng… Đảng viên cũng là
con người, không phải là thánh thần, có hoạt động thì khó tránh khỏi sai lầm,
ai cũng có cái tốt, cái xấu, chỉ khác nhau ở chỗ nặng hay nhẹ và trạng thái biểu
hiện của nó, nhưng đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người
cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu.
Muốn vậy cần tiến hành tự phê bình và phê bình ráo riết, thường xuyên. Chủ tịch
Hồ Chí Minh chỉ rõ: một Đảng mà dấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng,
“một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu
mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi
cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn,
chân chính”.
Trong khi thực hành
tự phê bình và phê bình phải có thái độ kiên quyết không khoan nhượng. Chủ tịch
Hồ Chí Minh cho rằng: “Tự phê bình và sữa chữa có khi dễ, nhưng có khi cũng khó
khăn, đau đớn vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác. Đó là một cuộc
đấu tranh”. Vì thế thực hiện tự phê bình và phê bình “ta phải tự phê bình ráo
riết, và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng
chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau”. Tự phê bình và phê bình phải đúng
mức, thật thà không nể nang, không thêm bớt, không hình thức, hời hợt, quanh
co, chiếu lệ... Trên thực tế những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham
ô, tham nhũng, hủ hóa, vi phạm tư cách đảng viên, suy cho cùng nguyên nhân là
do không thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và tiếp thu phê bình. Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã cảnh tỉnh nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của chúng ta
thì cũng như giấu diếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc để bệnh ngày
càng nặng thêm, nguy hiểm đến tính mệnh. Phát hiện càng sớm, điều trị bệnh càng
chóng khỏi; để bệnh nặng rất khó chữa, thậm chí có khi không chữa nổi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
cũng chỉ rõ một số biểu hiện chưa đúng trong tự phê bình và phê bình, đó là: “vẫn
có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo,
công thần, tự cao, tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê
bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh.
Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của
quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng. Họ không biết rằng: có hoạt động
thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm
sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng
nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và
không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị
quần chúng bỏ rơi”. Tất cả những hiện tượng trên là biểu hiện sự nhận thức chưa
đúng bản chất của tự phê bình và phê bình với tư cách là một nguyên tắc trong
sinh hoạt đảng.
2. Kiểm điểm thực hiện
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, thấy rằng, trong
những năm đổi mới, vấn đề tự phê bình và phê bình luôn luôn được đặt ra trong
các nghị quyết của Đảng. Tính từ Đại hội VI, Đại hội ghi dấu ấn đổi mới toàn diện,
đến này, Trung ương Đảng đã có các nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Đó là
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VI ngày 20-6-1988 “Một số vấn đề cấp
bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”; Nghị
quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa VII ngày 29-6-1992 “Về một số nhiệm vụ đổi mới
và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII ngày
2-2-1999 “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện
nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI ngày 16-1-2012 “Một số vấn đề cấp
bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII
ngày 30-10-2016 “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn
biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Các nghị quyết này đều đặt
vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng. Thông qua tự phê bình và phê bình mà
sửa chữa những khuyết điểm, phát huy ưu điểm, làm cho công việc tiến nhanh và
có hiệu quả.
3. Quán triệt, vận dụng
tư tưởng thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trong Di chúc của
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, mỗi đảng
viên và tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số giải pháp
sau:
Một là, thường xuyên
nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy đảng.
Tự phê bình và phê bình chỉ có thể đem lại hiệu quả thiết thực khi cấp ủy đảng
các cấp có nhận thức đúng và thường xuyên tổ chức thực hiện nghiêm túc ở cấp
mình. Nhận thức không đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của nguyên tắc tự phê
bình và phê bình tất dẫn tới việc thực hành tự phê bình và phê bình không thường
xuyên, nghiêm chỉnh, thậm chí buông lỏng, coi nhẹ hoặc hình thức, qua loa, chiếu
lệ… Để có nhận thức đúng và bảo đảm tự phê bình và phê bình được tiến hành thường
xuyên, nghiêm chỉnh, có chất lượng thì cấp ủy đảng cần quán triệt cho đội ngũ
cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung nguyên tắc tự phê bình và phê bình, hiểu rõ
lý do, mục đích, đối tượng, phương pháp, thái độ tự phê bình và phê bình theo
Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai là, thường
xuyên, nghiêm chỉnh thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng.
Mỗi tổ chức đảng và
mọi cán bộ, đảng viên cần coi tự phê bình và phê bình là chế độ thường xuyên, cần
nghiêm chỉnh thực hành như việc như rửa mặt mỗi ngày. Thường xuyên, nghiêm chỉnh
thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả nền nếp, chế độ sinh hoạt tự phê bình và
phê bình trong Đảng nhằm nâng cao tinh thần tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng;
kịp thời phát hiện, cảnh tỉnh, ngăn chặn những cán bộ, đảng viên có khuyết điểm.
Ba là, thường xuyên
phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu, cấp ủy viên và trách
nhiệm của các tổ chức quần chúng trong thực hành tự phê bình và phê bình.
Phát huy vai trò
gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên và người đứng đầu
trong thực hành tự phê bình và phê bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tự phê
bình và phê bình trong các tổ chức đảng cần tiến hành từ trên xuống dưới, từ
trong ra ngoài, từ cấp uỷ, người đứng đầu đến cán bộ, đảng viên. Cấp trên phải
gương mẫu kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá
nhân kiểm điểm sau; cấp uỷ viên và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo điểm điểm trước,
đảng viên kiểm điểm sau; cấp trên phải gương mẫu tự phê bình trước cấp dưới; cấp
dưới phải mạnh dạn phê bình cấp trên; tổ chức đảng và đảng viên phải lắng nghe
ý kiến phê bình của quần chúng. Định kỳ phải tổ chức cho quần chúng tham gia
đóng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Những ý kiến đúng phải
được tiếp thu và kiên quyết sửa chữa, những ý kiến chưa đúng phải giải thích
cho quần chúng hiểu. Bí thư và thủ trưởng đơn vị cần phải tiền phong, gương mẫu,
dám tự phê bình, dám nhận khuyết điểm trước tập thể, trước cấp trên, cấp dưới
và đồng cấp; thật sự tạo ra không khí cởi mở, khuyến khích động viên mọi cán bộ,
đảng viên, quần chúng mạnh dạn tự phê bình và phê bình.
Bên cạnh đó, cần
phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong cơ quan, đơn vị tham gia phê
bình tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Mọi hoạt động của tổ chức cơ sở đảng đều
được quần chúng nắm bắt, giám sát.
Bốn là, gắn tự phê
bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Tự phê bình và phê
bình cần kết hợp chặt chẽ với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Tự
phê bình và phê bình là một khâu của công tác kiểm tra, giám sát, là một trong
những phương pháp cơ bản khi tiến hành kiểm tra, giám sát. Tự phê bình và phê
bình tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác kiểm tra, giám
sát. Ngược lại, không làm tốt tự phê bình và phê bình thì công tác kiểm tra,
giám sát sẽ mang tính hình thức, không mang lại hiệu quả thiết thực.
Hơn nửa thế kỷ đã
qua đi, song Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên tính thời sự và
đang tiếp tục định hướng cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi đúng hướng.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần phải thường xuyên, nghiêm chỉnh nêu cao
tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Tư tưởng Hồ Chí
Minh vừa là vấn đề cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên của Đảng, là
vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng và giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Vũ
khí sắc bén này phải thường xuyên được sử dụng và mài dũa để có đủ khả năng
ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng hiện nay, góp phần quan trọng đưa sự
nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến thành công để hiện thực hóa mong muốn cuối
cùng của Bác đó là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước
Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng
đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét