Một là, thách thức đến từ sự tinh vi, phức tạp của hành vi tham
nhũng, tiêu cực. Hành
vi tham nhũng, tiêu cực rất đa dạng, phức tạp và biến tướng ngày càng tinh vi,
khó phát hiện. Nếu như trước đây, tham nhũng chỉ đơn giản là hành vi “ăn cắp
vặt”, nhận “phong bì”, lợi ích vật chất nhỏ, tính chất riêng lẻ, đơn giản, manh
mún, thì nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tham nhũng đã
“biến hình”, khoản tiền tham nhũng ngày càng lớn hơn, hành vi có tính cấu kết,
nhiều vụ có tổ chức, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, “lợi ích nhóm” ngày càng chặt
chẽ, khép kín, có sức mạnh “lũng đoạn” các quyết sách của cả tập thể, tổ chức.
Lợi ích mà tham nhũng hướng đến không chỉ dừng lại ở vật chất nữa, mà còn phi
vật chất, không chỉ diễn ra trong khu vực công, mà còn trong khu vực tư, có sự
móc nối, câu kết chặt chẽ giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà
nước với doanh nghiệp... Không chỉ tham nhũng, hành vi tiêu cực còn đa dạng,
tinh vi, phức tạp hơn, biểu hiện trong tất cả các lĩnh vực công tác, đời sống
chính trị của cán bộ, công chức, viên chức...
Hai là, thách thức từ chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng. Luật
PCTN năm 2018 quy định “tham nhũng” là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn
đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (Khoản 1, Điều 3). Như vậy, chủ
thể của hành vi tham nhũng rất đặc biệt, phải là những người có chức vụ, quyền
hạn. Khoản 2, Điều 352 Bộ luật hình sự 2015 và Khoản 2, Điều 3 Luật PCTN giải
thích: “Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển
dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng
lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất
định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”. Luật PCTN cũng chia thành 5
nhóm chủ thể có chức vụ, quyền hạn, trong đó điển hình nhất là nhóm cán bộ,
công chức, viên chức. Xuất phát từ chức vụ, quyền hạn của mình, chủ thể thực
hiện hành vi tham nhũng thường có nhiều quyền lực, quan hệ, kinh nghiệm, hiểu
biết và họ có thể sử dụng quyền lực, quan hệ, hiểu biết, kinh nghiệm, tiền bạc
để “ẩn mình”, “bọc lót”, che chắn cho việc vi phạm rất chắc chắn, kỹ lưỡng,
thậm chí tác động ngược trở lại các công cụ chống tham nhũng để làm giảm hoặc
vô hiệu hóa khả năng chống tham nhũng của các công cụ này. Những đặc điểm này
của chủ thể hành vi tham nhũng chính là yếu tố gây khó khăn, thách thức lớn cho
việc phát hiện, điều tra, xét xử hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, thách thức từ sự suy thoái, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ,
đảng viên, nhất là trong cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực. Sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong
cán bộ, đảng viên là vấn đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến khi người bàn
về đạo đức cách mạng. Người luôn coi chủ nghĩa cá nhân, chứng bệnh tiêu cực là
một loại giặc “nội xâm”, thứ bệnh nguy hiểm ẩn nấp trong lòng mỗi con người,
nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm, vì nó phá ta “từ trong phá ra”. Thứ bệnh
này cũng được Đảng ta nhận diện, chỉ ra từ Đại hội VI, nhưng đặc biệt được quan
tâm và đề cập rõ nét về tính chất diễn biến phức tạp, nhất là những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đại hội XII, XIII. Tại Hội nghị cán bộ toàn
quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương
về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua (diễn ra ngày 9/12/2021, tại Hà Nội), đồng
chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị rất sâu
sắc và quan trọng. Theo đồng chí Tổng Bí thư, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII)
lại tiếp tục bàn về việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng vì nhiều lý do,
nhưng chủ yếu là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng
cũng còn những hạn chế, khuyết điểm. Trong đó, “hệ thống chính trị ở nước ta
chưa thực sự trong sạch, vững mạnh như mong muốn; không ít cán bộ, đảng viên,
nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát
sinh tham nhũng, tiêu cực vẫn thiếu tu dưỡng và rèn luyện, vẫn sa vào chủ nghĩa
cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ
luật của Đảng và xử lý hình sự”. Đồng chí Tổng Bí thư đã nghiêm túc, thẳng thắn
chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do: “Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh
đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình… không
thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, thẳng thắn phê
bình, tự phê bình, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa”, thậm chí còn mắc vào chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm, bị
cám dỗ bởi lợi ích vật chất; thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân
dân”(6).
Nhưng điều đáng lo hơn cả là, hiện nay,
sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng, lãng phí
trong một số cán bộ, đảng viên trong các cơ quan có chức năng PCTN đã bắt đầu
xuất hiện và ngày càng gia tăng. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, có không ít
các vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng
chống tham nhũng. Đơn cử, trong ngành Thanh tra, trong giai đoạn 2013-2020,
trong các cơ quan thanh tra nhà nước đã xảy ra 71 vụ việc tham nhũng, tiêu cực,
trong đó 3 vụ việc xảy ra tại thanh tra cấp bộ, 16 vụ việc xảy ra tại thanh tra
cấp tỉnh, 42 vụ tại Thanh tra cấp huyện và 9 vụ tại Thanh tra sở. Số cán bộ,
công chức, viên chức thanh tra có hành vi tham nhũng, tiêu cực là 105 người(7). Dân gian có câu “làm nghề nào ăn nghề ấy” để
nói về nghề nghiệp của mỗi người, ai làm nghề nào thì sống bằng nghề đó, nhưng
dân gian cũng có câu “làm nghề nào, xào nghề đó” để chỉ những người tham ô,
tham nhũng, kiếm chác, lợi dụng vị trí công tác, nghề nghiệp của mình để trục
lợi. Và điều này cũng không loại trừ tình trạng tham nhũng trong chính những cơ
quan có chức năng chống tham nhũng. Bởi vậy, đồng chí Tổng Bí thư đã nhiều lần
nhấn mạnh: “Phải chống tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng
chống tham nhũng”. Đây là một thách thức rất lớn đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta
phải có biện pháp kiên quyết, toàn diện và triệt để trong phòng ngừa và xử lý
tham nhũng, tiêu cực, nhất là phải kiểm soát cho được quyền lực của những người
có quyền lực, có trách nhiệm trong PCTN, không để sự tha hóa, biến chất, sự suy
thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lợi dụng, lạm dụng quyền lực để trục
lợi.
Bốn là, thách thức trong quá trình hội
nhập, đổi mới và sự tác động tiêu cực từ nền kinh tế thị trường. Mặt trái của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập
kinh tế quốc tế tác động không nhỏ làm phát sinh nhận thức chính trị sai lệch
trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Một số thế lực thù địch triển khai các
hành động chống phá, thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn
lật đổ”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đưa ra các luận
điệu vô cùng gian xảo hòng làm thay đổi tư tưởng chính trị của một bộ phận cán
bộ, đảng viên, từ đó hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và phủ định con đường đi
lên CNXH ở Việt Nam. Mặt khác, hội nhập quốc tế đặt ra những vấn đề phức tạp,
khó khăn và thách thức cho công tác PCTN nhất là trong việc xác định hành vi
tham nhũng và các biện pháp đấu tranh PCTN. Tham nhũng ngày càng tinh vi, phức
tạp hơn bởi có yếu tố nước ngoài (việc chuyển tài sản, tiền tham nhũng ra nước
ngoài hoặc hành vi tiếp tay cho hoạt động rửa tiền của các tổ chức, cá nhân ở
nước ngoài vào Việt Nam; người tham nhũng có thể lựa chọn nước ngoài là nơi
không chỉ tẩu tán tài sản tham nhũng mà còn là nơi để trốn tránh sau khi có
hành vi tham nhũng, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi
hành án đối với tội phạm nguy hiểm này)(8).
Ngoài ra, mặt trái nền kinh tế thị
trường có thể làm thay đổi nhận thức, hành động của một bộ phận cán bộ, đảng
viên. Không ít cán bộ kiên trung, gan dạ trong thời kỳ chiến tranh nhưng trong
thời bình, lại bị khuất phục nhanh chóng bởi sức mạnh của vật chất, tiền bạc.
Họ không còn giữ được phương châm, nguyên tắc “đặt lợi ích của Tổ quốc, Đảng,
Nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân”. Nhiều cán bộ, đảng viên sùng tín lối
sống thực dụng, hưởng thụ, tôn thờ “chủ nghĩa cá nhân”, thích sống một cuộc
sống xa hoa, phú quí, cống hiến thì ít mà muốn hưởng thụ thì nhiều, nên sách
nhiễu, làm khó để vòi vĩnh, “gợi ý”, “lót đường”, “rải thảm”. Để có tiền, có
điều kiện đáp ứng lại lối sống này thì cán bộ, đảng viên rất dễ tham nhũng,
tiêu cực. Đây là thách thức không thể tránh khỏi trong khi chúng ta vừa xây
dựng, chỉnh đốn Đảng, vừa tiếp tục duy trì và phát triển nền kinh tế thị trường
định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu để góp
phần xây dựng đất nước phát triển hùng cường, giàu mạnh.
Năm là, thách thức từ chế độ
chính sách, tiền lương còn thấp, chưa bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức
đủ sống để “không cần tham nhũng”. Chế độ chính sách, tiền
lương được ổn định, phù hợp, công bằng có vai trò rất quan trọng đối với việc
bảo đảm cho cuộc sống, tạo động lực làm việc và giữ vững sự liêm chính của đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, hiện nay, mức lương của cán bộ,
công chức, viên chức còn thấp so với mức lương tối thiểu khu vực sản xuất, tư
nhân. Hệ thống lương công vụ vẫn nặng tính bình quân, “cào bằng”, nặng tính
bằng cấp, chưa phù hợp với năng lực làm việc. Điều này khiến cho cán bộ, công
chức “không đủ sống”, từ đó dẫn đến việc hình thành hành vi tiêu cực, “tham
nhũng vặt”.
Sáu là, thách thức từ tâm lý, văn hóa
truyền thống Á Đông có những điều kiện tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng,
tiêu cực phát triển. Văn
hóa truyền thống của Việt Nam được sản sinh từ nền văn minh lúa nước, nền sản
xuất nhỏ và manh mún, người nông dân tự lo liệu mọi việc trong mảnh ruộng của
mình từ đó hình thành nên tâm lý tiểu nông, tư lợi, thu vén cá nhân, “việc ai
người ấy lo, bè ai người ấy chống”, không quan tâm đến những người xung quanh
“của mình thì giữ bo bo, của người thì để cho bò nó ăn”. Ngoài ra, trên nền
tảng sản xuất nông nghiệp nhỏ nên không đòi hỏi sự phân công, phối hợp trong
sản xuất, người nông dân nảy sinh tâm lý thích thì làm, không thích thì nghỉ,
tùy tiện. Đồng thời, cuộc sống tiểu nông sau “lũy tre làng” cũng dẫn đến thói
quen trọng tình, trọng nghĩa hơn trọng lý. Tất cả những điều này hình thành nên
một hệ ý thức văn hóa tiểu nông, cá nhân, tùy tiện, vô nguyên tắc, thiếu tôn
trọng pháp luật. Về phía người dân, tâm lý “dĩ hòa vi quý”, không có thói quen
sử dụng pháp luật để đấu tranh với cái sai, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng
của mình khi bị xâm phạm dẫn đến thái độ thỏa hiệp, sống chung với tham nhũng.
Thậm chí, nhiều người dân, doanh nghiệp còn chủ động lo lót, hối lộ, “đồng tiền
đi trước là đồng tiền khôn” để “được việc”, giành lợi thế trong sản xuất kinh
doanh. Về phía cán bộ, đảng viên, hệ văn hóa tiểu nông dẫn đến tâm lý chạy theo
lợi ích cá nhân, thiếu tôn trọng pháp luật, không nhìn được cái toàn cục, dẫn
tới hành vi tham nhũng, tiêu cực. Nhiều cán bộ, công chức khi giải quyết công
việc cho người dân, doanh nghiệp còn có tư tưởng làm ơn, ban phát, có qua có
lại “muốn ăn chân giò phải thò chai rượu”, từ đó, “tham nhũng vặt” trở thành
một hiện tượng phổ biến trong xã hội, hễ có cơ hội là họ tham nhũng dù số tiền
không lớn. Tâm lý tiểu nông còn khiến cho một bộ phận cán bộ, đảng viên còn nể
nang, né tránh, ngại va chạm khi phê bình và tự phê bình, theo phương châm “im
lặng là vàng”, “dĩ hòa vi quý”, dù biết rất rõ hành vi tiêu cực của đồng chí,
đồng đội nhưng không muốn phê bình, tố giác, vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích của
bản thân, đồng thời bị coi là “cạn tàu ráo máng”, có lý nhưng không có tình.
Nghiêm trọng hơn, một số cán bộ, đảng viên “khen giả còn hơn chê thật” để lấy
lòng(9). Một bộ phận cấp ủy, tổ chức đảng vẫn nhận
thức sai lầm rằng, công tác PCTN, tiêu cực rất nguy hiểm nên không nên mạnh
dạn, quyết liệt trong phát hiện, đấu tranh, thậm chí còn tìm mọi cách né tránh
trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Thậm chí, họ còn cho rằng, nếu
cứ PCTN, tiêu cực, xử lý kỷ luật quá nhiều cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp
cao sẽ làm nhụt ý chí phấn đấu, cố gắng, làm chùn bước cán bộ lãnh đạo quản lý,
không khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong đội ngũ
cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đã xuất hiện đâu đó lối suy nghĩ kiểm điểm, xử lý
nhiều cán bộ quá thì sẽ thiếu cán bộ, không có đủ cán bộ để thực hiện nhiệm vụ.
Đây là một trong những nguyên nhân chủ
yếu đẫn đến tình trạng thiếu sức chiến đấu xảy ra ở một số cấp ủy, tổ chức đảng
như Đảng ta đã chỉ ra trong thời gian qua. Khi cán bộ, đảng viên thiếu sức
chiến đấu, người dân coi tham nhũng, tiêu cực là bình thường, chấp nhận sống
chung thì cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực của chúng ta gặp phải trở ngại, thách
thức vô cùng lớn. Bởi vì, nhận thức, tâm lý, tư tưởng là cái gốc rễ, nếu không
nhận thức đúng thì hành động sẽ sai. Nếu nhận thức sai lệch, cán bộ, đảng viên,
nhân dân thỏa hiệp, sống chung với tham nhũng, tiêu cực, coi cuộc chiến chống
tham nhũng, tiêu cực không phải là trách nhiệm của mình thì cuộc đấu tranh
PCTN, tiêu cực sẽ không thể được tiến hành một cách triệt để, tham nhũng, tiêu
cực sẽ không được quét sạch. Do vậy, đây là một thách thức có ảnh hưởng rất
lớn, nếu không chuyển hóa, đánh bật được nhận thức, tâm lý sai lệch này thì
không thể thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực.
Bảy là, thách thức đến từ sự yếu kém trong
công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực đời sống xã hội. Mặc dù Việt Nam đã tiến hành đổi mới
được 35 năm, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện,
tạo nhiều dấu ấn nổi bật; “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và
uy tín quốc tế như ngày nay”(10) nhưng
đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế. Công tác quản
lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội còn có nhiều yếu kém. Tại
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN từ năm 2013-2020, Ban Chỉ đạo Trung
ương về PCTN, tiêu cực đã chỉ ra, một trong những hạn chế, bất cập dẫn đến tham
nhũng hiện nay là thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, thể chế về PCTN, tiêu
cực còn nhiều khiếm khuyết, tạo kẽ hở, điều kiện thuận lợi cho một bộ phận cán
bộ, đảng viên suy thoái, biến chất lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng,
tiêu cực, làm thất thoát rất lớn tài sản công. Điển hình là các quy định về
quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp còn lỏng lẻo, để xảy ra
nhiều vi phạm; quy định về quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều sơ hở, nhất là
quy định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất dẫn đến tình trạng vi phạm pháp
luật, lãng phí đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi. Tình trạng thất thoát tài sản do
tham ô, cố ý làm trái trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn diễn ra. Các quy định về
đấu thầu chưa khắc phục được tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, chưa giúp các cơ
quan thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm phổ biến trong quá
trình đấu thầu... Thách thức này đòi hỏi chúng ta phải gấp rút tập trung nguồn
lực, hoàn thiện về mặt thể chế để quản lý kinh tế - xã hội tốt hơn, tạo ra cơ
chế để “không thể tham nhũng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét