Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Đừng cố tình bóp méo vấn đề dân chủ ở Việt Nam!

Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tuy nhiên thời gian qua, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng công nghệ hiện đại và cơ chế lan truyền để tung ra các thông tin xuyên tạc, sai trái về vấn đề dân chủ ở Việt Nam, gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống xã hội, trong đó có quan điểm cho rằng “một Đảng lãnh đạo sẽ không thực sự có dân chủ!”.

Những luận điệu của các thế lực thù địch ngày càng bộc lộ đầy đủ nhất những ý đồ chính trị đen tối nhằm tạo cớ cho sự hình thành các tổ chức chính trị phản động đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục hiện thực hóa chiến lược “diễn biến hòa bình” với kịch bản gây bất ổn chính trị – xã hội đi đến bạo loạn, lật đổ. Chúng tập trung tuyên truyền chống phá vấn đề dân chủ về cả lý luận và thực tiễn.

Về lý luận, các luận điệu sai trái, thù địch phủ nhận quan điểm của các nhà kinh điển Mác-Lênin về dân chủ khi cho rằng, quan điểm Mác-Lênin về dân chủ là sai lầm ngay từ “gốc”, từ việc lựa chọn thế quan duy vật, dựa trên nguyên lý nhất nguyên trong triết học dẫn tới một đảng phái đại diện cho một giai cấp về thể chế chính trị, một đảng lãnh đạo nên không tạo ra cơ sở khách quan cho việc thực hành và phát huy dân chủ. Từ đó, chúng cho rằng Việt Nam chỉ có thể có dân chủ khi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập (!).

Về thực tiễn, chúng cho rằng, Việt Nam duy trì chế độ một đảng sẽ đồng nghĩa với độc tài, không có tiếng nói đối lập sẽ cản trở quá trình phát triển của đất nước, chỉ có thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì Việt Nam mới có dân chủ thực sự, xã hội Việt Nam mới sánh kịp được với các quốc gia khác trên thế giới, mới có thể phát triển (!).

Vậy, “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” có phải lựa chọn duy nhất để có dân chủ thực sự và phát triển xã hội ở Việt Nam hay không?

Thực tiễn lịch sử phát triển của các nước trên thế giới cho thấy, việc thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không đồng nghĩa với việc sẽ có dân chủ thực sự hay không có dân chủ thực sự.

Dân chủ là một phạm trù có tính lịch sử, xuất hiện khi nhà nước xuất hiện và mỗi nền dân chủ đều gắn với nhà nước nhất định. Nó tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn lịch sử tương ứng. Bởi “quyền không bao giờ có thể ở mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định”[1]. Mỗi quốc gia có những đặc thù về trình độ phát triển, về kinh tế, về chính trị, về lịch sử…, do đó sẽ có những nền dân chủ khác nhau. Chính những điều kiện lịch sử đó quy định xu hướng dân chủ chứ không phải là cơ chế đa nguyên hay nhất nguyên, đa đảng hay một đảng quy định.

Vấn đề đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là vấn đề mới, nó xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử. Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại đã bàn đến sự đa nguyên về sự khởi nguyên của thế giới, sau đó vấn đề này được các nhà tư tưởng vận dụng trong phân tích về đa nguyên trong chính trị. Đến thời kỳ cận đại, khi giai cấp tư sản lên cầm quyền, vấn đề đa nguyên chính trị được luận bàn một cách phổ biến. Thế giới quan của chủ nghĩa đa nguyên là phủ nhận tính thống nhất của thế giới vật chất, cho rằng thế giới là sự kết hợp của các nguyên thể, các yếu tố, nhưng đã được cường điệu, thổi phồng cái riêng. Chủ nghĩa đa nguyên dựa trên cơ sở chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và cho đó là mẫu hình các nước phải tuân theo. Họ chủ trương xây dựng và quản lý xã hội theo nguyên tắc đa lực lượng, đa đảng phái và các tổ chức này quan hệ với nhau theo nguyên tắc hiệp thương. Chính vì vậy, “Nếu chủ nghĩa đa nguyên được áp dụng vào chủ nghĩa xã hội thì sẽ dẫn đến nguy cơ phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản, hạ thấp đảng thành một tổ chức xã hội bình thường. Nó đối lập hoàn toàn với lý luận đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác-Lênin”.

Trong thực tiễn, việc một quốc gia thực hiện đa nguyên, đa đảng không đồng nghĩa với việc quốc gia đó sẽ có dân chủ, sẽ phát triển. Điều này đã được chứng minh trên thực tế, có những quốc gia thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nhưng vẫn thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, chính trị xã hội thì bất ổn. Ngược lại, có những quốc gia chỉ có một đảng lãnh đạo nhưng vẫn là một nước phát triển về kinh tế, chính trị – xã hội ổn định, đời sống nhân dân được no ấm. Điều đó nói lên rằng: Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là cứu cách, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của đất nước như các luận điệu sai trái, xuyên tạc rêu rao. Thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không đồng nhất với việc đưa đất nước phát triển, đời sống nhân dân được no ấm. Mặc khác, việc lựa chọn chế độ chính trị và mô hình phát triển đất nước còn phụ thuộc vào thực tiễn lịch sử, điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia.

Mặc dù bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về Nhân dân, là quyền lựa chọn của Nhân dân, nhưng các thế lực thù địch lại cho rằng: “nền dân chủ tư sản được sản sinh ở Phương Tây được tạo ra là để áp dụng trên khắp thế giới”. Điều này cho thấy, chính họ rêu rao về dân chủ nhưng không hề tôn trọng những nguyên tắc sơ đẳng nhất của dân chủ.Lịch sử bắt đầu từ đâu thì tư duy bắt đầu từ đó, nên các giá trị của dân chủ phải được hình thành từ thực tiễn lịch sử. Hơn nữa, thực tiễn luôn biến đổi nên không bao giờ có một giá trị vĩnh hằng, càng không có chân lý áp dụng cho mọi quốc gia. Một mặt họ rêu rao, truyền bá quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập với lí lẽ là để có tiếng nói đa dạng, có tính đối trọng kiềm chế lẫn nhau, nhưng mặt khác, chính họ lại tuyên truyền cho sự độc tôn, tuyệt đối của nền dân chủ tư sản, coi đó như một “khuôn mẫu lý tưởng” mà không muốn có sự hiện hữu của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chỉ riêng điều này đã cho thấy, sự tuyên truyền về dân chủ của các quan điểm sai trái, thù địch chỉ là giả hiệu với mục đích đen tối, không vì quyền dân chủ thực sự của nhân dân mà vì những toan tính, mưu đồ phá hoại, lật đổ!

Cần phải khẳng định rằng, dù các thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội hòngáp đặt, vu khống đến đâu thì cũng không thể phủ nhận một thực tế rõ ràng là: Việt Nam “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân”[2]. Điều này được thể hiện ngay trong hệ thống quan điểm, đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, được thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và từ thực tiễn đời sống xã hội.

Do đó, một nền dân chủ thực sự chỉ được quyết định bởi “bản chất cách mạng của đảng cầm quyền”, đảng đó đại diện cho lợi ích của ai và có nhận được sự ủng hộ của số đông dân chúng đối với sự cầm quyền ấy hay không,sử dụng quyền lực nhà nước vào những mục đích gì trên thực tế !


[1]C.Mác và Ăngghen, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 1995, t.19, tr.36.

[2]Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2021, tr.38.

Anh Đặng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét