Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

ĐÁNH “GIẶC TRONG LÒNG”

 Chỉ trong vòng ít ngày, Đảng đã mất đi một số đảng viên từng giữ những chức vụ quan trọng, Chính phủ đã mất đi một số cán bộ chủ chốt. Nếu tính trong khoảng nửa năm qua, có đến hàng chục cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương đã “nhúng chàm” liên quan đến vụ án Việt Á.

Dư luận xã hội nhiều nơi bày tỏ sự hả hê trước những thông tin khởi tố, bắt giữ liên tiếp, họ châm biếm kit test Việt Á “giả mà thật” đã quét ra “hai vạch căng đét” căn trọng bệnh của không ít cán bộ, đảng viên – suy thoái, tham nhũng, tiêu cực – vốn vẫn được chỉ ra là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Tuy vậy, đối với công tác cán bộ, việc một số cán bộ lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và CDC nhiều tỉnh, thành… bị khởi tố, bị điều tra, bị bắt tạm giam thực sự là điều hết sức đau lòng. Dù sao, trước khi vấp ngã, những người này từng là cán bộ đã trưởng thành trong công tác, ít nhiều đã khẳng định được bản thân và đã có những đóng góp nhất định cho đất nước, cho xã hội. Với một số người từng tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì lại càng đáng tiếc, xót xa hơn. Vụ việc này cũng tiếp tục chỉ ra lỗ hổng trong công tác cán bộ của Đảng, chỉ ra sự hời hợt, lơ là trong rèn luyện bản lĩnh chính trị và tu dưỡng đạo đức của nhiều cán bộ, đảng viên, dẫn đến những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và gây bức xúc trong nhân dân.

Vẫn biết “chẳng ai nắm tay thâu ngày đến tối”, trong cuộc sống, trong công việc khó tránh khỏi sai sót lúc này lúc khác, ngay Đảng ta cũng có lúc mắc sai lầm, khuyết điểm, tuy nhiên lòng tham, sự đánh mất mình trước cám dỗ của vật chất, sự “nhờn thuốc” của những cán bộ, đảng viên nói trên là điều đáng trách, đáng lên án và đáng bị xử lý nghiêm minh. Có ý kiến một lần nữa lại đổ vấy nguyên nhân cho cơ chế, nôm na kiểu “làm cũng chết, mà không làm cũng chết”, nhưng đó là cách nói bao biện, thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm. Cơ chế không từ trên trời rơi xuống, mà đều do con người tạo nên. Nếu làm đúng, lãnh đạo đúng, nếu trăn trở “dĩ công vi thượng”, luôn đặt việc công lên trên hết, luôn lo cho dân, làm cho dân thì sẽ như “cây ngay không sợ chết đứng”. Còn một khi đã mắc sai lầm, khuyết điểm thì cũng cần dám chịu trách nhiệm, đừng đổ thừa một cách chung chung.

800 tỷ đồng tiền hoa hồng mà Việt Á chi cho các quan chức để “thổi giá” sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, đó thực sự là một con số nhức nhối. Nhức nhối bởi ở đó không chỉ là việc túi tiền của người dân bị đục khoét nhiều lần trong bối cảnh dịch bệnh vô cùng khó khăn, mà ở đó còn là thời gian, sức khỏe của mỗi người trong những lần xét nghiệm. Đây chính là điển hình của tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “thờ ơ, vô cảm”, chủ trương, chính sách đúng nhưng khi triển khai vào cuộc sống lại bị méo mó, biến dạng. Điều này cũng tương tự như vụ án tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), đã làm xấu đi chủ trương đúng đắn và nhân văn của Đảng là luôn vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân, ảnh hưởng tới nỗ lực của Nhà nước để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 nhiều vất vả và mất mát. Khi cầm những khoản tiền “lại quả” như vậy, liệu có ai trong số họ nghĩ đến nhân dân, nghĩ đến danh dự cá nhân, nghĩ đến những hậu quả đối với chính mình và xã hội?

Suy cho cùng, các cá nhân sai phạm đều đã không vượt qua được chính mình, không thắng được “giặc trong lòng”, không vượt qua được sự cám dỗ trong một số thời điểm nhất định. Họ đã vi phạm những điều đảng viên không được làm, suy thoái, thiếu trách nhiệm nêu gương, vi phạm pháp luật. Đây đều là lỗi do chủ quan, do thiếu rèn luyện, tu dưỡng và bồi đắp cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức và kiến thức chuyên môn, quản lý. Ở đây, người có quyền thì càng phải chú trọng rèn giũa đạo đức. Như Bác Hồ từng nhắc nhở: “Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.

Những tiếng còi hụ trong thành phố vài ngày qua tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, móc ngoặc, lợi ích nhóm… vẫn len lỏi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời cũng cho thấy nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là tập trung dân chủ vẫn đang bị vi phạm, lợi dụng. Cho dù “lò lửa” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang nóng hơn bao giờ hết, cho dù có cả những cán bộ cấp Bộ Chính trị đã phải ra trước tòa như là tấm gương tày liếp, cho dù thể chế và thiết chế phòng, chống tham nhũng đang được nối dài “cánh tay”, thì những kẻ vụ lợi vẫn rình rập đây đó và lòng tham vẫn chực chờ để nổi lên, ngay cả vào những lúc sự khốn khó của người dân lên đến đỉnh điểm.

Ngay lúc này, nhiều ý kiến, quan điểm thù địch, xuyên tạc, bôi nhọ nhằm vào Đảng, nhằm vào bộ máy công quyền cũng đang nhân cơ hội để trỗi dậy. Nhưng hơn lúc nào hết, sự quyết liệt, triệt để, không khoan nhượng trong chỉ đạo và hành động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta, với phương châm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng và thượng tôn pháp luật đang được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ. Nghiêm minh xử lý cán bộ để “không dám” tham nhũng, tiêu cực, chính là bước đầu để hướng tới “không cần”, “không muốn” tham nhũng, tiêu cực. Kỷ luật Đảng, mất cán bộ, đó là điều đau lòng, nhưng cần thiết phải làm. “Có công thì thưởng, có tội thì trừng”, đó không chỉ là một trong những biện pháp tổ chức xây dựng Đảng mà rộng ra cũng là quy luật của cuộc sống. Mọi sự không tự nhiên đến, mà tất cả đều xuất phát từ hành động của mỗi người.

Sau cùng, mỗi người đều có thể rút ra cho mình những bài học khác nhau từ vụ án Việt Á. Nhưng với đội ngũ cán bộ, đảng viên, việc “tự soi mình” một cách thường xuyên như đánh răng, rửa mặt hằng ngày có lẽ cần được xem trọng. Chỉ có vậy mới chế ngự được “giặc trong lòng”, từ đó mới chuyên tâm góp công góp sức phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét