Mặc dù mục tiêu cao nhất, suy đến cùng của chiến
lược “diễn biến hòa bình” là lật đổ chế độ chính trị xã hội của các nước “không
cùng quỹ đạo”, nhưng hiện nay, do sự tác động của các mối quan hệ quốc tế phức
tạp, đa tầng nấc, nhiều cấp độ giữa các nước, các tổ chức, sự chế ước của các
quy tắc, chế định quốc tế, khu vực; khi chưa lật đổ được chế độ chính trị thì
“diễn biến hòa bình” sẽ nhằm đến mục tiêu thấp hơn là thay đổi đường lối, chính
sách; cài cắm lực lượng thân cận vào bộ máy cầm quyền; làm phức tạp hóa thành
phần lãnh đạo; thay đổi tính chất quốc gia, dân tộc khác theo hướng phục vụ lợi
ích của chủ thể tiến hành. Trong đó, thay đổi bộ máy cầm quyền nước khác là mục
tiêu trọng yếu hiện nay và để làm được điều này, chiến lược “diễn biến hòa
bình” đã có những điều chỉnh mới gắn với “công nghệ lật đổ” cực kỳ tinh vi, phản
động.
Từ sự ra đời của học thuyết chính trị “phản kháng
phi bạo lực” (phản kháng hòa bình), ngay lập tức, các “nhà dân chủ”, “nhà tiến
bộ xã hội” phương Tây coi đó là “bảo bối thần kỳ”, “công cụ hữu hiệu” để lật đổ
chính quyền ở nhiều quốc gia trong không gian hậu Xô-viết thông qua cái gọi là
“cách mạng sắc màu” vào những năm 2004 - 2006; sau đó thay đổi chính thể của
hàng loạt quốc gia ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi vào năm 2011 với cái tên mĩ
miều “Mùa xuân Ả rập”. Đó không có gì khác là bạo loạn phi vũ trang bắt nguồn
từ “diễn biến hòa bình”, là “kỹ năng lật đổ” thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh - một
“dị bản” của việc kết hợp “diễn biến hòa bình” với bạo loạn lật đổ. Và hiện
nay, “dị bản” ấy tiếp tục được “hoàn thiện”, phát triển thành một kịch bản dựng
sẵn với “công thức” lật đổ qua các bước: Một là, hình thành các hoạt động “phản
kháng mềm” trong nội bộ đối phương do sự cộng hưởng theo các phương tiện truyền
thông; kích động tâm lý đám đông, tổ chức người dân tụ tập, tuần hành, biểu
tình, “bất tuân dân sự”, đi ngược lại chính sách hiện hành, chống đối chính
phủ, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo ra các
“điểm nóng”, bất ổn. Hai là, nội công ngoại kích, bên trong thì biểu tình, bạo
động; bên ngoài thì tập hợp đồng minh, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi
chính phủ... đồng loạt gây sức ép trên tất cả các lĩnh vực buộc chính quyền
đương thời phải từ chức, giải tán. Ba là, tạo cớ để can thiệp, tiến hành bạo
loạn trực tiếp lật đổ chính quyền nhưng núp dưới danh nghĩa “bảo vệ người dân”,
“đấu tranh vì tự do, dân chủ”, “vì công lý”... Bốn là, cài cắm lực lượng đối
lập, nhanh chóng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân, bầu cử; công khai ủng hộ,
công nhận chính quyền mới của lực lượng đối lập chịu sự kiểm soát của họ. Điểm
mấu chốt trong kịch bản này là họ cố tình “bới móc”, lôi ra điểm yếu trong bộ
máy cầm quyền của đối phương; thậm chí không ngần ngại thêm thắt, bịa đặt các
khuyết điểm; sẵn sàng gán tất cả những sai trái, tiêu cực trong xã hội; châm
ngòi cho làn sóng chống đối trong nước và làm cho bộ máy ấy dường như đã biến
chất, “lỗi thời, không phù hợp”, do đó sẽ bị thay thế và đó là “lẽ thường tình”
theo đúng quy luật(?!). Cho nên, một bộ máy cầm quyền thân cận do họ dựng lên
nhưng lại được “hợp pháp hóa” thông qua một cuộc bầu cử theo luật định vô cùng
tinh vi và họ luôn tự hào coi đây là sản phẩm sáng tạo của “công nghệ lật đổ”
thông qua biểu tình, đảo chính bằng mô hình “bạo lực đường phố”. Theo đó, có
tới “198 hành động phản kháng phi bạo lực”, nhưng trong đó bao hàm cả các hành
động vô nhân đạo, bị pháp luật nhiều nước nghiêm cấm như làm tiền giả, in sao
tài liệu giả, cướp bóc, ám sát, khủng bố... chứ không hoàn toàn phi bạo lực và
không loại trừ sau đó sẽ lan rộng, bùng phát thành một kiểu dạng “chiến tranh
lai ghép” mới.
Từ sự mở rộng về mục tiêu làm cho động cơ
chính trị của chiến lược “diễn biến hòa bình” trong sự dịch chuyển và cạnh
tranh quyền lực cũng có sự mở rộng và thay đổi theo. Nếu như “diễn biến hòa
bình” trước đây chủ yếu là đấu tranh ý thức hệ chính trị giai cấp; đấu tranh
giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; thì hiện nay nó đã
được mở rộng và chuyển sang cả “đấu tranh” vì lợi ích dân tộc cục bộ, hẹp hòi;
cạnh tranh chiến lược để xác lập vị thế ảnh hưởng.
T3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét