Thời gian tới, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên và hệ thống chính
trị còn diễn biến phức tạp. Đại dịch Covid-19 sẽ tác động lên nhiều mặt, ảnh
hưởng sâu rộng đến đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Không ít cán bộ,
đảng viên sẽ tìm cách lôi kéo, móc nối, tạo lập nhóm lợi ích để dễ dàng thực
hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng, đồng thời, tìm mọi cách loại bỏ những người
trung thực, thắn thắn dám đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Tình hình thế
giới, khu vực sẽ có nhiều thay đổi mau lẹ, khó lường, ảnh hưởng đến vai trò
lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trên một số
lĩnh vực, trong đó có công tác PCTN, tiêu cực. Các thế lực thù địch sẽ tiếp tục
đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, xuyên tạc về công tác PCTN, tiêu cực của Đảng,
Nhà nước ta… Tuy nhiên, công tác PCTN, tiêu cực sẽ tiếp tục được Đảng và Nhà
nước ta triển khai thực hiện quyết liệt, quyết tâm chính trị cao hơn, trở thành
xu thế, “ không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, thực hiện đồng bộ các biện
pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế và hình sự, trong đó tập
trung vào các giải pháp căn cơ sau:
Một là, tiếp tục tập trung phát
hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, nhất
là thông qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy
tố, xét xử, thi hành án; trong đó chú trọng xử lý cả các vụ việc tiêu cực trong
cán bộ, đảng viên có tính chất phức tạp, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm. Tập
trung đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, sai phạm
kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với quan điểm: Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu
xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi phạm tội là ai, đã có dấu hiệu
phạm tội phải khởi tố điều tra và đã kết lụân có tội thì phải truy tố, xét xử.
Các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra
toán, thi hành án, nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội phải kịp thời chuyển hồ sơ
vụ việc đến cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo pháp luật, không
chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án.
Hai là, tăng cường công tác xây
dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, nâng cao hơn nữa nhận thức về PCTN, tiêu cực
trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhận thức yếu kém, sai
lệch của một bộ phận cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về
công tác PCTN, tiêu cực là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế,
khuyết điểm của công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian qua. Nhận thức đúng đắn
về vai trò, tác dụng của công tác PCTN, tiêu cực sẽ làm cho cán bộ, đảng viên,
nhất là người đứng đầu cấp ủy khi triển khai thực hiện sẽ nghiêm chỉnh, tích
cực, quyết liệt hơn. Vì vậy, trong thời gian tới, để công tác đấu tranh PCTN,
tiêu cực đạt hiệu quả cao hơn nữa, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng các cấp nâng
cao hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong
xã hội. Tham nhũng, tiêu cực là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Kiên
quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội
bộ. Thường xuyên giáo dục, đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho cấp ủy, tổ chức đảng
các cấp và đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng
cơ quan, đơn vị về vai trò, tác dụng to lớn của công tác PCTN, tiêu cực. Phải
đẩy mạnh giáo dục liêm chính, hình thành “văn hóa nêu gương”, “nói đi đôi với
làm”; văn hóa “trọng liêm sỉ, danh dự” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên
chức và văn
hóa “căm ghét tham nhũng” trong đại bộ phận quần chúng nhân dân.
Cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên sử dụng sinh hoạt đảng thường kì hàng
tháng hoặc tổ chức sinh hoạt chuyên đề để tuyên truyền, nâng cao nhận
thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác phòng, chống tiêu cực, tham
nhũng. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên
đấu tranh, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động cung cấp
thông tin chính xác, khách quan, khoa học về PCTN, tiêu cực, phòng chống “diễn
biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, internet… Thường xuyên mở
các hội nghị, hội thảo khoa học, lớp tập huấn và phát động các cuộc thi tìm
hiểu về công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, tạo ra một khí thế mới, một
“khao khát mới”, sục sôi và quyết liệt hơn trong đấu tranh chống tham nhũng,
tiêu cực.
Ba là, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế kiểm
soát chặt chẽ quyền lực trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị theo hướng
thật đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục bằng được sự lạm quyền,
lộng quyền và lợi dụng quyền lực của cán bộ, đảng viên có chức vụ. Để làm được điều này, phải thiết lập cho được
một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền
hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế;
quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm
đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. Đặc biệt, phải chú trọng quy
định thật cụ thể chế tài xử lý vi phạm đối với cán bộ, đảng viên có hành vi
tham nhũng, tiêu cực ở nhiều lĩnh vực. Xây dựng được cơ chế kiểm soát bên trong
thật hiệu quả để việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm, tham nhũng, tiêu
cực trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị không còn “là khâu yếu”. Không để xảy
ra sai phạm, tiêu cực trong việc bổ nhiệm, quy hoạch, luân chuyển, điều động
cán bộ; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân
chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội. Phát huy sức
mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để kiểm soát quyền lực.
Tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra,
kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nhà nước; công tác giám sát của các
cơ quan tư pháp, cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã
hội, báo chí và nhân dân đối với việc thực thi nhiệm vụ của người có chức vụ,
quyền hạn, bảo đảm quyền lực được thực hiện đúng. Tăng cường kiểm tra, giám sát
đối với các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, xử lý vụ việc, vụ
án tham nhũng; chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh vi phạm trong thực thi
nhiệm vụ của cán nhân, cơ quan, đơn vị này, phải chống tham nhũng ngay trong
các cơ quan chống tham nhũng.
Bốn là, tăng cường hoạt động kiểm tra,
giám sát, kỷ luật Đảng của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được
thực hiện nghiêm túc sẽ giảm thiểu hành vi tiêu cực, phát hiện kịp thời những
vi phạm của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám
sát được thực hiện nghiêm chỉnh sẽ là lời cảnh tỉnh, răn đe đối với những cán
bộ, đảng viên đã và đang có ý định thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định đây
là một trong những giải pháp “then chốt” để xử lý hiệu quả tệ nạn tham nhũng, tiêu
cực. Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, công tác
kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có
trọng tâm, trọng điểm. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ
đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Phải kiểm tra, giám sát
tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề
nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, trọng tâm là đầu tư công, xây dựng cơ bản từ
vốn nhà nước, hoạt động tín dụng, cho vay, việc quản lý, sử dụng đất đai, tài
nguyên, khoáng sản; hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; cổ
phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài
sản đầu tư vào danh nghiệp... Chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực
trong công tác tổ chức và cán bộ; kiểm tra, giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý
các cấp, nhất là người đứng đầu và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh
đạo, quản lý; kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, tiêu
cực, nhiều dư luận và đơn thư phản ánh, tố cáo tham nhũng; suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội
bộ. Xây dựng thực hiện nghiêm chỉnh cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan,
đơn vị trong hoạt động kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Có quy định bắt buộc
các cơ quan, ban ngành phải cung cấp đầy đủ cơ sở dữ liệu thông tin về đối
tượng bị kiểm tra. Nếu cơ quan nào có dấu hiệu tiêu hủy, bao che, không cung
cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật thì sẽ bị xử lý theo mức độ vị phạm.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng
thì cần mở rộng kiểm tra, giám sát toàn bộ cơ quan, đơn vị của cá nhân đó. Tập
trung kiểm tra, giám sát những người thân tín trong cùng một cơ quan, đơn vị,
kể cả người thân tín của họ đang hoạt động trong các cơ quan, đơn vị khác. Khi
phát hiện cán bộ, tổ chức, cơ quan cấp dưới có hành vi tiêu cực, tham nhũng
diễn ra trong thời gian dài thì cần kiểm tra công tác thanh kiểm tra của cấp
ủy, ủy ban kiểm tra, cơ quan thanh tra cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị
đó nhằm đánh giá, kết luận có hành vi bao che, tiếp tay cho tiêu cực.
Năm là, hoàn thiện thể chế quản lý về kinh
tế - xã hội, bịt kín các “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”, ngăn ngừa
việc chuyển dịch tài sản bất hợp pháp có được từ tham
nhũng, tiêu cực. Trong thời gian
tới, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh
tế - xã hội, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong quản lý, sử
dụng ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cổ phần hóa
doanh nghiệp nhà nước để kiểm soát có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của
người có chức vụ, quyền hạn, tăng cường và nâng cao hiệu quả PCTN, tiêu cực.
Hoàn thiện cơ chế kiểm soát, giám sát nội bộ trong hoạt động nghiệp vụ, lãnh
đạo, quản lý ở các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nhà nước về tài
chính, tài sản công để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Hiện nay,
các quy định về việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức đã dần được hoàn
thiện, nhưng chưa đủ sức để “truy quét” được tài sản tham nhũng, tiêu cực. Pháp
luật về thuế, về bất động sản chưa đánh thuế đối với các bất động sản thứ hai
của chủ sở hữu nên tạo ra kẽ hở để cán bộ, công chức “hợp pháp hóa” tài sản
tham nhũng, tiêu cực bằng việc để người thân đứng tên trên bất động sản, chuyển
hóa tài sản tham nhũng thành tài sản hợp pháp. Do vậy, cần phải ban hành Luật
Thuế về tài sản để điều tiết đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ về nhà,
đất, hạn chế tình trạng “rửa tiền” “hợp pháp hóa” tài sản của đối tượng tham
nhũng, tiêu cực. Đồng thời, ban hành quy định tất cả các giao dịch mua bán tài
sản có giá trị (tiền tỷ) của người thân (cha mẹ, anh em, con ruột, con nuôi )
của cán bộ, công chức không được thực hiện bằng tiền mặt, nhằm phục vụ cho hoạt
động thanh tra, kiểm tra, điều tra các đối tượng bị tình nghi tham nhũng, tiêu
cực khi truy vết, theo dõi dòng tiền, phát hiện các giao dịch nghi ngờ tài sản
đã mua, bán là do hành vi tham nhũng, tiêu cực tạo ra.
Sáu là, hoàn thiện chế độ, chính sách về
tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Đây được xem là một trong những giải pháp rất
quan trọng để ngăn ngừa hành vi tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng
viên. Singapore đã trả lương rất cao cho cán bộ, công chức đủ để họ nuôi sống
bản thân và gia đình mà “không cần tham nhũng”. Khi cán bộ, công chức đã được
đảm bảo cuộc sống họ sẽ yên tâm cống hiến hết năng lực, sở trường. Ngược lại,
khi cuộc sống của đội ngũ cán bộ, công chức không được bảo đảm thì họ sẽ có nguy
cơ nhũng nhiễu, tiêu cực. Vì vậy, cần hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ,
tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, công chức làm
trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, tiêu cực. Để làm được điều
này, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp như: Tinh giảm biên chế để tăng quỹ
lương; đẩy mạnh thực hiện quy chế tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự
nghiệp công lập; hoàn thiện bảng mô tả công việc; bố trí sắp xếp việc làm và
trả lương theo đúng chuyên môn, năng lực, phù hợp với vị trí việc làm; quy định
chế độ “dưỡng liêm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét