Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

NGHIÊN CỨU - PHÊ BÌNH - TRAO ĐỔI!

Một số ý kiến về tình hình sử học hiện nay.

Trong mấy năm qua nổi lên xu hướng “đòi viết lại lịch sử”, “nhìn lại lịch sử”, “lấp những khoảng trống”…

Những ý kiến khác nhau trong nghiên cứu lịch sử xuất phát từ điểm rất cơ bản là quan điểm và phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận chân lý. Từ quan điểm và phương pháp tự cho là “mới” đó, một số nhà sử học đòi phi chính trị hóa sử học, mượn cớ “đổi mới” để “lật ngược” nhiều vấn đề đã trở thành kết luận từ lâu trong chính sử.

Với trách nhiệm là những người quan tâm đến lịch sử của đất nước và dân tộc, chúng tôi xin góp một số ý kiến nhằm làm sáng tỏ những lệch lạc nguy hiểm đang diễn ra trong sử học.


I. Về Quan Điểm Và Phương Pháp Nghiên Cứu Lịch Sử

1/ Sử học là một ngành khoa học trong khoa học xã hội, cho nên điều quan trọng hàng đầu của người nghiên cứu lịch sử là phải có thái độ trung thực, khách quan của nhà khoa học chân chính. Tức là tôn trọng sự thật đích thực - chứ không phải những hiện tượng giả tạo - trong quá trình mình tiếp cận với những hiện tượng lịch sử.

Nghiên cứu lịch sử không phải là mô tả đơn thuần các sự kiện diễn ra trong quá khứ; vì trong thực tế các sự kiện diễn ra rất đa dạng, vô cùng phong phú và cực kỳ phức tạp. Nhưng chúng ta hiểu rằng không phải sự kiện nào cũng phản ánh đúng bản chất của tiến trình lịch sử. Cho nên sứ mệnh - đồng thời là trách nhiệm - của người nghiên cứu lịch sử là tìm đúng và chỉ ra mối quan hệ bản chất của sự kiện lịch sử. Ví dụ: Sự kiện Pháp đến Việt Nam năm 1858. Người Pháp nói là “đi khai hóa, bảo hộ, đem văn minh đến xứ An Nam, một xứ sở lạc hậu…”. Nhưng thực ra đó là một đội quân viễn chinh đi chiếm thuộc địa, làm giàu cho chủ nghĩa tư bản Pháp đang phát triển ở châu Âu trong thế kỷ XVIII, XIX … Chứng minh điều đó hoàn toàn có thể làm được, với những tài liệu, dữ liệu, luận cứ sát thực tế, thuyết phục: Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh… đã làm việc đó trong sách “Bản án chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương”, viết năm 1923. Các chí sĩ của phong trào Đông Kinh Nghĩa thục, Duy Tân, Đông Du như Lương Văn Can, Phan Bội Châu… cũng đã làm việc đó trong những tác phẩm tâm huyết của các vị trong những năm đầu thế kỷ XX. Và nhiều nhà khoa học, sử học chân chính đã làm trong nhiều thập kỷ, cho đến nay; tuy có thể còn khiếm khuyết, nhưng trung thực, khách quan.

2/ Trên quan điểm khoa học, trong quá trình nghiên cứu lịch sử chúng ta có thể khẳng định hai điều:

Một là, lịch sử là một dòng chảy liên tục, không thể cắt khúc các giai đoạn phát triển liên tục với nhau. Người Mỹ đã từng làm chuyện “cắt khúc” như thế khi nói về cuộc chiến tranh Việt Nam, bào chữa cho việc Mỹ xâm lược Việt Nam bằng cách gán cho cuộc chiến tranh Việt Nam tính chất “chiến tranh ủy nhiệm” giữa 2 phe Cộng sản và Tư bản trên thế giới, “tính chất nội chiến” giữa miền Bắc và miền Nam… (thực chất là vu khống miền Bắc xâm lược miền Nam); còn Mỹ là “người ơn, đến cứu chế độ Việt Nam Cộng hòa”… Bộ phim The Vietnam War mới nhất do Mỹ sản xuất năm 2017 (42 năm sau thất bại của Mỹ ở Việt Nam), mặc dù có nêu những thủ đoạn lừa dối dư luận của 5 đời Tổng thống Mỹ, nhưng vẫn mang nội dung biện minh cho cuộc xâm lược của Mỹ, xuyên tạc ý nghĩa cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. 

Hai là, muốn hiểu đúng bản chất của sự kiện lịch sử thì phải nắm bắt được nguyên nhân, cội nguồn của các sự kiện. Chứng minh điều này trong lịch sử cũng rất rõ ràng: Cội nguồn là chủ nghĩa tư bản ở một số nước đã phát triển lên chủ nghĩa đế quốc. Nguyên nhân của việc đưa quân xâm lược chính là do động lực của chính quyền của giai cấp tư bản Pháp (sau đó là tập đoàn tư bản Mỹ) nhằm làm lợi cho giai cấp tư sản; và bản chất của sự việc là “một cuộc chiến tranh xâm lược”, thực hiện chủ nghĩa thực dân cũ - rồi chủ nghĩa thực dân mới. Nếu người đại diện cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam ngồi lại với kẻ xâm lược và bộ máy tay sai của chúng tại những hội nghị đình chiến, để “trải chiếu điều” cho chúng rút dần về nước, thì điều đó “không hề có ý nghĩa và giá trị pháp lý”, công nhận tính chính nghĩa của cuộc xâm lược, thay đổi bản chất của sự kiện lịch sử đích thực.

Như vậy, sự thật trong những trang sử trung thực được viết trong nhiều thế kỷ qua, nhất là những trang sử cận và hiện đại của Việt Nam-dù có thể còn chưa hoàn hảo, nhưng đã đi vào thực chất, phân tích bộ mặt thật của “chủ nghĩa thực dân, dù cũ, dù mới”. Những trang sử đó có sức lay động tinh thần của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước, để đến lượt chính họ đã làm nên những trang sử thật hào hùng, nhất là đã sản sinh những gương anh hùng tuyệt vời, cho nhiều thế hệ người Việt soi chung.

Chúng tôi cho rằng việc tiếp tục nghiên cứu những vấn đề lịch sử, đi sâu vào những giá trị tinh thần truyền thống của nền văn hóa Việt Nam, từ ngày lập quốc đến hiện nay, là vấn đề chúng ta vẫn còn phải tiếp tục đào sâu, phát hiện, làm phong phú thêm vốn quý dân tộc là nền văn hóa giàu tính nhân văn của Việt Nam. Trong nghiên cứu lịch sử, chúng ta tôn trọng những ý kiến khác nhau, những khám phá mới… trên cơ sở quan điểm khoa học đúng đắn. Nhưng tuyệt đối không được nhân danh cái gọi là “đổi mới” mà “đổi trắng thay đen”, bôi nhọ lịch sử, phủ nhận gương liệt sĩ anh hùng, phủ nhận tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến cứu nước.


II. Nội Hàm Chính Trị Của Cái Gọi Là Đòi “Viết Lại Lịch Sử”

Đi sâu vào thực chất các vấn đề do một số người nhân danh “đổi mới” nêu ra, chúng tôi tự hỏi: Dụng tâm đích thực của các luận điểm đòi “Viết lại lịch sử” là gì?


Có 4 vấn đề đã được các vị này thể hiện trong các bài viết, hoặc sách của họ, như sau:

1/. Một là, họ muốn xóa nhòa ranh giới giữa người yêu nước trong lịch sử cận đại chống ngoại xâm (Lịch sử có độ dài 117 năm, tính từ cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược Việt Nam năm 1858-1975), với số người phản quốc làm tay sai cho giặc. Ý đồ này thể hiện trong những bài “minh oan” cho Trương Vĩnh Ký… (thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp); rồi đến Hoàng Cao Khải, Phạm Quỳnh… (những người làm “công chức” sau khi Pháp đã đặt được bộ máy cai trị thực dân trên cả 3 xứ: Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ và cả Đông Dương.

2/. Hai là, họ muốn thay đổi đường lối đấu tranh cứu nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đề xuất chủ trương này là nhóm nhà văn Nguyên Ngọc với các tổ chức như Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, Viện Phan Châu Trinh, Đại học Phan Châu Trinh; và các tổ chức tự lập như Văn đoàn Độc lập… Họ tổ chức trao Giải thưởng Phan Châu Trinh hàng năm cho những người có bài viết chống lại đường lối của Đảng, xuyên tạc lịch sử. Ví dụ họ trao giải thưởng cho Nguyễn Ngọc Lanh, người đã viết nhiều bài xuyên tạc sự kiện, nhân vật lịch sử Việt Nam cận đại, hiện đại (Sách “Việt gian bán nước trong lịch sử”); họ đề cao Tạ Chí Đại Trường trong các cuộc phát Giải văn hóa Phan Châu Trinh; Tạ Chí Đại Trường là một sĩ quan quân Sài Gòn cũ đã viết sách “Chuyện phiếm sử học”, miệt thị từ Lý Thường Kiệt đến Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung.

Họ tôn vinh Keith W. Taylor (một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam), người phủ nhận sự tồn tại, tính thống nhất của đất nước và dân tộc Việt Nam. Họ lập Văn đoàn Độc lập và tuyên bố thẳng thừng: “Văn nghệ không phục vụ cho ai cả”.

Họ bài bác đường lối kháng chiến vũ trang, cho rằng không cần làm cách mạng bạo lực, không cần kháng chiến vũ trang… mà có thể tìm con đường khác theo lý thuyết của Phan Châu Trinh “Ỷ Pháp cầu tiến bộ”, “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”…; bằng con đường đó có thể “xin được” Độc lập, Tự do từ thế lực đế quốc xâm lược mà ít hao tốn xương máu. Lập luận này của nhóm Nguyên Ngọc trong tổ chức Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đã được một số nhà sử học phụ họa.

3/. Ba là, xóa bỏ thần tượng cách mạng Việt Nam: Những người chống phá Cách mạng Việt Nam luôn ý thức rằng mọi người Việt Nam đều kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến đem lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc. Vì vậy, xuyên tạc nhằm “xóa bỏ thần tượng” Hồ Chí Minh là cố gắng không mệt mỏi của họ. Ở nước ngoài, Thụy Khuê phủ nhận nhiều bài báo bằng tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn 1917-1923; Lê Hữu Mục ra sách “Hồ Chí Minh không phải là tác giả của Ngục trung nhật ký”; Vũ Thư Hiên bịa đặt nhiều chuyện về Bác Hồ… Trong một chuyến đi Mỹ để làm công tác khoa học, Trần Quốc Vượng dựa trên “Lời truyền miệng dân gian…”, làm “quà ra mắt” cho nhóm “Cờ Vàng” bằng những lời lẽ nặng nề về gia đình của Bác Hồ. Thâm độc hơn, Nguyên Ngọc cho rằng Hồ Chí Minh sai lầm từ thời tham gia Đại hội Tours (Pháp) năm 1920; Nguyên Ngọc bác bỏ con đường cứu nước của Bác bằng thuyết “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” của Phan Châu Trinh như trên đã nêu. Một số người nhẫn tâm xuyên tạc sự thật về các anh hùng dân tộc như Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Tô Vĩnh Diện (trận Điện Biên Phủ)… Họ thậm chí còn cho rằng sau ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương (tháng 3-1945), Bảo Đại, Trần Trọng Kim đã tuyên bố Việt Nam độc lập trước khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, nhằm “chứng minh” rằng cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 là không cần thiết, Tuyên ngôn Độc lập là không có giá trị gì, vì Việt Nam đã được Nhật ban cho độc lập rồi…(!?).

4/. Bốn là, họ khôi phục tính “chính danh” cho các chế độ bù nhìn tay sai, từ Bảo Đại đến Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu do quân xâm lược dựng lên, là những “thực thể chính trị” được quốc tế công nhận, gọi là “Quốc gia Việt Nam”, “Việt Nam Cộng hòa”; và cho rằng các chế độ này đã có công bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa ở Hội nghị San Francisco năm 1950…

Trong thực tế, các nước đế quốc khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược đều dựng lên một bộ máy tay sai bản xứ, tiếp tay cho họ thực hiện “chủ nghĩa thực dân cũ” - rồi “chủ nghĩa thực dân mới”. Trong quá trình lịch sử chống ngoại xâm, nếu người đại diện cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam ngồi lại với kẻ xâm lược và bộ máy tay sai của chúng tại những hội nghị đình chiến, để cuối cùng “trải chiếu điều” cho chúng rút dần về nước, thì điều đó “không hề có ý nghĩa và giá trị pháp lý”, công nhận tính chính nghĩa của cuộc xâm lược, thay đổi bản chất của sự kiện lịch sử đích thực.

Khôi phục “vị thế chính trị” của các chế độ ngụy quyền, thừa nhận đó là những “thực thể chính trị”, là một điều cực kỳ nguy hiểm vì nó gián tiếp biện minh cho luận điệu “miền Bắc xâm lược miền Nam” của lực lượng ngoại bang xâm lược Việt Nam trước đây (Sách Trắng của Bộ Ngoại giao Mỹ các năm 1961, 1965).

Từ những quan điểm sai trái đó họ đã liệt những nhà viết sử trước đây vào hạng “sử gia công chức”; và những bộ sử đã viết được họ mệnh danh là “sử học minh họa”…

Như vậy, phải chăng số người khởi xướng phong trào đòi “viết lại lịch sử”, “nhìn lại quá khứ”, “lấp khoảng trống lịch sử”… đã thể hiện một nội dung có ý nghĩa chính trị sâu xa mà không phải chỉ khung trong phạm vi nhận thức và phương pháp luận? Nội dung “phi chính trị hóa lịch sử” phải chăng đã trực tiếp phủ nhận công lao lãnh đạo kháng chiến thắng lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến tới phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng hiện nay? Phải chăng họ mong hướng người đọc về một thứ “cách mạng màu” để cuối cùng thay đổi chế độ hiện nay do Đảng Cộng sản lãnh đạo?

Cho nên, đúng như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Sự suy thoái về chính trị - tư tưởng còn nguy hiểm cho sự tồn vong của chế độ hơn tình hình khủng hoảng kinh tế, do tính chất nghiêm trọng của nó” - như đã nêu ở trên. Vì bởi, dưới vỏ bọc nghiên cứu khoa học lịch sử, “phi chính trị hóa lịch sử”… vô tình hay cố ý, họ đang tìm con đường ảnh hưởng, chi phối về chính trị. Và phải chăng họ sẽ không chỉ dừng lại ở những sai lầm về nhận thức, tư duy hay phương pháp luận, trái với tinh thần Cương lĩnh của Đảng lãnh đạo và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam vào tình thế vô chính phủ rất nguy hiểm?

Chúng tôi nghĩ rằng, như trên đã đề cập, người làm khoa học trước hết phải có thái độ trung thực, thật sự khách quan, phân tích, đánh giá sự kiện, nhân vật lịch sử với phương pháp khoa học, trên cơ sở một nhân sinh quan và thế giới quan đúng đắn. Và điều quan trọng hơn chính là phải trên tâm hồn một người Việt - “con Lạc cháu Hồng” - giàu lòng yêu nước, yêu dân, tin vào sức mạnh và tương lai của dân tộc; từ đó mới có quan điểm, thái độ, cách làm đúng, ngày càng tiếp cận chân lý đích thực.

Mong rằng tiếng nói chính nghĩa, trung thực, khách quan sẽ luôn chiến thắng!

Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét