Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu
trong bảo vệ con đường cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ đất nước và
nhân dân. Thời gian vừa qua, trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều các thông
tin sai lệch, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà
nước, các thông tin này khởi phát từ những thế lực thù địch, bằng nhiều phương
thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khác nhau được phát tán trong phạm vi rộng,
với mục đích nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, bản sắc văn hóa dân tộc
Việt Nam. Các thông tin sai lệch, xuyên tạc thường tập trung vào những
nhóm nội dung chủ yếu như: phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin; phủ nhận tư tưởng Hồ
Chí Minh; chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, xã hội đến
các lĩnh vực văn hóa tinh thần,…
Ngoài ra các thông tin này còn phủ nhận
những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, xuyên tạc lịch sử dân
tộc, lịch sử cách mạng, bôi nhọ, hạ thấp, bài bác vai trò lãnh đạo của Đảng,
kêu gọi dân chủ, đòi nhân quyền, tự do ngôn luận... Các thế lực thù địch lợi
dụng những sự kiện nhạy cảm, phức tạp, lan truyền các thông tin xấu độc, hướng
dư luận xã hội tập trung vào những quan điểm không chính xác, lệch lạc, từ đó
ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận nhân dân còn thiếu hiểu biết, làm lung
lạc lòng tin của họ về vai trò lãnh đạo của Đảng, về sự quản lý đất nước của
chính quyền. Những thông tin xuyên tạc, sai lệch được truyền tải thông qua các
phương tiện truyền thông đại chúng nhằm lan truyền rộng rãi những thông tin xấu
độc trong nhân dân, các thông tin thường lấp lửng gây hoang mang, khiến cho tư
tưởng của công chúng bị nhiễu loạn, dao động.
Mạng xã hội ra đời và phát triển với mục
đích kết nối và chia sẻ thông tin giữa các tổ chức, cá nhân với nhau về vấn đề,
sự kiện nào đó, nhằm hướng tới sự phát triển chung của cộng đồng. Mạng xã hội
nhanh chóng chiếm cảm tình của người sử dụng nhờ có đầy đủ các tính năng nổi
bật như: trò chuyện, gửi tệp tin, chia sẻ video hình ảnh, gọi thoại, gọi
video,… mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Trong dòng chảy mạnh
mẽ của thông tin, mạng xã hội xuất hiện và trở thành nguồn khai thác hữu ích
lượng thông tin khổng lồ trên toàn thế giới. Mạng xã hội giúp cập nhật thông
tin, sự kiện diễn ra xung quanh một cách nhanh chóng mà không bị giới hạn bởi
không gian, thời gian. Có thể thấy rằng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học
công nghệ, cùng với sự ra đời của nhiều nền tảng mạng xã hội với nhiều chức
năng, tiện ích giúp cho cộng đồng dễ dàng kết nối, chia sẻ thông tin giữa nhiều
cá nhân, tổ chức với nhau hơn.
Nhưng sự phát triển này cũng trở thành
công cụ, môi trường lan truyền thông tin xấu độc, chống phá hệ thống chính trị
của nhiều quốc gia nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Trong bài viết “Xác định
các giải pháp trọng tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới”,
PGS, TS Lương Khắc Hiếu đã nhấn mạnh “Trong số các phương tiện truyền tải thông
tin, quan điểm sai trái, thù địch (gồm phương tiện truyền thông cá nhân, phương
tiện truyền thông nhóm, phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống và
phương tiện truyền thông mới), kẻ thù tư tưởng lựa chọn mạng xã hội như một
công cụ phổ biến nhất và hữu hiệu nhất để tác chiến”.
Trên không gian mạng (thông qua các
website, các diễn đàn trên Internet, các nền tảng mạng xã hội phổ biến toàn cầu
như Youtube, Facebook,…), các thông tin được lan truyền với tốc độ chóng mặt mà
không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian, điều cốt yếu là có kết nối
Internet. Chính vì sự lan truyền nhanh chóng này nên các thế lực thù địch luôn
tìm cách tranh thủ chớp lấy thời cơ để xuyên tạc, bịa đặt thông tin. Thời gian
vừa qua, số lượng thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái trên không gian
mạng có xu hướng tăng lên, đặc biệt, những thông tin xấu độc này tăng 50% trong
thời gian chuẩn bị diễn ra Đại hội XIII của Đảng, nhưng gần như tất cả các
thông tin này đều được xử lý thông qua hệ thống kiểm tra, giám sát hiện đại
trên không gian mạng. Theo báo cáo, năm 2020, Cục An ninh mạng đã giám sát,
ngăn chặn truy cập gần 3.400 trang mạng đặt máy chủ tại nước ngoài đăng tải
thông tin xấu độc và yêu cầu gỡ bỏ, vô hiệu hóa hơn 10.000 bài viết, video có
nội dung xấu độc.
Bên cạnh đó, không gian mạng có nhiều
yếu tố “ảo”. Các yếu tố “ảo” này được nhào nặn bằng đủ các thủ đoạn tinh vi,
phức tạp nên có thể đánh lừa được một bộ phận công chúng mơ hồ về nhận thức, thiếu
nhãn quan chính trị, nhất là giới trẻ. Trong nhiều trường hợp, thông tin trên
mạng xã hội là thông tin sai sự thật, hoặc thông tin gây tác động tiêu cực đến
cá nhân, tổ chức, hoặc thông tin xúc phạm đến cá nhân, tổ chức. Những thông tin
như vậy có thể gây định hướng xấu cho dư luận xã hội, hoặc ảnh hưởng đến quyền
cá nhân của con người. Thông tin cần có sự đa chiều nhưng quan trọng nhất cần
phải đúng và được phản ánh trung thực, trong khi thông tin trên mạng xã hội có
quá nhiều, quá tràn lan, khiến cho người tiếp nhận cũng khó xác định được tính
xác thực. Ngoài ra, lợi dụng không gian mạng, các thế lực thù địch có thể ngồi
tại một nơi nhưng lại truyền tải được thông tin rộng rãi trên toàn thế giới,
gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi xử lý. Điều này gây ra những khó
khăn, thách thức trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh
phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Như đã phân tích ở trên, các thế lực thù
địch sử dụng không gian mạng như là một phương thức chủ yếu để lan truyền các
thông tin xấu độc mà thanh niên chiếm tỷ lệ lớn trong những người thường xuyên
sử dụng các nền tảng trên không gian mạng để tiếp nhận, chia sẻ thông tin. Hiện
nay, có thể thấy mạng Internet đã và đang chi phối hầu hết mọi lĩnh vực trong
đời sống, tác động đến nhiều tầng lớp trong xã hội, trong đó tầng lớp chịu tác
động ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên. Theo số
liệu thống kê đến tháng 1.2020, trong số 96,9 triệu dân cả nước có 68,17 triệu
người (chiếm 70% dân số) dùng Internet, cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 châu
Á; 65 triệu người (chiếm 67% dân số) dùng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook
(đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất) và là một trong
10 nước có số người dùng Youtube cao nhất thế giới. Trong đó, 94% người dùng
Internet hằng ngày là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh là “đội dự bị tin cậy của Đảng”, là “cánh tay đắc lực của Đảng”,
thanh niên là những người nằm trong độ tuổi trẻ, là lực lượng tiềm năng trong
công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng
của Đảng, đấu tranh với những luận điệu sai trái là công việc thường xuyên,
liên tục, là nhiệm vụ quan trọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, là
trách nhiệm to lớn của đoàn viên thanh niên.
Đồng thời, thanh niên có lợi thế là nhạy
bén, có khả năng tiếp nhận thông tin nhanh chóng, nắm vững công nghệ, cập nhật
kịp thời các xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ số hóa,
mạng xã hội và các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0. Nếu kết hợp những lợi thế
nói trên với tinh thần yêu nước, sự năng động sáng tạo của tuổi trẻ sẽ phát
triển lực lượng xã hội này thành một lực lượng hùng hậu trong công cuộc xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên không
gian mạng. Để làm được điều này, bản thân mỗi đoàn viên thanh niên cần có ý
thức trách nhiệm trong đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, các luận điệu
xuyên tạc trên không gian mạng.
Ngoài ra, tổ chức đoàn viên thanh niên
các cấp cũng có vai trò quan trọng trong việc định hướng, kết nối thanh niên
trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị
ngày 22.10.2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã nêu rõ: “cần đẩy
mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế
hệ trẻ nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh phản bác những
quan điểm sai trái, thù địch trên Internet; biết khai thác, sử dụng Internet
một cách hiệu quả, thiết thực và lành mạnh. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các
cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên
truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên Internet, các
mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng
tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù
địch...”. Vì vậy, cần tăng cường mạnh mẽ hơn các hoạt động nhằm nâng cao vai
trò, trách nhiệm của thanh niên Việt Nam trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Một là, mỗi thanh niên
cần không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực, phẩm
chất chính trị, đạo đức, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá
nhân, cơ hội,… Nắm vững và cập nhật kịp thời những vấn đề lý luận và thực tiễn
cấp thiết của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là các nội dung cơ bản của chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đủ để có thể phát hiện, nhận diện, xử lý,
phân tích, dự báo tác hại của các thông tin xấu độc, góp phần bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực
thù địch, phản động trên không gian mạng.
Hai là, bên cạnh việc
bồi dưỡng các kiến thức nền tảng, cần mở các lớp tập huấn thường xuyên, liên
tục để cập nhật kịp thời kỹ năng sử dụng Internet trong hoạt động đấu tranh bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (quản trị trang, nhóm; nắm tình hình tư tưởng, dư
luận qua các trang, nhóm; xây dựng chuyên mục sao cho hấp dẫn, thiết kế thông
điệp đăng tải sao cho phù hợp, nắm bắt được các xu hướng về nội dung...). Nếu
có điều kiện, có thể mời những chuyên gia hàng đầu trên thế giới, hoặc tham dự
các khóa bồi dưỡng tại các nước phát triển về quản lý lĩnh vực này, từ đó kịp
thời nắm bắt được các thay đổi nói chung, nhận biết nhiều đối tượng vi phạm
trên phạm vi các khu vực, vùng lãnh thổ, hoặc trên toàn thế giới. Từ đó kịp
thời có biện pháp ứng biến phù hợp mỗi khi có biến động xảy ra. Đồng thời, mỗi
thanh niên cần tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh, luôn đề cao
trách nhiệm của bản thân trước những thông tin bịa đặt, xuyên tạc đường lối,
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khi sử dụng mạng xã
hội.
Ba là, tổ chức Đoàn thanh niên các cấp
cần nâng cao vai trò định hướng và kết nối rộng rãi, chặt chẽ các thành viên
trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: tổ chức các diễn đàn học
tập, trao đổi kinh nghiệm giữa tổ chức Đoàn thanh niên các cấp từ Trung ương
đến địa phương về đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch trên không gian
mạng; lên kế hoạch tạo lập các trang thông tin, fanpage; thu hút thanh niên
tích cực tham gia thiết kế, truyền tải các thông tin, thông điệp thiết thực,
hấp dẫn về chủ nghĩa Mác - Lênin, về tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những tấm gương người tốt việc
tốt… tác động đến đối tượng là giới trẻ, đồng thời lan tỏa ra toàn xã hội.
Bốn là, tận dụng triệt
để đội ngũ nhân lực trẻ; lợi thế của Internet, của mạng xã hội để tạo nên những
sản phẩm thông tin về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách đa dạng, mới
mẻ, thu hút đông đảo công chúng. Truyền tải các thông tin chính thống góp phần
đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm, luận điệu chống phá của các thế lực
thù địch trên không gian mạng, định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là vào thời
điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng và sự kiện lịch sử lớn của đất
nước.
Năm là, xây dựng đội
truyền thông chuyên nghiệp thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng với lực
lượng nòng cốt là sinh viên, thanh niên, trí thức trẻ thuộc Ban chỉ đạo 35 các
cấp, ngành, địa phương; từ đó tạo ra một mạng lưới các đội truyền thông chuyên
nghiệp trên cả nước. Đội truyền thông này sẽ được đào tạo một cách chuyên sâu
về kiến thức cũng như các kỹ năng trong nắm tình hình, nhận diện các thông tin
sai trái, xuyên tạc, mặt khác, thông tin, tuyên truyền những nội dung chính
thống, giúp định hướng dư luận xã hội.
Đã có rất nhiều nỗ lực trong việc xây
dựng các phương thức khác nhau trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu
tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Tuy nhiên,
không thể phủ nhận một thực tế là, các thông tin có nội dung phản động xuất
hiện rất nhiều, thậm chí vô số và nhiều trong số đó được xây dựng bài bản, có
hệ thống, móc nối rất chặt chẽ giữa các cá nhân, tổ chức phản động khác nhau.
Để chủ động ứng phó kịp thời với tình trạng này, không có cách nào khác, cần
xây dựng, tổ chức một lực lượng chuyên nghiệp hơn, vững vàng hơn, hoạt động
chặt chẽ, đồng bộ hơn, thông tin được truyền tải có chất lượng hơn, hệ thống,
cập nhật hơn, tần suất và thời lượng lớn hơn.
NQR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét