Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

Một số biểu hiện cơ bản của tính đảng trong thông tin báo chí

Trước hết, về nội dung, yêu cầu của tính đảng trong hoạt động báo chí, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn bản đề cập, tựu trung lại có mấy vấn đề quan trọng: Một là, tuyên truyền, giáo dục lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hai là, đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá sự nghiệp cách mạng của đất nước. Ba là, tuyên truyền, giáo dục tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đấu tranh bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bốn là, đấu tranh chống những biểu hiện bảo thủ, lạc hậu, những thói hư tật xấu trong cộng đồng, những rào cản văn hóa trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Trong bất kỳ thể chế xã hội nào, báo chí dù trực tiếp hay gián tiếp, là phương tiện và phương thức đi đầu trong cuộc đấu tranh chính trị, tư tưởng; do đó, báo chí trong môi trường truyền thông số luôn phải thể hiện là phương tiện và phương thức siêu kết nối công chúng-xã hội, tức là tận dụng khả năng siêu kết nối của nền tảng số để kết nối nguồn lực trí tuệ và cảm xúc của nhân dân vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích cộng đồng. Đó là quá trình báo chí, truyền thông đại chúng tham gia can thiệp xã hội, tức là tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội đã và đang đặt ra. Trong quá trình này, lợi ích chính trị của Đảng, Nhà nước luôn được thể hiện như sợi chỉ đỏ, có tính nguyên tắc. Sức mạnh chính trị, lợi ích chính trị của Đảng, trước hết thể hiện ở niềm tin chính trị của nhân dân. Do đó, báo chí cách mạng cần phải đề cao trách nhiệm chính trị trong xây dựng, kết nối niềm tin từ công chúng và nhân dân. Đảng, Nhà nước đã nêu rõ quan điểm xây dựng “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. (Trích báo QĐND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét