Theo Người, giáo dục lý luận chính trị phải: Gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi
với hành. Mối quan hệ qua lại giữa lý luận và thực tiễn là phản ánh mối quan hệ
quá trình nhận thức biện chứng thực tế khách quan, từ trực quan sinh động đến tư
duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Thực tiễn là nguồn gốc, là cơ
sở, là động lực của lý luận. Thực hiện phương châm học đi đôi với hành đòi hỏi phải
thống nhất nhận thức: việc giáo dục lý luận phải nhằm đạt được mục đích. Bởi vậy,
với mỗi khóa học, lớp học, cơ sở đào tạo phải có kế hoạch gắn nội dung học tập với
tham quan thực tế, phải khai thác kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị đến tham
quan, nghiên cứu thông qua người học. Phải kiên quyết chống bệnh hình thức, đi thực
tế theo lối “cưỡi ngựa xem hoa” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Trong kế hoạch
nghiên cứu thực tiễn cần mạnh dạn tới những nơi được coi là có nhiều vấn đề đòi
hỏi lý luận lý giải.
Bảo đảm thống nhất giữa tính đảng, tính khoa học. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định,
trong giáo dục lý luận chính trị đòi hỏi phải tuyệt đối phải trung thành với Chủ
nghĩa Mác - Lênin. Xa rời nền tảng lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin sẽ rơi vào
chủ nghĩa giáo điều và xét lại. Thực hiện phương châm này, đòi hỏi những người làm
công tác giáo dục lý luận chính trị chẳng những phải vững vàng, sâu sắc về lý luận
mà còn phải có quá trình hoạt động thực tiễn phong phú và thường xuyên cập nhật
kiến thức mới, có ý thức khắc phục và khắc phục bằng được lối dạy chay, thoát ly
thực tế.
Tính khoa học phải được thể hiện ở sự mô tả hiện thực một cách khách quan cùng với
những nguyên nhân của nó, tránh “tô hồng” hoặc “bôi đen” hiện thực. Bảo đảm tính
đảng, tính khoa học mới có thể thực hiện được mục tiêu giáo dục lý luận chính trị
của Đảng.
Kết hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội. Việc kết hợp giữa gia đình, nhà
trường và xã hội trong giáo dục được xem là vấn đề có tính nguyên tắc bảo đảm cho
mọi hoạt động giáo dục có điều kiện đạt hiệu quả tốt. Sự phối hợp chặt chẽ giữa
ba môi trường trên sẽ bảo đảm được sự thống nhất trong nhận thức cũng như trong
hành động của giáo dục lý luận chính trị, thúc đẩy quá trình hoàn thiện nhân cách
cán bộ.
Để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị, theo Chủ tịch
Hồ Chí Minh cần đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học của người thầy
trong giáo dục lý luận chính trị.
Trong bài diễn văn khai mạc lớp lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, Người
căn dặn: “Việc học tập lý luận chính trị không phải nhằm biến các đồng chí thành
những người lý luận suông mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí được
tốt hơn, nghĩa là các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin
để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn
đề thực tế trong cách mạng của chúng ta. Như thế học tập lý luận cốt để áp dụng
vào thực tế”. Người cán bộ giảng dạy lý luận chính trị đòi hỏi phải có một nền tảng
lý luận và vốn thực tiễn phong phú, để kiểm nghiệm lý luận và nâng nhận thức lý
luận lên tầm cao mới. Có như thế người giảng viên mới có thể thực hiện mục tiêu
giáo dục lý luận: “Mục đích học để vận dụng chứ không phải học vì lý luận”. Người
yêu cầu phải bồi dưỡng giảng viên lý luận cho các chi bộ, cho các tổ chức cơ sở
đảng. Và, tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính
trị là nhiệm vụ quan trọng của mình. Bởi theo Người lý luận là trí khôn của Đảng:
“Đảng không có lý luận thì khác nào người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ
nam”.
Đất nước ngày càng đối mới và phát triển cùng với bước đi chung của nhân loại nhưng
không vì thế mà công tác giáo dục lý luận chính trị bị xem là lỗi thời. Thực tế
chứng minh rằng, đất nước càng đổi mới thực chất là càng trở về với tư tưởng Hồ
Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương châm, chiến lược, mục đích, nội dung, phương pháp
giáo dục - đào tạo con người luôn soi sáng sự nghiệp trồng người ở Việt Nam. Tư
tưởng đó không chỉ là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo con người,
chủ trương, đường lối chỉ đạo phát triển nền giáo dục Việt Nam của Đảng ta qua các
thời kỳ cách mạng, mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục
hết sức sinh động, thiết thực và hiệu quả đối với công tác giáo dục lý luận chính
trị hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét