Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

 

ĐẨY MẠNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

 

 Trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí là một nội dung quan trọng được các ngành, các địa phương đặc biệt coi trọng trong quá trình thực hiện.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm là sử dụng hợp lý, có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động nhằm tích lũy thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao mức sống của người dân. Tiết kiệm phải từ cái nhỏ đến cái to, không xa xỉ, hoang phí, phô trương, hình thức. Để thực hành tiết kiệm có hiệu quả thì phải ra sức chống lãng phí, coi đây là việc làm thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân.

 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ lãng phí là một căn bệnh phải được khắc phục triệt để. Những năm qua, hệ thống chính trị từ  trung ương đến cơ sở luôn xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách. Nhiều quy định cụ thể về vấn đề này đã được thể hiện rõ trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của mình và có nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này. Nhờ vậy, hàng năm, các địa phương, các ngành đã cắt giảm đáng kể kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chưa cần thiết, tiết kiệm nguồn kinh phí không nhỏ, thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Tuy nhiên, trên thực tế việc lãng phí vẫn còn xảy ra ở nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, từ nhận thức đến thực hiện, đến việc xử lý sai phạm chưa nghiêm. Trong bối cảnh hiện nay, đại dịch COVID-19 vẫn có diễn biến khó lường, việc thích ứng linh hoạt đòi hỏi phải có nguồn lực cần thiết để phát triển. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chính là một giải pháp thiết thực góp phần giải bài toán về nguồn vốn cho phát triển.

 

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực chất và đạt hiệu quả rất cần chú trọng nâng cao nhận thức cho toàn xã hội để việc này trở thành việc làm thường xuyên của mỗi tập thể, mỗi cá nhân. Đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền không giấy tờ, tạo giải pháp hữu hiệu để chống lãng phí. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình để xảy ra tình trạng lãng phí, không có ý thức thực hành tiết kiệm.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét