Tấm ảnh bên trên được các ký giả, nhà sử học quen gọi là “nụ cười chiến thắng”. Người con gái nở nụ cười ấy là du kích Võ Thị Thắng, cô bị chính quyền VNCH kết án 20 năm tù giam vì các tội danh liên quan đến tham gia các phong trào sinh viên, ủng hộ quân Giải phóng, chống lại VNCH. Trước đó, chính quyền VNCH đã nỗ lực moi những nguồn tin từ cô nhưng vô vọng. Khi thẩm phán tuyên bản án, du kích Võ Thị Thắng cười nói: “20 năm? Liệu chính quyền của các ông có tồn tại được 20 năm để bỏ tù tôi không”.
Báo giới Mỹ không chú ý đến câu nói ấy. Và chỉ 7 năm sau câu nói ấy, Việt Nam thống nhất, chính quyền VNCH sụp đổ. Tổng thư ký hội liên hiệp sinh viên lớn nhất Ấn Độ (SFI) Mayukh Biswas đăng về sự kiện này trên trang cá nhân với thái độ đầy tự hào và tôn trọng.
Bức ảnh bên dưới ghi lại cảnh một chiến sĩ biệt động Sài Gòn bị lực lượng Mỹ bắt đi chờ xử lý. Điều ẩn giấu đằng sau bức ảnh ấy là, phần lớn đồng đội của anh đã hy sinh trong nhiệm vụ vào ngày 30 Tết năm đó, đặc biệt là trong trận Sứ quán Mỹ và trận Dinh Thống Nhất. Sau này, những cựu binh Mỹ - đối thủ lực lượng biệt động Sài Gòn trả lời phỏng vấn rằng, họ không tin những con người nhỏ bé ấy dám chiến đấu với một lực lượng to cao gấp đôi họ.
Trước khi đánh trận Mậu Thân 1968, các lực lượng biệt động phía ta đã ăn Tết sớm. Bên cạnh những lễ ăn Tết sớm còn có những lời truy điệu sớm.
Đại tá Tư Chu, người bị MACV (Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam) truy nã lên tới 2 triệu đô la quyết định rằng các chiến sĩ biệt động sẽ chiến đấu cảm tử, quyết không để rơi vào tay giặc, họ chấp nhận ra đi vào đúng những ngày đầu năm mới cho Tổ Quốc có một mùa xuân tươi đẹp. Quyết định này đến từ nguyện vọng của các chiến sĩ biệt động.
“Biệt động thành có bao nhiêu đánh bấy nhiêu” - sau mệnh lệch ấy, những chiến sĩ biệt động tiến đánh các mục tiêu được đề ra. Toàn bộ những trận tại sứ quán Mỹ, đài phát thanh… được cập nhật đến người dân Mỹ trên sóng truyền hình, truyền thanh, báo giấy.
Chỉ vài tuần trước đó, tướng Westmoreland đã khẳng định chắc chắn với báo giới, người dân nước này rằng phe cộng sản đang rút lui và chiến sự diễn ra tốt đẹp. Đại tướng nổi danh này đúc kết rằng sau 14 năm, Hoa Kỳ đã thu lại được sự tích cực và nước này “đã được đền đáp”. Nhưng những chiến sĩ biệt động thì nói không. Tướng Westmoreland, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng chấn động vì những cuộc tấn công vào những nơi trọng yếu nhất Sài Gòn, những nơi được canh giữ cẩn mật, sau đó, một cuộc tấn công với hơn 80 ngàn chiến sĩ Giải phóng nổ ra.
Trong đội biệt động có một chiến sĩ tên Vinh - 17 tuổi, Vinh hào hứng khoe rằng sau trận đánh sẽ về quê lấy vợ. Vinh khẳng khái cho rằng, nuôi quân ba năm dụng một giờ, Vinh quyết tâm chiến đấu dù có hy sinh. Do đặc thù hoạt động bí mật, không ai biết rằng người vợ của chiến sĩ Vinh năm ấy là ai, liệu chị vợ của chiến sĩ Vinh có biết anh đã hy sinh anh dũng vào chiến dịch giữa giao thừa không.
Cô Yến Ngọc, vợ của chiến sĩ biệt động Ba Bong Bóng - làm nghề bán bóng dạo để che mắt quân địch, cho biết chồng cô giấu cô làm nhiệm vụ cách mạng. Gần lúc ra đi, chồng cô mới gọi cô vào truyền lại nhiệm vụ cuối cùng, đó là so khớp chiếc bạc thì chỉ cho đồng đội khu vực hầm.
Đến nay, danh tính của 16 chiến sĩ tham gia vào trận sứ quán Mỹ vẫn chưa rõ ràng. Họ tham gia họp hành và tác chiến với gương mặt luôn bị che kín, gọi nhau qua những bí danh và bí mật. Đại tá Trần Minh Sơn, chỉ huy cuối cùng của đội biệt động có một nỗi ăn năn day dứt mãi là ông không tìm kiếm được hài cốt của các chiến sĩ đã hy sinh ngày ấy. Cha mẹ của các chiến sĩ có hỏi rằng con họ đâu, đã hy sinh thì có hài cốt không? Câu trả lời ấy vẫn chưa được trả lời toàn vẹn.
Biệt động Sài Gòn, anh là ai? Anh từ đâu tới? Bây giờ anh ở đâu? - đó là câu nói nuối tiếc của PGS. TS Phan Xuân Biên về việc tìm ra tung tích, thông tin, toàn vẹn của một số chiến sĩ biệt động để làm công tác đền ơn, đáp nghĩa.
Họ, những chiến sĩ biệt động Sài Gòn, đã chiến đấu quên mình cho mục tiêu mùa xuân thống nhất Tổ Quốc. Họ không chỉ là một đội quân, họ còn là đại diện cho cả một dân tộc.
Nguyện ước mùa xuân 1968 không thành hiện thực với những người chiến sĩ biệt động Sài Gòn, nhưng chỉ 7 năm sau, nguyện ước thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đã thành công với mùa Xuân 1975.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét