Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

VỊ CHỦ TỊCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI “LÂU NHẤT, ĐƯỢC DÂN YÊU QUÝ”


Trong tâm khảm của những người Hà Nội ngày giải phóng Thủ đô và có lẽ cả lớp hậu sinh hôm nay, bác sỹ Trần Duy Hưng được biết đến không chỉ bởi Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội, một người đảm nhận cương vị này lâu nhất trong lịch sử, mà còn bởi tài năng và đức độ của một người lãnh đạo gần dân, yêu dân và đúng nghĩa là công bộc của dân như lời Bác Hồ từng dạy.

Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh năm 1912 tại xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Vốn thông minh lại cần cù học tập, năm 30 tuổi, người học trò vùng ngoại thành Hà Nội đã là một bác sỹ nổi tiếng, cùng em gái mở được một bệnh viện tư tại phố Bông Nhuộm để chữa bệnh cứu người.

Nổi tiếng về chuyên môn nhưng điều ông được đồng nghiệp và người dân Hà Nội thời đó yêu quý nhiều hơn bởi tấm lòng đức độ của một người thầy thuốc sẵn sàng cưu mang và cứu giúp dân nghèo.

Cũng chính tại cơ sở chữa bệnh này, bác sĩ Trần Duy Hưng đã cứu giúp và chở che những cán bộ Việt Minh như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… giữa vòng vây bố ráp của kẻ địch.

Lòng yêu nước của vị bác sĩ danh tiếng đó ngày càng lớn dần lên để rồi ông đã tự nguyện làm một cơ sở bí mật của Đảng trong những ngày trước Cách mạng Tháng 8.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ít ngày, Bác Hồ đã tìm đến tư gia của bác sĩ Trần Duy Hưng và đề nghị ông làm Thị trưởng Thành phố Hà Nội khi ông mới 33 tuổi.

Có lẽ quá bất ngờ trước vinh dự và trọng trách lớn lao đó, bác sĩ Trần Duy Hưng đã xúc động đáp lại rằng:

"Thưa Cụ, chức Chủ tịch xin Cụ chọn người khác xứng đáng hơn, tôi không quen làm...".

Nghe vậy, Cụ Hồ đã động viên: "Tôi có quen việc làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta cứ làm rồi sẽ quen...".

Trong thời điểm đất nước đang bộn bề khó khăn, vất vả, bằng sự sáng suốt của mình, khi đặt trọng trách Chủ tịch Thành phố đối với bác sỹ Trần Duy Hưng, Cụ Hồ đã nhìn thấy ở ông một nhân cách, một tấm lòng hết mình vì dân, vì nước.

Sự nhìn nhận sáng suốt đó đã được minh chứng theo thời gian và đã để lại lịch sử cách mạng Hà Nội một vị Chủ tịch mẫu mực trong suốt hàng chục năm liền trên cương vị người đứng đầu thành phố.

Có lẽ một trong những "bài học" đầu tiên để làm người cán bộ công bộc của dân chính là việc Ông cùng với Cụ Hồ viếng thăm xóm thợ nghèo vào đêm giao thừa năm 1946.

Trong cái rét như cắt da của đêm mùa đông năm ấy, khi mở cửa nhà mình, người phụ nữ của xóm thợ nghèo nàn đã bật khóc nức nở khi được Bác Hồ đến thăm và chúc Tết. "Bác không đến thăm những người như cô chú thì đến thăm ai", đáp lại sự xúc động của gia đình người thợ nghèo, Cụ Hồ đã ân cần nói như vậy.

Nghĩa cử cảm động của vị Chủ tịch nước giữa đêm mùa đông năm 1946 đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng vị lãnh đạo thành phố mới ngoài 30 tuổi.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bác sĩ Trần Duy Hưng được giao trọng trách Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến và đến năm 1954 là Thứ trưởng Bộ Y tế. Tháng 10/1954, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội dẫn đầu đại quân tiếp quản Thủ đô và ngay sau đó được bầu lại chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thủ đô và sau đó là UBND TP cho đến năm 1977.

Đảm đương chức vụ Chủ tịch thành phố trong bối cảnh chính quyền cách mạng còn non trẻ, thù trong giặc ngoài, giữa bộn bề công việc, người dân Hà Nội biết đến vị Chủ tịch của mình bởi sự tận tâm, tận lực của ông trên cương vị người đứng đầu thành phố.

Ông được nhắc đến với tác phong rất giản dị, gần gũi với người dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời bất cứ phản ánh, nguyện vọng nào chính đáng của nhân dân. Ông tự soạn thảo các công văn, diễn văn, thư từ, điện tín. Ông thường xuyên tiếp dân ngay trong nhà mình bất kể lúc nào, nghe cụ thể từng vụ việc và sau đó giải quyết luôn cho dân.

Trong ký ức những chiến sĩ Công an, tự vệ của những ngày Hà Nội 12 ngày đêm, hình ảnh vị Chủ tịch thành phố thường xuyên xông vào khói bom để cùng tham gia cứu hộ, dập lửa đã trở thành hình ảnh thân quen. Và có lẽ chính sự mẫu mực đó của những người lãnh đạo như bác sĩ Trần Duy Hưng đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để làm nên những kỳ tích của một "Điện Biên Phủ trên không" đi vào lịch sử.

Đầu thu năm 1988, Hà Nội mất đi một người con ưu tú, bác sĩ Trần Duy Hưng. Giữa những đoàn quan khách trong và ngoài nước tìm đến viếng bác sĩ Trần Duy Hưng còn rất đông những người công nhân, dân nghèo thành thị và ngoại thành. Họ kính cẩn nghiêng mình trước một bác sĩ - vị Chủ tịch thành phố tài năng và đức độ. Gần 35 năm đã trôi qua kể từ ngày mất của bác sĩ Trần Duy Hưng, khoảng thời gian đó đủ để chúng ta nhìn lại rõ nét hơn những gì mà vị bác sĩ tài danh và mẫu mực này đã để lại.

Sự gương mẫu, đức tính giản dị, gần dân, thương dân của người đứng đầu thành phố vẫn vẹn nguyên tính thời sự nóng bỏng. Gương mẫu để người dân tin, yêu và làm theo, giản dị, gần dân để lắng nghe được những tiếng nói từ các nẻo khuất nhất của cuộc sống nhằm đưa ra các quyết định sáng suốt nhất.

Những phẩm chất đó không hề cao siêu xa lạ, thế nhưng không phải người lãnh đạo nào cũng làm được.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét