Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây là nguyên tắc Hiến định mang tính giai cấp sâu sắc, nguyên tắc bảo đảm sự thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp cách mạng xã hội của nước ta là sự nghiệp cách mạng của toàn dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận hợp thành hệ thống
chính trị xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng thời là lực lượng lãnh đạo hệ thống đó.
Vì vậy, Nhà nước là một thành viên trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa tất
yếu phải do Đảng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức xây dựng. Mọi hoạt động của Nhà
nước, cũng như việc tổ chức xây dựng và phát huy vai trò hiệu lực của Nhà nước
trong điều hành quản lý xã hội đều phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống
nhất của Đảng, ngoài ra không lực lượng nào có quyền nắm và lãnh đạo Nhà nước.
Đây là vấn đề thuộc về bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước, đồng thời cũng
là một nguyên tắc hiến định, đã được ghi trong Hiến pháp năm 1992 và nay là Điều
4 Hiến pháp năm 2013. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước thể hiện: Đảng đề
ra đường lối, chủ trương, chính sách, lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa đường lối,
chủ trương, chính sách của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, chính sách cụ thể
và lãnh đạo tổ chức nhân dân thực thi Hiến pháp, pháp luật, chính sách; lãnh đạo
Nhà nước tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức;
Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng công tác kiểm tra việc quán triệt, tổ chức thực hiện
đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; củng cố nâng cao chất lượng hoạt
động của tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước làm tham mưu cho
Đảng; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và
nhân dân trong việc tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước
và bảo vệ Nhà nước.
Hiện nay, các thế lực thù địch đưa ra nhiều quan điểm,
luận điệu hòng bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với Nhà nước và xã hội.
Chúng lên tiếng cho rằng, ở Việt Nam không có “pháp trị”, chỉ có “đảng trị”.
Đây là thủ đoạn nham hiểm của các lực lượng chống đối Đảng Cộng sản lãnh đạo
các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu những năm 80 của thế kỷ trước,
tiếc rằng có một số người vẫn cổ xúy cho thủ đoạn trên, mà không biết những hậu
quả khôn lường đối với đất nước, đối với xã hội, đối với người dân khi vai trò
lãnh đạo của Đảng bị đặt ngoài Hiến pháp. Những người có lương tri trên thế giới
không thể không nhớ đến sự kiện Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã năm 1991, những
người dân chủ cấp tiến hả hê khi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản bị đặt
ngoài Hiến pháp, khi Điều 6 Hiến pháp Liên Xô năm 1977 (sửa đổi, bổ sung năm
1988) bị phá bỏ. Trên đất nước đó, sau những biến cố thăng trầm, chính Tổng thống
Nga V. Putin trong cuộc gặp các đảng phái chính trị của Nga tại Điện Kremlin
ngày 23/9/2016 cho rằng,Liên Xô sụp đổ là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong
thế kỷ XX, sự kiện Liên Xô sụp đổ không chỉ là thảm họa địa chính trị lớn nhất
trong thế kỷ XX mà rất có thể là cả trong lịch sử chính trị thế giới, để lại những
hậu quả có tính toàn cầu về tư tưởng, văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội và
an ninh.
Những ai đó nếu còn phản bác, phủ nhận vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thiết tưởng cần nhớ Điều 6,
Hiến pháp Liên Xô năm 1977 (sửa đổi, bổ sung năm 1988) quy định về vai trò lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị phá vỡ, để lại những hậu quả nặng nề trong
không gian hậu Xô viết cho đến ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét