Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

Thách thức và giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay

 

Ở Việt Nam, trong thời gian qua, những kết quả đạt được trong PCTN, tiêu cực là rất quan trọng, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, có mặt thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, với những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của thế giới và khu vực trong thời gian tới, cũng như tình hình trong nước cho thấy Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong PCTN, tiêu cực, đòi hỏi những giải pháp căn cơ, đột phá. Với ý nghĩa đó, bài viết phân tích, bước đầu làm rõ những thách thức, từ đó đưa ra những giải pháp, khuyến nghị đối với Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả PCTN, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay.

 

    Thời gian qua, không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng, hành chính của Nhà nước và xử lý hình sự. Tổng kết công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ XII, Đại hội XIII đã chỉ ra: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp”(1).

 

    Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, công tác PCTN, tiêu cực đã được đẩy mạnh, có nhiều điểm đột phá. Thậm chí, có thể khẳng định, một trong những thành tựu nổi bật nhất trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng là công tác PCTN; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sự thay đổi rõ rệt về chất. Đánh giá về công tác PCTN, lãng phí, Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Công tác đấu tranh PCTN được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”(2).

 

Description: Phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

    Tổng kết về công tác PCTN, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng cho thấy, có đến hơn 87 nghìn đảng viên bị kỷ luật(3), trong đó vi phạm chủ yếu là nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm, tham nhũng, tiêu cực, buông lỏng lãnh đạo, cố ý làm trái.  Kết quả cũng cho thấy, có đến 113 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý bị kỷ luật (tăng hơn 10 lần so với nhiệm kỳ Đại hội XI - chỉ xử lý 11 trường hợp cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý). Thanh tra Chính phủ và thanh tra chuyên ngành đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý gần 450 vụ, hơn 600 đối tượng. Kiểm toán nhà nước đã chuyển gần 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Từ năm 2013-2020, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo(4).

 

    Tuy nhiên, “Công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chuyển biến chưa rõ rệt, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác PCTN chưa được đề cao. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi… Tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi; tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội… Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(5).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét