Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Xu hướng tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay

 


Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo, hiện nay cùng với sự biến đổi nhanh chóng, sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã dẫn đến sự biến đổi của tôn giáo. Tình hình tôn giáo trên thế giới hiện nay đã và đang biến đổi theo bốn xu hướng chủ yếu là: “toàn cầu hóa”, “dân tộc hóa” “đa dạng hóa” và “thế tục hóa”

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ trước, sang đầu thế kỷ XXI càng phát triển với tốc độ cao hơn đã làm biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc mọi mặt của đời sống nhân loại, làm cho xu hướng hòa bình, hợp tác để phát triển giữa các quốc gia, dân tộc trở thành xu hướng lớn của thời đại ngày nay. Trong bối cảnh đó, các cường quốc đế quốc tư bản chủ nghĩa cũng như các nước khác đều ra sức cạnh tranh nhằm tạo ảnh hưởng, nâng cao hơn vị thế của mình trên trường quốc tế. Tương tự như vậy, các tôn giáo cũng có tham vọng mở rộng ảnh hưởng của nó, làm cho xu hướng “toàn cầu hóa tôn giáo” đã và đang diển một cách mạnh mẽ.

Hiện nay, Kitô giáo, Hồi giáo đang mở rộng ảnh hưởng ở bốn châu lục là châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ; còn Phật Giáo không chỉ mở rộng ảnh hưởng ở địa bàn truyền thống là châu Á mà còn mở rộng và đang ảnh hưởng mạnh mẽ ở châu Âu, châu Úc đến cả Canađa và Mỹ. Bên cạnh xu hướng toàn cầu hóa, lại xuất hiện xu hướng dân tộc hóa tôn giáo, biểu hiện ở sự trở về đối với tôn giáo truyền thống để bảo vệ bản sắc dân tộc chống lại sự lấn lướt, áp đặt của các tôn giáo lớn ngoại nhập. Xu hướng này đã và đang ngày càng được coi trọng ở nhiều quốc gia, dân tộc. Không ít quốc gia, dân tộc đã dùng phương pháp kích thích tôn giáo truyền thống trong nước phát triển để chống lại sự xâm lăng của tôn giáo bên ngoài, coi đó là biểu tượng giữ vững bản sắc văn hóa và sự gắn kết dân tộc. Cùng với xu hướng quốc tế hóa, dân tộc hóa, là xu hướng đa dạng hóa tôn giáo. Sự hình thành xu hướng này đã do sự phát triển của kinh tế- xã hội và khoa học kỹ thuật làm nảy sinh nhiều tôn giáo mới với nhiều sắc thái khác nhau. Các tôn giáo mới xuất hiện cùng với các tôn giáo truyền thống, tôn giáo du nhập đồng thời tồn tại, phát triển trong một quốc gia, tạo nên bức tranh đa sắc phức tạp của tôn giáo thời hiện đại. Mặt khác sự liên minh, liên kết tôn giáo cũng đang diễn ra mạnh mẽ tạo nên sự đa dạng phong phú nhưng cũng không kém phần phức tạp trong đời sống tinh thần của nhân loại ít nhất là ở thế kỷ XXI. Cuối cùng là xu thế thế tục hóa tôn giáo - đó là một quá trình gồm hai mặt cả tích cực và tiêu cực, song đều có cái chung làm cho niềm tin tôn giáo sát hơn với đời sống hiện thực của con người. Mặt tích cực thể hiện ở sự đề cao cái thiện, chống cái ác vì hòa bình, tiến bộ xã hội; mặt tiêu cực thể hiện ở các hiện tượng làm tầm thường hóa ý nghĩa thiêng liêng của tín ngưỡng, tôn giáo như:lợi dụng tôn giáo để hoạt động phản văn hóa, kích thích lối sống bản năng thấp hèn, tiến hành các hoạt động ly khai, khủng bố.

Ở nước ta hiện nay, tình hình tôn giáo cũng đang diễn ra sự biến đổi theo bốn xu hướng trên của các tôn giáo thế giới. Các tôn giáo do nhu cầu, lợi ích khác nhau đều tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình, làm cho tình hình tôn giáo diễn biến rất phức tạp. Trong những năm gần đây các tôn giáo phát triển cả về số lượng tín đồ, cơ cấu tổ chức và sự hình thành các tôn giáo mới. Đáng chú ý là đạo Tin lành ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc…Ở Tây Nguyên sau năm 1975 chỉ có khoảng 50.000 tín đồ đạo Tin lành, đến nay đã có trên nửa triệu. Ở Tây Bắc, Đạo Tin lành những năm 80 của thế kỷ XX mới chỉ có mầm mống, đến nay đang phát triển mạnh với trên 100.000 tín đồ và một phần ba trong số bản người H’Mông có đạo Tin lành. Sự phát triển của các tôn giáo nói chung, và sự phát triển của Đạo Tin lành vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, địa bàn trọng yếu đòi hỏi chúng ta cần phải thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, ngăn ngừa có hiệu quả sự lợi dụng của vấn đề tôn giáo chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta của các thế lực thù địch.

Do thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước vừa qua đem lại, đời sống vật chất và tính thần của đồng bào tôn giáo hiện nay đã được cải thiện rõ rệt. Đồng bào các tôn giáo luôn phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đồng hành cùng dân tộc lên án đấu tranh với các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo, tích cực tham gia các phong trào thi dua vì an ninh Tổ quốc…Sự đồng thuận trong xã hội giữa tín đồ các tôn giáo, giữa người theo tôn giáo và không theo tôn giáo được củng cố trên nền tảng lợi ích, mục tiêu chung đã tạo cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao sức mạnh chính trị tinh thần của toàn dân trong xây dựng, củng cố quốc phòng an ninh. Tuy nhiên các tín đồ, chức sắc các tôn giáo là những người có niềm tin tôn giáo và mức độ niềm tin đó ở mỗi người khác nhau. Nhìn chung các tín đồ tôn giáo đều phụ thuộc vào giáo lý, thần quyền, một bộ phận lạc hậu dễ bị kẻ xấu lợi dụng mua chuộc, lối kéo, hoặc khống chế. Một số chức sắc tôn giáo có tư tưởng cực đoan, lợi dụng sơ hở, yếu kém trong quản lý nhà nước để tuyên truyền, kích động lôi kéo đồng bào có đạo chống đối chính quyền. Nghiêm trọng hơn một số chức sắc tôn giáo còn công khai tuyên truyền, xuyên tạc quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo gây lên sự hiểu lầm, thiếu tin tưởng của một bộ phận tín đồ. Ở một số vùng có tôn giáo, khối đại đoàn kết dân tộc có nguy cơ bị rạn nứt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến khả năng duy trì, huy động tiềm lực chính trị tinh thần vào sự nghiệp củng cố quốc phòng và an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét