Nhìn lại lịch sử có thể thấy rõ, nếu chỉ vì “tìm sinh kế” cho cá nhân, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã không tham gia cuộc biểu tình chống thuế ở Trung Kỳ và chỉ cần tiếp tục theo học các trường bản xứ ở ngay trong nước và trở thành một công chức có cuộc sống thuận lợi trong bộ máy chính quyền thuộc địa. Con đường này rộng mở và ít hiểm nguy hơn rất nhiều so với con đường đi ra nước ngoài với hai bàn tay trắng.
Mục tiêu ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân của Hồ Chí Minh không chỉ được thể hiện ở quyết tâm cao độ, dám lựa chọn con đường đầy những chông gai, thử thách, mà còn được khẳng định qua những suy nghĩ, việc làm của Người trong suốt hành trình bôn ba ở nước ngoài.
Làm phụ bếp, công việc rất vất vả, cực nhọc suốt từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối, nhưng khi xong việc, Người lại tiếp tục đọc hoặc ghi chép đến nửa đêm mới đi nằm. Mục đích không gì khác hơn là để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân, từ đó sẽ giúp ích cho đất nước, dân tộc.
Luôn theo đuổi mục tiêu cứu nước, cứu dân, nên khi các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ I họp Hội nghị Vécxây (Pháp), với những lời hứa hẹn mở ra hy vọng mới cho các dân tộc thuộc địa về quyền dân tộc tự quyết, Hồ Chí Minh đã đề xướng việc gửi đến Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam, gồm 8 điểm, đòi các quyền tự do dân chủ. Tuy Bản yêu sách đã không được các nước tham dự hội nghị đếm xỉa đến. Song, nó giúp Hồ Chí Minh “hiểu rằng những lời tuyên bố tự do của các nhà chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc. Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”(9).
Cứu nước, cứu dân cũng là lý do để Hồ Chí Minh gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Trả lời câu hỏi tại sao gia nhập Đảng, Người nói rõ: “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của đại cách mạng Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Và cũng trong quá trình tìm đường cứu nước Hồ Chí Minh đã gặp được “Luận cương các vấn đề về dân tộc và thuộc địa của Lênin” và từ đó dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin Người đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét