Vừa qua, tranh thủ về quê vào dịp cuối tuần, tôi điện thoại cho bạn cũ (hiện là đảng viên, cán bộ xã), hẹn ăn sáng. Qua điện thoại, bạn trả lời: "Sáng nay, mình có hẹn với bà con giải quyết một số thủ tục. Thứ bảy, UBND xã làm việc nên bạn thông cảm, hẹn khi khác nhé!".
Câu chuyện nhỏ nhưng gợi lên nhiều suy nghĩ về người cán bộ, đảng viên của Đảng đã không vì “việc riêng” mà quên đi lời hứa với dân, quên đi trách nhiệm là “công bộc” của dân. “Giữ lời hứa với dân” chỉ vỏn vẹn có “5 chữ”, nhưng từ lâu được xem là thước đo về đạo đức cách mạng; thể hiện văn hóa trọng dân, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Đó cũng là thước đo niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Cần khẳng định, đại bộ phận cán bộ, đảng viên luôn có ý thức rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; thể hiện rõ tinh thần, thái độ trọng dân; thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Nhưng chúng ta cũng thừa nhận rằng: Vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ “người đầy tớ trung thành của nhân dân”; một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền còn thiếu tôn trọng dân; quan liêu, hách dịch, cửa quyền khi giải quyết công việc với dân; có thái độ ứng xử chưa thật sự văn hóa, văn minh... đặc biệt, nhiều cán bộ còn quên đi những lời hứa trước nhân dân.
Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, khi người cán bộ, đảng viên trao đi một lời hứa đồng nghĩa với việc nhận lại một niềm tin từ nhân dân. Ngược lại, nếu thất hứa với dân thì sẽ phá vỡ sự gắn kết giữa lời hứa-niềm tin, làm xói mòn uy tín, danh dự của cá nhân người cán bộ, rộng hơn làm cho uy tín của Đảng và Nhà nước bị suy giảm, làm cho hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội bị ảnh hưởng.
Đề cập đến vấn đề này, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa qua, một trong những giải pháp để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là: Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Làm được những điều trên, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên hoạt động trong các cơ quan Nhà nước cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân; nêu gương trong từng lời nói, việc làm; có thái độ làm việc tích cực, lúc nào cũng nghĩ cho dân, cho nước, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân thì mới xứng đáng là “công bộc” của dân.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương công vụ và văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm các quy định trong thực thi công vụ. Kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm suy yếu hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng và bộ máy công quyền, làm giảm lòng tin của nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần phát huy sức mạnh của nhân dân trong giám sát, đánh giá cán bộ thực hiện lời hứa của mình. Trong đó, cần nghiên cứu mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.
Mỗi cán bộ, đảng viên, ai cũng nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, bắt đầu từ việc “giữ lời hứa với dân” đến đặt lợi ích của dân, của nước lên trên hết, trước hết thì khát vọng hùng cường của dân tộc không có lý do gì chúng ta không đạt được. Đó cũng là niềm mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân ta đối với đội ngũ cán bộ các cấp. Đồng thời cũng chính là cách vun đắp văn hóa trọng dân ở mỗi cán bộ, đảng viên để kết nên văn hóa Đảng và văn hóa trong Đảng.
DUY THÀNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét