“Mọi người xem chú đối xử như thế này có
được không nhé? Mấy tháng dịch, biết tôi không mở quán được, liền cho không tôi
tiền thuê mặt bằng…” - anh Lê Văn Ngời (TP Thủ Đức) chia sẻ trên Facebook
Không chỉ anh Ngời, nhiều người lao động gặp khó khăn,
sinh viên (SV) bị kẹt lại TP.HCM trong mùa dịch cũng được chủ nhà trọ hỗ trợ
tiền thuê phòng và tặng rau củ.
Miễn phí tiền trọ, tặng thực phẩm
Anh Ngời thuê mặt bằng của ông Lý Phước Thành (TP Thủ Đức) để mở cửa
hàng sửa chữa điện thoại đã được một năm nay. Do dịch cửa hàng của anh phải
đóng cửa, anh cũng tranh thủ chở thực phẩm hỗ trợ đến người dân phường Linh
Trung (TP Thủ Đức). Giữa tháng 8, sau hơn hai tháng chưa thể đóng tiền mặt bằng
vì không có thu nhập, anh đến gặp ông Thành.
Anh kể: “Lúc đó thấy chú đang ngồi ở quán tạp hóa nhà chú. Tôi định xin
chú giảm giá tiền thuê mặt bằng, chỉ mong được hỗ trợ 50% là đã biết ơn chú lắm
rồi”. Nhưng câu trả lời anh nhận được là: “Hai tháng không mở cửa hàng được,
chú không lấy tiền mặt bằng, có bán buôn được gì đâu con. Tháng này mà chưa mở
cửa hàng nữa thì chú cũng không lấy tiền đâu”. Anh cám ơn ông Thành liên tục.
Cứ thế đến tháng 10, ông chưa lấy của anh một khoản tiền nào.
Nghe chúng tôi hỏi về chuyện hỗ trợ tiền thuê mặt bằng
cho người dân trong mùa dịch, ông cười: “Mấy ngày trước tôi qua Hóc Môn thăm
người em, cũng có mấy cô, cậu thanh niên chỉ, nói: “Chú miễn phí tiền thuê mặt
bằng cho người dân kìa”. Lúc đó tôi mới biết cậu Ngời đăng ảnh tôi lên
Facebook. Chuyện có gì đâu, dịch dã khó
khăn, lấy tiền người ta sao được!”.
Tại quận 3, còn có bà Tô Thị Minh Nguyệt xây nhà trọ cho SV thuê đã 10
năm. Mỗi phòng trọ có giá 3,5 triệu đồng/tháng, không giới hạn người ở. Hai mùa
dịch qua, mỗi tháng, bà đều giảm 1 triệu đồng và cho SV khó khăn mượn tiền sinh
hoạt. Với những phòng có SV về quê nghỉ hè, bà Nguyệt chỉ thu 500.000
đồng/phòng.
Bà Nguyệt thương SV, thích xây trọ cho SV thuê. Nhiều người đã ở trọ
của bà trong suốt thời SV, đến khi đi làm vẫn ở. “Các cháu là thế hệ tương lai
của đất nước. Có SV thuê trọ mới có tôi ngày hôm nay. Gần 50 tuổi đầu, tôi biết
tiền có thể kiếm cả đời, còn cái tình nghĩa với các cháu thì không phải khi nào
cũng dễ đón nhận được” - bà Nguyệt trải lòng.
Bạn Phạm Ngọc Tường Vân (người thuê trọ) nhiệt tình kể về những lần được bà Nguyệt cho rau, trứng, cá khô và mì tôm trong mùa dịch. Nhiều lần, bà hỏi Vân về chỗ bán rau giá rẻ trên mạng để mua cho SV. Dù được bà Nguyệt hỗ trợ tiền trọ, nhiều SV không nhận mà nhường cho những bạn khó khăn hơn.
Vân nhớ lại: “Nhiều bạn ở lại TP mà không thể đi làm, cô nói cứ ở thoải mái, có tiền thì đóng, không thì thôi. Từ đầu mùa dịch, cô đều hỏi thăm từng phòng. Thương cô nên khi có người chuyển ra khỏi khu trọ, chúng tôi sẽ rủ bạn vào ở liền. Vì thế, trọ của cô ít khi nào trống phòng. Tôi cũng sẽ thuê ở đây lâu dài nhất có thể”.
Nhận ơn người, trả ơn đời
Ngoài hỗ trợ chống dịch cùng phường và khu phố, anh Lê Văn Ngời còn
đăng ký tham gia đội ôxy TP Thủ Đức. Sau khi được ông Thành giúp đỡ, anh Ngời
cũng nhận sửa điện thoại miễn phí tiền công cho SV, người lao động khó khăn đến
hết năm nay.
Ban ngày, anh giao ôxy và thực phẩm cho người dân, tiện đường sẽ ghé
nhà những ai liên hệ anh sửa điện thoại để lấy máy. Với những người ở trái cung
đường, anh nhờ những thành viên khác trong đội tới lấy giúp. Buổi tối, anh
tranh thủ sửa điện thoại cho người dân, hôm sau lại giao trả điện thoại tận
nhà.
Có những đêm, anh thức đến 1-2 giờ sáng để thay màn hình cho những phụ
huynh sửa máy cho con học trực tuyến. Với những hoàn cảnh thực sự khó khăn, anh
còn hỗ trợ họ tiền mua phụ kiện. Anh trải lòng: “Làm nhiều việc cùng một lúc
hơi cực nhưng nhờ thế mà mùa dịch của tôi trở nên ý nghĩa. Tôi nhận ơn chú
Thành, rồi trả
ơn lại cho cuộc đời”.
Còn Quang Tuyên (quận 8) lại cảm thấy may mắn vì chủ trọ mở “chợ rau 0
đồng” trong mùa dịch. Thời điểm rau củ tăng giá, nhiều người trong tòa nhà của
Tuyên không mua được rau. Được người thân từ quê gửi nhiều rau, chị chủ trọ
liền phân chia rồi đặt dưới hành lang tòa nhà để mọi người xuống lấy. Tuyên vui
vẻ gọi đó là “chợ rau 0 đồng”.
Ngày khác, chủ trọ lại gửi mỗi phòng một con cá lóc để nạp vitamin A
chống dịch. TP thông báo hỗ trợ người dân, chị nhắc nhở mọi người cung cấp
thông tin để chị lập danh sách gửi khu phố nên ai cũng được nhận hỗ trợ.
Tuyên cho biết nhờ đó mà người trong khu trọ đoàn kết và gắn bó với
nhau hơn. Khi có nơi đặt đồ ăn giá rẻ, một người sẽ thông báo trong nhóm nhắn
tin của khu trọ và lập bảng tính. Mỗi phòng nhập thực phẩm mình muốn mua vào
bảng để đặt chung giúp tiết kiệm và nhanh có thực phẩm vì được ưu tiên đơn hàng
lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét