Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NHÂN DÂN TRONG PHÒNG CHỐNG TIÊU CỰC

 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thống nhất cao với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đối với hành vi tham nhũng thì việc xử lý đã có các căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, câu hỏi được nhiều người quan tâm, đó là làm thế nào để nhận diện “tiêu cực” và đấu tranh với hiện tượng đó như thế nào?

Theo cách hiểu thông thường thì “tiêu cực” là những hiện tượng không lành mạnh, phủ định, cản trở sự phát triển của xã hội. Biểu hiện của tiêu cực có nhiều mức độ khác nhau, nhẹ thì là một hành vi, lời nói chưa chuẩn mực; nặng hơn là thói cục bộ, bè phái, lạm dụng quyền lực... Tiêu cực tuy dễ nhận thấy nhưng xử lý rất khó nếu như không đánh giá đúng các biểu hiện tiêu cực.

Để góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh với những hành vi, biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ cần phải tăng cường, nâng cao hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, chủ động ghi nhận, xử lý những phản ánh của nhân dân. Đồng thời, tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát quyền lực; thực thi dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình để bảo vệ người tố cáo, tố giác, phát hiện những biểu hiện tiêu cực.

Chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đang được nhân dân ủng hộ, để chủ trương này thành công đòi hỏi sự tham gia tích cực của mỗi người dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Do vậy, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cấp ủy, chính quyền cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tiếp nhận, phân tích, xử lý kịp thời thông tin, chủ động giải quyết ngay những biểu hiện tiêu cực, không để “cái sảy nảy cái ung”. Phân loại một cách hợp lý những biểu hiện tiêu cực để có biện pháp đấu tranh, phòng ngừa ngăn chặn ngay từ khi mới hình thành. Phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ thẳng thắn góp ý, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong sinh hoạt cũng như công tác; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên gắn với các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tin tưởng rằng, với việc phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân cùng với việc giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc, việc thành lập và đưa vào hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ phát huy hiệu quả trong thực tế, được cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, với tinh thần nghiêm minh, mạnh dạn, sáng tạo, lấy thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đạt được các mục tiêu mà Đảng và Nhân dân kỳ vọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét