Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là tập
hợp các thao tác, các bước, các công việc, công đoạn kế tiếp nhau, là quá trình
xem xét, nhận diện, nhận định, phân tích, đánh giá một cách đúng đắn, chính xác
mức độ sai lệch, xuyên tạc, ra quyết định giải quyết, xử lý vi phạm trong lĩnh
vực này trên cơ sở lập trường, quan điểm và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác
– Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng
sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của nhân
dân.
Để bảo đảm cho hoạt động xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực
tư tưởng, lý luận thống nhất về mục đích, nội dung, phương thức, đồng bộ về quá
trình tổ chức lực lượng và trang bị phương tiện, đầu tư công nghệ hiện đại, quá
trình xử lý cần được thực hiện trên cơ sở những định hướng chủ yếu sau:
1. Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận phải
lấy việc bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng và lợi ích của nhân dân
làm mục đích cao nhất
Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận suy đến
cùng, là một phương diện, một nội dung của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhà nước và nhân dân. Nói cách
khác, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc không có mục đích tự thân mà nó phải
nhằm mục đích tối cao là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đó là, bảo vệ chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước; là bảo vệ Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo
vệ nhân dân, bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ sự
toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất của quốc gia – dân tộc. Tất nhiên, xử lý
thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận có mục đích trực
tiếp là loại bỏ những thông tin đó ra khỏi đời sống tinh thần xã hội, không để
chúng ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, chống lại
tác động trái chiều của chúng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Nhưng mục đích trực tiếp này, xét đến cùng, chỉ là mục đích mang tính phương
tiện, mục đích “chống”, còn mục đích cuối cùng, tối thượng của việc xử lý thông
tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận nằm ở mặt “xây” của nó,
tức là nhằm bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng.
Mặt khác, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh bao hàm trong đó nội dung phát triển, hoàn thiện và vận
dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, Cương
lĩnh của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ có thể bảo vệ vững chắc
nền tảng tư tưởng của Đảng khi chúng ta thường xuyên phát triển, hoàn thiện nền
tảng tư tưởng đó cho phù hợp với những biến đổi của thực tiễn đất nước và thời
đại. Một số khó khăn, thách thức trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, trong
việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận hiện nay
thuộc về những khuyết điểm, yếu kém trong nghiên cứu lý luận và tổng kết thực
tiễn để phát triển, hoàn thiện chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
hoạch định chính sách phát triển quốc gia. Chúng ta hiểu rằng, chính một số
luận điểm, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin đã bị lịch sử vượt qua hoặc bị
chúng ta hiểu sai, vận dụng sai; chính một số sai lầm, thiếu sót trong quan
điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quá khứ và hiện tại, hoặc sai sót
trong quá trình vận dụng, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp
luật,... đã trở thành nguyên cớ để các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội,
suy thoái, biến chất lợi dụng để xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, bài xích sự lãnh
đạo của Đảng ta, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Vì lẽ đó, xử lý thông tin
sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận phải lấy việc bảo vệ, phát
triển, hoàn thiện không ngừng, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác –
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng và thực hiện thành công Cương lĩnh, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm mục đích cao nhất.
2. Coi trọng đúng mức việc xử lý thông tin sai lệch xuyên tạc có nguồn gốc
từ trong nước, đồng thời kết hợp đồng bộ với việc xử lý thông tin sai lệch,
xuyên tạc của các lực lượng phản động từ ngoài nước
Thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận theo
nguồn/chủ thể có thể được phân chia thành thông tin sai lệch, xuyên tạc từ các
nguồn/chủ thể trong nước và từ các nguồn/chủ thể ngoài nước. Các nguồn/chủ thể
ngoài nước là các thế lực thù địch đại diện cho giai cấp tư sản phản động quốc
tế, là một số chính khách trong chính giới của một số nước tư bản không có
thiện cảm với Việt Nam, là những người nghiên cứu lý luận phục vụ sự thống trị
của giai cấp tư sản; là những phần tử phản động trong số người Việt Nam ở nước
ngoài vốn có nợ máu với nhân dân Việt Nam. Còn các nguồn/chủ thể trong nước
thường là những phần tử cơ hội, phản động, chống đối; một bộ phận cán bộ, đảng
viên, nhưng suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; một số trí
thức, văn nghệ sĩ, nhà báo... bất mãn với chế độ; Hai nhóm chủ thể này thường
phối hợp, kết hợp, liên minh, liên kết, thông đồng với nhau khá chặt chẽ theo
kiểu “nội công, ngoại kích”. Các chủ thể bên ngoài thường là chủ mưu, là người
cung cấp, hỗ trợ về tài chính, phương tiện, cơ sở vật chất, tư vấn về âm mưu,
thủ đoạn truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc, hướng dẫn cách thức sử dụng
phương tiện kỹ thuật - công nghệ, hỗ trợ theo kiểu “tiền hô, hậu ủng” về mặt
tinh thần cho các chủ thể bên trong thực hiện các âm mưu chống phá, gây mất an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo “ngòi nổ” cho các điểm nóng chính
trị - xã hội, thậm chí gây bạo loạn trên các địa bàn trọng yếu ở nước ta. Các
chủ thể trong nước có kẻ tự nguyện tìm đến làm tay sai cho các thế lực từ bên
ngoài, làm bồi bút, tiếp tay cho các âm mưu của bọn phản động, vô tình hoặc cố
ý đồng lõa, truyền bá không công hoặc để nhận viện trợ tài chính từ chủ thể bên
ngoài. Tuy nhiên, xét từ mối quan hệ giữa cái bên trong và cái bên ngoài thì rõ
ràng lực lượng bên trong nguy hiểm hơn. Tính nguy hiểm của lực lượng bên trong
thể hiện trước hết ở chỗ, họ thường xuyên, liên tục tổ chức trên đất nước ta
nhiều hoạt động với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, lại rất khó phát hiện và
xử lý phức tạp. Tính nguy hiểm còn là ở chỗ lực lượng này trực tiếp tác động
hàng ngày, hàng giờ, lặp đi lặp lại với tần suất cao đến cán bộ, đảng viên và
nhân dân ta ngay trong đời sống thường nhật, ngay trong giao tiếp hàng ngày mà
nhiều người do mơ hồ trong nhận thức, do thiếu bản lĩnh và nhãn quan chính trị
nên không dễ nhận ra, thậm chí bị chúng “bỏ bùa”, mê hoặc mà không biết.
Các thông tin sai lệch, xuyên tạc từ nguồn trong nước, nhất là từ một số
người trong giới khoa học, từ một số nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lý luận
chính trị và lý luận văn học, nghệ thuật, đôi khi do sơ hở của công tác lãnh
đạo, quản lý, lại được đăng tải trên các báo chí chính thống, đôi khi được xuất
bản thành sách và được truyền bá công khai trong xã hội.
Chính vì vậy, cần coi trọng trước hết việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên
tạc từ các nguồn bên trong. Xử lý càng triệt để nguồn thông tin này càng không
còn đất để các lực lượng bên ngoài kiếm cớ, lợi dụng, sẽ không còn “đồng minh”
bên trong để các lực lượng bên ngoài triển khai các âm mưu, thủ đoạn nhằm đạt
mục đích phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phá hoại sự nghiệp cách mạng
của nhân dân ta từ bên trong. Đồng thời, do chính âm mưu cấu kết trong - ngoài
chặt chẽ của hai thế lực này và tính không biên giới của thông tin sai lệch, xuyên
tạc trên mạng xã hội mà quá trình xử lý cần phải phối hợp, kết hợp đồng bộ,
đồng thời, chặt chẽ giữa xử lý nguồn thông tin sai lệch, xuyên tạc bên trong và
bên ngoài.
Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc từ nguồn/chủ thể bên trong, nhất là từ
một số cán bộ, đảng viên do nhận thức hạn chế mà đưa tin sai lệch, xuyên tạc,
từ đối tượng là nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, nghệ sĩ,… cần theo phương pháp
vận động, giáo dục, thuyết phục, cảm hóa là chính, tuyệt đối không đẩy họ về
phía các lực lượng chống đối, các thế lực thù địch, bất mãn, hận thù lâu
dài với cách mạng và nhân dân.
Đối với thông tin sai lệch, xuyên tạc từ nguồn/chủ thể là các thế lực thù
địch, các phần tử phản động, người Việt Nam lưu vong ở nước ngoài có nợ máu với
nhân dân cần xử lý triệt để theo quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế. Đồng
thời với việc xử lý cần tiến hành phản bác một cách có căn cứ khoa học, với lập
luận logic, chặt chẽ, thuyết phục, đấu tranh triệt để với những sai trái, bịa
đặt, xuyên tạc trong các thông tin đó, phối hợp với các nhà mạng gỡ bỏ, xử lý
theo pháp luật hoặc dùng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để ngăn chặn, không
cho chúng lan tỏa ra cộng đồng, gây tác động tiêu cực về tư tưởng trong xã hội.
Theo quan điểm lấy mục đích “xây” là cao nhất, trong quá trình phê phán, phản
bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về chủ
nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của
Đảng và Nhà nước ta để định hướng và tạo lập dư luận xã hội tích cực, tạo lập
sự đồng thuận xã hội.
3. Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc phải đúng quy trình, quy phạm pháp
luật và những yêu cầu đặt ra cho việc xử lý
Quy trình xử lý là một hệ thống các công đoạn, công việc, các bước, các
hoạt động kế tiếp nhau theo một lộ trình, quy định lẫn nhau, làm tiền đề, điều
kiện cho nhau. Trong tất cả các bước, các công việc, công đoạn hình thành nên
quy trình logic đó không thể bỏ qua một công đoạn nào. Tuy nhiên, do các nhóm
đối tượng khác nhau, không thể dập khuôn quy trình xử lý các nhóm đối tượng ở
nước ngoài cho các nhóm đối tượng trong nước. Cũng không đồng nhất quy trình,
hình thức xử lý đối với nhóm đối tượng là các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến
chất và đối tượng là một số cán bộ, đảng viên hay người dân do trình độ nhận
thức hạn chế mà tán phát, chia sẻ các thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc đặt ra nhiều yêu cầu. Trong giai đoạn
hiện nay, đặt lên hàng đầu là các yêu cầu sau:
- Tính đúng đắn, chính xác: Trong xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên
lĩnh vực tư tưởng, lý luận trước hết và quan trọng nhất là phải xác định được
đúng nguồn/chủ thể và đánh giá đúng, chính xác nội dung, mức độ sai phạm và tác
động, ảnh hưởng tiêu cực của chúng để xử lý bằng các công cụ và hình thức thích
hợp.
- Tính kịp thời: Thông tin sai lệch, xuyên tạc cần được xử lý kịp thời để
hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng tiêu cực của nó. Một thông tin sai lệch,
xuyên tạc nếu không được xử lý kịp thời thì hậu quả của nó có thể khó lường,
khó xử lý hậu quả. Tính kịp thời đòi hỏi các chủ thể tham gia xử lý khi đã nằm
trong guồng máy của bộ máy xử lý, phải triển khai, hoàn thành công việc đúng
tiến độ, không đùn đẩy, né tránh, không đá bóng sang sân người khác, không dấu
diếm, ém nhẹm thông tin mà phải kết hợp, phối hợp chặt chẽ với nhau để quy
trình xử lý diễn ra đồng bộ, kịp thời.
- Đảm bảo lợi ích quốc gia – dân tộc, đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp
với thông lệ quốc tế.
Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc phải trên cơ sở pháp luật Việt Nam nhằm
đảm bảo lợi ích quốc gia – dân tộc, lợi ích của nhân dân. Đồng thời, việc xử lý
cũng cần tính đến các thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, trong trường hợp các quy
định quốc tế trái ngược, mâu thuẫn với pháp luật Việt Nam, thì lợi ích đất
nước, lợi ích quốc gia – dân tộc, lợi ích của nhân dân là căn cứ quan trọng
nhất để xử lý.
- Tính nhân đạo, nhân văn: Yêu cầu này phản ánh bản chất của cách mạng XHCN
và truyền thống dân tộc Việt Nam, nhất là đối với đối tượng là những người biết
ăn năn hối lỗi, những người trong nội bộ tổ chức và trong một bộ phận nhân dân ta,
vô tình hay cố ý tán phát, chia sẻ thông tin sai lệch, xuyên tạc.
4. Phát triển, mở rộng, tạo điều kiện để nhân dân tham gia rộng rãi vào quy
trình xử lý, coi trọng xây dựng lực lượng cán bộ cốt cán có tính chuyên nghiệp
và đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, giàu kinh nghiệm
Nói đến việc xây dựng, phát triển các chủ thể, các lực lượng tham gia xử lý
thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận cần phải dựa trên
việc phân tích tương quan lực lượng giữa chúng ta - chủ thể xử lý thông tin sai
lệch, xuyên tạc và các lực lượng/các chủ thể của thông tin sai lệch, xuyên tạc
– đối tượng của việc xử lý.
Có thể nói, chủ thể/lực lượng của các thông tin sai lệch, xuyên tạc khá
rộng rãi, có thực lực thật sự. Bằng kinh nghiệm của một đất nước trải qua nhiều
cuộc chiến tranh vệ quốc và đang đương đầu với cuộc đấu tranh giai cấp trên
lĩnh vực ý thức hệ, chúng ta không được đánh giá thấp đối tượng, không được chủ
quan, khinh địch để không rơi vào thế bị động, bất ngờ. Biết địch biết mình thì
trăm trận trăm thắng. Sức mạnh của các lực lượng thù địch trong cuộc đấu tranh
ý thức hệ, mà một biểu hiện cụ thể của nó hiện nay là cuộc đấu tranh phản bác
các quan điểm sai trái, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, nằm trong sức mạnh
của giai cấp tư sản quốc tế đang cầm quyền. Giai cấp này có trong tay cả một bộ
máy quyền lực to lớn, có đầy đủ các phương tiện tác động tư tưởng hiện đại
nhất, hiệu quả nhất, lại có lực lượng hậu thuẫn khá đông đảo từ bên trong và
bên ngoài nước ta, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau theo kiểu “nội công, ngoại kích”,
“tiền hô, hậu ủng”. Quan sát thực tiễn thấy rằng, vào những thời điểm diễn ra
Đại hội Đảng, hoặc khi đất nước diễn ra một sự kiện lịch sử trọng đại, các thế
lực thù địch, các phần tử phản động, cơ hội, thoái hóa, biến chất, các tổ chức
chống đối núp dưới mọi hình thức thường rộ lên các đợt công kích kiểu “nội
công, ngoại kích” với tần suất cao chống phá cách mạng nước ta.
Trong khi đó, lực lượng của chúng ta tổ chức còn chậm, chưa đều khắp ở mọi
nơi, mọi cấp; chỉ đạo, phối hợp có lúc, có việc chưa thật sự chặt chẽ, tác
chiến chưa hoàn toàn đồng bộ. Ban chỉ đạo 94 trước đây và Ban chỉ đạo 35 hiện
nay hoạt động chưa đều tay ở tất cả các cấp, nhất là ở địa phương. Các cơ quan
tham mưu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại
giao, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch hoạt động chưa thật chủ động theo đúng chức
năng, nhiệm vụ tại một số thời điểm, hoặc chỉ đạo đối với một vài vụ việc chưa
kịp thời, phối hợp chưa đồng bộ, thường xuyên.
Để đạt hiệu quả cao cho việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh
vực tư tưởng, lý luận, việc xây dựng lực lượng tham gia phải được tiến hành
rộng rãi hơn, phối hợp các lực lượng phải chặt chẽ, đồng bộ hơn. Phải xây dựng
lực lượng tham gia xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc có tính toàn dân rộng
rãi, đều khắp, nhất là ở cơ sở. Bởi vì, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc
trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là hình thức mới của cuộc đấu tranh giai cấp ở
nước ta trong giai đoạn hiện nay. Cuộc đấu tranh này chỉ có thể giành thắng lợi
triệt để nếu thu hút được sự tham gia của toàn dân, dưới sự lãnh đạo và tổ chức
chặt chẽ của Đảng. Sự tham gia của nhân dân vào việc xử lý thông tin sai lệch,
xuyên tạc cần được triển khai trên tất cả mọi khâu, mọi công đoạn của quy trình
xử lý. Nhân dân tham gia vào việc phát hiện, nhận diện nội dung, tính chất, bản
chất thông tin, xác định nguồn thông tin. Nhân dân tham gia viết bài phê phán,
viết các bình luận phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng. Nhân dân tham gia giám sát quy trình xử lý thông tin. Nhân dân
chủ động trên không gian mạng, trở thành những chiến binh thông thái, có trách
nhiệm trên không gian mạng…
Xây dựng lực lượng có tính toàn dân rộng rãi là yếu tố cơ bản, lâu dài, là
điều kiện quyết định sự thắng lợi cho việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc
trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Tuy nhiên, đối tượng xử lý trong việc truyền
bá, phát tán các thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận
phần đông là những người được đào tạo cơ bản, có hiểu biết khá rộng, nhiều
người trong số họ vốn là những nhà nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu
khoa học xã hội và nhân văn có tính chuyên sâu, có kinh nghiệm trên chính
trường đấu tranh chính trị, tư tưởng, ngoại giao, thông thạo việc sử dụng công
nghệ thông tin và mạng xã hội. Cho nên, việc đấu tranh, xử lý những đối tượng
này cần những người có trình độ cao, hiểu biết rộng, kinh nghiệm thực tiễn
phong phú. Chính vì vậy, phải tổ chức xây dựng lực lượng chuyên trách trên cơ
sở những yêu cầu nhất định, hoạt động có tính chuyên nghiệp cao.
Đội ngũ cán bộ nòng cốt, hoạt động có tính chuyên nghiệp, tham gia xử lý
thông tin sai lệch, xuyên tạc cần được xây dựng, phát triển từ những cán bộ
nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị, cán bộ tuyên giáo, cán bộ chuyên
trách từ các ban Đảng, nhất là Ban Tuyên giáo các cấp, Học viện Chính trị quốc
gia Hồ Chí Minh, các bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng,
Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ
và các bộ, ngành, đoàn thể có liên quan, từ Hội Nhà báo, Liên hiệp các hội văn
học nghệ thuật, Hội Tin học và từ cán bộ trong các thiết chế và cơ quan truyền
thông đại chúng. Trong đội ngũ cán bộ nòng cốt này, cần chú trọng đặc biệt việc
xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, am hiểu sâu sắc chủ
nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước ta và pháp luật quốc tế, hiểu sâu một số lĩnh vực
khoa học công nghệ, khoa học xã hội, nhân văn, khoa học tâm lý, các lý thuyết
truyền thông hiện đại, am hiểu lịch sử dân tộc và cách mạng, có trình độ sử
dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tác chiến trên không gian mạng…
Họ cần phải có bản lĩnh chính trị và quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để
hoàn thành nhiệm vụ. Họ cũng cần phải là người có kinh nghiệm trong nghiên cứu,
phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, biết bút chiến, khẩu chiến với đối
phương một cách hiệu quả.
5. Phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và mạng xã hội, trang bị
phương tiện hiện đại, đầu tư kinh phí bảo đảm xử lý nhanh, hiệu quả thông tin
sai lệch, xuyên tạc
Là những người theo quan điểm duy vật biện chứng, chúng ta nhận thức rằng,
cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện là một trong những điều kiện cần thiết bảo
đảm cho việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc đạt hiệu quả cao. Nếu chỉ đấu
tranh với quan điểm sai trái, thù địch, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc
bằng nhiệt tình cách mạng, bằng lòng yêu nước, yêu chế độ không thôi thì dễ rơi
vào quan điểm duy tâm, duy ý chí.
Rõ ràng, cùng với việc xây dựng và phát triển lực lượng, phát huy nhân tố
con người trong việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, trước hết phải phát
triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và mạng xã hội, coi đây là cơ sở vật
chất, nền tảng công nghệ và truyền thông quan trọng nhất trong hoạt động xử lý.
Việc xây dựng các trang mạng xã hội mạnh của Việt Nam, có sức thu hút với công
chúng và sức cạnh tranh với các trang mạng nước ngoài là một trong những định
hướng lớn thu hút cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp cận dòng thông tin tích
cực, hạn chế tối đa việc truy cập vào các trang mạng xã hội truyền bá tin giả,
tin độc hại, tin đồn thất thiệt. Cần tích cực, chủ động sử dụng các biện pháp
kỹ thuật và công nghệ để xâm nhập, nắm quyền quản trị, điều hành các trang Web,
blog, diễn đàn, mạng xã hội, xóa dữ liệu, vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn truy cập
có thời hạn vào các trang mạng độc hại trong một thời gian nhất định.
Hiện nay, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, điều kiện làm việc, công cụ
xử lý của đội ngũ những người tham gia xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc ở
các địa phương còn nhiều hạn chế, nếu không nói là còn thủ công, lạc hậu so với
các thế lực thù địch.
Phương tiện làm việc cho Ban Chỉ đạo 35, cho các chuyên gia là rất quan
trọng. Cần bảo đảm trụ sở làm việc thích hợp với điều kiện làm việc đặc thù của
Ban Chỉ đạo 35 và trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, bảo đảm cho hoạt động
chỉ đạo, tác chiến của Ban Chỉ đạo và của các chuyên gia như máy tính cá nhân,
điện thoại thông minh được kết nối Internet…
Tăng cường kinh phí cho mọi hoạt động xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Trả thù lao thích đáng cho các chuyên gia phân tích và nhận diện thông tin sai
lệch, xuyên tạc và các chuyên gia viết bài đấu tranh phản bác, vì đây là hoạt
động cần đầu tư nhiều chất xám và nhiệt huyết. Có chế độ thù lao đặc biệt để
khuyến khích các chuyên gia và tất cả những người có bài viết chất lượng cao,
tính chiến đấu sắc bén.
6. Mở rộng hợp tác quốc tế về an toàn thông tin mạng, ưu tiên hợp tác quốc
tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và xây dựng các
công ước, hiệp ước, thỏa thuận quốc tế trong đảm bảo an toàn thông tin trên
mạng xã hội
Chủ thể của các dòng thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng,
lý luận dù là ở nước ngoài hay ở trong nước, phần lớn và thường xuyên sử dụng
mạng xã hội như một loại vũ khí xuyên biên giới để phát tán, truyền bá, chia sẻ
thông tin loại này.
Ở nước ta, trong những năm qua, các hoạt động tấn công mạng nhằm thu thập
thông tin, bí mật của Nhà nước, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống mạng
thông tin; sử dụng các trang mạng xã hội để xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia
có xu hướng tăng. Các thế lực thù địch, tội phạm mạng gia tăng các hoạt động
phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta, truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc
diễn ra với quy mô lớn, cường độ ngày càng cao, bằng những chiến dịch được tổ
chức khá bài bản. Họ còn ứng dụng các phần mềm công nghệ để vượt qua các giải
pháp an toàn thông tin của ta, thực hiện ý đồ nham hiểm của họ.
Sự phát triển bùng nổ của không gian mạng đã xóa bỏ ranh giới giữa các quốc
gia, tạo điều kiện cho các loại hình tội phạm mạng phát triển mạnh mẽ, trong đó
có tội phạm về truyền bá thông tin xấu, độc, chống lại một thể chế chính trị
nào đó, chống lại loài người. Các tội phạm mạng thường lợi dụng kẽ hở do sự
khác biệt về khung pháp lý của các quốc gia hoặc sự chưa đồng bộ giữa luật quốc
tế, thông lệ quốc tế với luật pháp của một nước để thực hiện hành vi sai phạm,
trong đó có hành vi nói dối, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ. Thực tiễn cho thấy,
nếu chỉ dừng lại ở việc truy tố, xét xử, xử phạt từng cá nhân riêng lẻ thì vẫn
chưa thể xử lý tận gốc nguy cơ về an ninh mạng, chưa thể hạn chế triệt để những
tác động xấu của các dòng thông tin giả, độc hại. Các chiến lược quốc gia về an
ninh mạng thường chỉ phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và trình độ phát triển
của từng quốc gia. Để đảm bảo an toàn thông tin mạng và xử lý tội phạm tin giả,
thế giới cần xây dựng những tiêu chuẩn chung và đồng bộ để thống nhất hành
động.
Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an toàn thông tin mạng cần được tiến hành
thường xuyên dưới nhiều hình thức song phương và đa phương, bằng các quy tắc,
quy định, các công ước, hiệp ước hay thỏa thuận quốc tế. Các văn bản mang tính
pháp lý này trước hết cần đảm bảo cho an ninh mạng của các quốc gia, chủ quyền
quốc gia của các thành viên, vừa phải đảm bảo cho việc phát triển kinh tế - xã
hội, vừa bảo vệ quyền con người trên môi trường mạng.
Giải pháp về công nghệ nhằm ngăn chặn hay gỡ bỏ thông tin sai lệch, xuyên tạc
thường có giới hạn của nó. Nhiều chủ thể truyền bá thông tin sai lệch, xuyên
tạc rất thành thạo trong việc sử dụng phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại
để che dấu hành vi phạm tội hoặc vượt qua các biện pháp ngăn chặn, phá sóng của
ta. Mặt khác, các thế lực thù địch vốn nắm giữ các phát minh, sáng chế về công
nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số và áp dụng các phát minh, sáng
chế này khá tốt trong việc truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh
vực tư tưởng, lý luận. Họ còn tham mưu, tư vấn cho các thế lực phản động bên
trong nước ta, các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất vận dụng, sử dụng công
nghệ nhằm lách luật của ta, chống lại ta. Rõ ràng, để thực hiện tốt giải pháp
về công nghệ trong xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, chúng ta phải phát
triển nội lực về công nghệ, về an toàn thông tin mạng thông qua việc trang bị
phương tiện kỹ thuật và nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại
nhất, công nghệ số hóa, các thành tựu mới của cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời
phải đào tạo cơ bản, hệ thống, chuyên sâu và chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ sử
dụng công nghệ tham gia việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc. Tăng cường
các hoạt động nhằm chia sẻ kinh nghiệm về đảm bảo an toàn thông tin mạng, về xử
lý thông tin sai lệch, xuyên tạc với các nước nhất là các nước tương đồng về
thể chế chính trị. Mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân
lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, nhất là về an toàn thông tin mạng.
Tăng cường ký kết các hiệp ước, điều ước, các hiệp định song phương, đa phương
trong việc chuyển giao công nghệ, trong việc xây dựng hệ thống pháp luật và các
qui định, chế tài mang tính quốc tế về lĩnh vực này cần trở thành một hướng ưu
tiên trong hợp tác quốc tế về xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc nói riêng và
bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia ở Việt Nam hiện nay.
Những định hướng trên là một thể thống nhất, qui định việc xác định nhiệm
vụ, giải pháp, lựa chọn qui trình xử lý đúng đắn, triệt để các thông tin sai
lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, bảo vệ vững chắc nền tảng tư
tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
NQR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét